Học nghề có thể thăng tiến lên chức vụ quản lý được không?

25/06/2024 14:21 GMT+7

Vào lúc 14 giờ 30 hôm nay (25.6), Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề 'Những hướng đi ngoài lớp 10 công lập' nhằm cung cấp cho phụ huynh và học sinh những thông tin cần thiết về việc lựa chọn hướng đi sau cấp THCS để có thể tiếp tục các cơ hội học tập, cụ thể là hướng học nghề.

Chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Những hướng đi ngoài lớp 10 công lập" được trực tuyến tại địa chỉ thanh nien.vn, Fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.

Năm nào cũng vậy, kỳ thi vào lớp 10 công lập được xem như là một 'cuộc đua' khá gay gắt. Nhưng đây không phải là con đường duy nhất để học sinh lựa chọn.

Hiện nay, học sinh sau THCS có rất nhiều lựa chọn. Nếu không đủ điều kiện để trúng tuyển vào lớp 10 tại các trường THPT công lập, các em có thể đăng ký vào các trường THPT ngoài công lập, trường quốc tế, các trung tâm giáo dục thường xuyên, hoặc rẽ sang học nghề tại các trường trung cấp, trường CĐ có đào tạo trung cấp. Tuy nhiên, trong vài năm qua, học nghề đang ngày càng được nhiều học sinh lựa chọn.

Học nghề có thể thăng tiến lên chức vụ quản lý được không?- Ảnh 1.

Học nghề là một hướng đi đối với học sinh không đủ điều kiện vào lớp 10 công lập

MỸ QUYÊN

 Tham gia chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề "Những hướng đi ngoài lớp 10 công lập" có các khách mời:

Học nghề có thể thăng tiến lên chức vụ quản lý được không?- Ảnh 2.

Các chuyên gia tham gia chương trình tư vấn chiều nay

THANH HẢI

  • Thạc sĩ Nguyễn Bình Phương Thảo, Trưởng khoa Khoa học cơ bản và Giáo dục thường xuyên, Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn;
  • Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường trung cấp Việt Giao.

Tại đây, đại diện các trường sẽ cung cấp những thông tin về những lợi thế của học nghề dành cho học sinh sau lớp 9, những ngành học phù hợp và có nhiều triển vọng với lứa tuổi 15-16, cơ hội việc làm và cơ hội liên thông lên ĐH sau khi tốt nghiệp trung cấp, CĐ…

Học nghề, một lựa chọn của học sinh tốt nghiệp THCS

Theo thạc sĩ Nguyễn Bình Phương Thảo, Trưởng khoa Khoa học cơ bản và Giáo dục thường xuyên Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, thông tin: ''Học nghề không chỉ dành học học sinh tuổi 18 mà còn phổ biến với học sinh tốt nghiệp THCS. Nếu các em được tư vấn lựa chọn đúng thì có được việc làm và thu nhập ổn định so với bạn cùng trang lứa và có thể phát triển tốt bản thân, thành công trong nghề. Học nghề sớm phù hợp với học sinh có ý thức lựa chọn ngay từ đầu, hoặc với học sinh không đủ điều kiện vào lớp 10 công lập. Lựa chọn học nghề sớm cũng phù hợp với các em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Thời gian qua nhiều em ngay từ đầu đã xác định học nghề mà không thi vào lớp 10. Điều đó cho thấy phụ huynh và học sinh đã có cái nhìn đúng đắn hơn về học nghề''.

Còn thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao, cho hay trong những năm gần đây, quan điểm, nhận thức của phụ huynh đã dần thay đổi một cách rõ rệt. Sau khi con em tốt nghiệp THCS, phụ huynh đã định hướng ngành nghề, cơ hội để tiếp tục học tập mà không thi vào lớp 10 công lập mà chọn học trung cấp. Luật Giáo dục nghề nghiệp tạo điều kiện cho học sinh lớp 9 tiếp cận cơ hội vừa học nghề vừa học văn hóa, vừa tiết kiệm tài chính cho gia đình, vừa sớm tham gia thị trường lao động, sau đó có thể quay lại học liên thông lên CĐ, CĐ.

Học nghề có thể thăng tiến lên chức vụ quản lý được không?- Ảnh 3.

Thạc sĩ Nguyễn Bình Phương Thảo, Trưởng khoa Khoa học cơ bản và Giáo dục thường xuyên Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn

THANH HẢI

Tại trường Trung cấp Việt Giao số lượng các em sau lớp 9 học nghề chiếm 1/3 tổng số người học tại trường. Có rất nhiều ngành nghề như cơ khí, điện tử, ô tô, xây dựng, khách sạn nhà hàng, thẩm mỹ, thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, kế toán... Các trường luôn liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho học sinh.

Cơ hội liên thông lên ĐH 

Phụ huynh Ngô Bảo Anh, Q.Gò Vấp hỏi: ""Con tôi thích máy móc, kỹ thuật, cháu nên chọn nghề nào để theo học? Khi học nghề kỹ thuật thì cháu sẽ học các môn văn hóa nào và việc học văn hóa có nặng hay không?". Thạc sĩ Nguyễn Bình Phương Thảo cho hay ngành kỹ thuật ô tô đang là một trong những ngành 'hot' nhất hiện nay. Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn hiện đào tạo nhiều ngành kỹ thuật trong đó có ngành kỹ thuật ô tô. Phụ huynh nên cho con trải nghiệm tại trường để biết con thích ngành gì và có phù hợp hay không. Trường tổ chức học 4 môn và 7 môn văn hóa tạo điều kiện cho các em thi lấy bằng tốt nghiệp THPT, sau này liên thông lên ĐH dễ dàng hơn.

Nói thêm về liên thông ĐH, thạc sĩ Nguyễn Bình Phương Thảo cho biết các em học xong trung cấp và CĐ tại trường nghề được phép liên thông lên ĐH do trường có đào tạo 4 môn văn hóa có giấy chứng nhận hoàn thành các môn văn hóa. Trường có các đơn vị đối tác liên kết chấp nhận liên thông như Trường ĐH Giao thông vận tai TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Đà nẵng, Trường ĐH Đà lạt… Ngoài ra, trường có chương trình đào tạo chất lượng cao với Canada, học xong CĐ ở trường có thể học tiếp ĐH ở Canada.

Trng khi đó, phụ huynh Tấn Phong, Q.10 (TP.HCM) hỏi: ''Nếu học ngành nhà hàng khách sạn bậc trung cấp thì có cạnh tranh được với người học CĐ, ĐH hay không? Con tôi mong muốn trở thành người quản lý nhà hàng, cháu cần phải học tập và trau dồi kỹ năng gì để đạt được ước mơ?''. 

Trả lời câu hỏi này, thạc sĩ Trần Phương cho hay: ''Đây là ngành đã được đào tạo 20 năm tại trường, nhiều giám đốc, quản lý các nhà hàng khách sạn tham gia giảng dạy. Các em có thể làm marketing, bếp, lễ tân, buồng phòng, quản trị dịch vụ giải trí... Trường sẽ định hướng nghề nghiệp cho các em, sinh viên được kiến tập thực tập tại doanh nghiệp. Tốt nghiệp các em có thể làm việc tại Việt Nam hoặc các khách sạn nhà hàng ở các quốc gia khác''.

Chịu khó học hỏi, năng lực thì có thể thăng tiến lên các vị trí như quản lý

Có phải bắt buộc phải liên thông lên ĐH thì mới có cơ hội thăng tiến hay không? Có trường hợp nào chỉ cần học nghề không cần bằng ĐH vẫn có thể nắm giữ các vị trí như trưởng phòng, trưởng bộ phận hay chức vụ quản lý không? Để đạt được sự thành công này mà không cần có bằng ĐH, người học nghề cần phải có tố chất và kỹ năng gì?

Thạc sĩ Trần Phương giái đáp: ''Hầu như các em tốt nghiệp THCS đi học nghề đều đã xác định được con đường đi của mình, nhiều em tốt nghiệp Trường trung cấp Việt Giao ra có thu nhập từ đầu 15 triệu đồng/tháng. Từ các vị trí thấp, các em chịu khó học hỏi và thể hiện năng lực thì đều có thể thăng tiến lên các vị trí cao hơn như quản lý, sau đó các em được doanh nghiệp cử đi học nâng cao. Từ đó có thể liên thông lên ĐH''.

Chính sách hỗ trợ học phí 

Một trong những băn khoăn của phụ huynh khi cho con đi học trung cấp hoặc cao đẳng là chi phí học tập. Nhiều phụ huynh đặt vấn đề: "Học trung cấp sẽ được nhà nước hỗ trợ học phí vậy nếu học lên CĐ thì mức học phí ra sao? Học sinh ngay từ đầu không phải đóng hay là đóng xong được nhận lại tiền học phí này? Ngoài ra học sinh phải đóng các khoản chi phí nào?''

Thạc sĩ Nguyễn Bình Phương Thảo thông tin: '' Nghị định 81 và 97 quy định mức thu học phí đối với giáo dục nghề nghiệp. Các em học trung cấp được nhà nước hỗ trợ học phí. Học sinh khi vào trường sẽ hoàn tất học phí trước sau đó trường hướng dẫn các thủ tục liên quan để nhận tiền lại theo định kỳ ở các phòng lao động thương binh xã hội ở địa phương. Khi học cao đẳng, học sinh không được hỗ trợ học phí nhưng có chính sách vay vốn học tập với lãi suất thấp, chỉ hoàn trả sau khi hoàn thành chương trình học. Như Trường CĐ bách khoa Sài Gòn có quỹ học bổng 1 tỉ mỗi năm, tặng học bổng cho học sinh học giỏi và miễn giảm học phí cho học sinh khó khăn''.

Còn thạc sĩ Trần Phương cho hay trường không để học sinh nào nghỉ học vì không có tiền đóng học phí. Chỉ cần các em chọn đúng ngành nghề yêu thích là được trường hỗ trợ. Trường chuyên đào tạo về khách sạn nhà hàng, Nhà nước cấp bù học phí 17 triệu đồng/năm học 2023-2024, năm 2024-2025 sẽ tăng lên thành 19 triệu đồng/năm. Trong 2 năm học tại trường, các em được Nhà nước hoàn trả lên tới 37 triệu đồng. Học nghề xong các em đi làm tại doanh nghiệp, liên thông hoặc tự khởi nghiệp đều được.

Học nghề có thể thăng tiến lên chức vụ quản lý được không?- Ảnh 4.

Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường trung cấp Việt Giao

THANH HẢI

Nên học nghề ngắn hạn hay lấy bằng trung cấp? 

Một phụ huynh băn khoăn: ''Nhà tôi kinh tế khó khăn, nên cho cháu học nghề ngắn hạn ra đi làm luôn hay học để lấy bằng trung cấp? Những ngành nghề có triển vọng hiện nay là gì?''

Thạc sĩ Trần Phương khuyên: ''Nếu các em tốt nghiệp THCS, các em nên định hướng học nghề trong thời gian dài, để có kỹ năng và kiến thức, bên cạnh đó rèn luyện kỹ năng làm việc ngay khi đi học, vì thế chọn học trung cấp sẽ tốt hơn. Còn học nghề ngắn hạn nên dành cho người đã đi làm cần nâng cao tay nghề, bổ sung kiến thức''.

Cụ thể hơn, có học sinh hỏi: ''Em thích bán hàng online kiếm tiền thì nên học ngành nào? Em có cần phải giỏi công nghệ hay có đầu óc kinh doanh không?''. Về câu hỏi này, thạc sĩ Nguyễn Bình Phương Thảo tư vấn: ''Thời đại ngày nay nhiều bạn trẻ đam mê việc kinh doanh, bán hàng qua mạng. Các em có thể học khối ngành kinh tế hoặc truyền thông đa phương tiện, marketing, digital marketing... để sau này khởi nghiệp''.

Trong khi đó, một phụ huynh gửi thắc mắc: ''Tôi thích cho con tham gia các hoạt động về tổ chức sự kiện, rất năng động và sáng tạo. Nghề này sau này có dễ kiếm việc và thu nhập có khá hay không?''. Thạc sĩ Trần Phương phân tích: ''Ngành quản trị dịch vụ giải trí thể thao đang là sức hút của giới trẻ, các em học xong có thể tham gia các hoạt động về tổ chức sự kiện. Trường phân ra 4 hướng: đó là hướng giải trí, du lịch như vận hành các khu vui chơi giải trí; hướng truyền thông giúp các em có thể quản trị các nền tảng truyền thông phụ vụ mục đích kinh doanh online; hướng tổ chức các hoạt động, sự kiện trong thể thao hoặc các hoạt động, sự kiện văn hóa, lễ hội...''.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.