Những hướng đi nếu học sinh không vào lớp 10 công lập

17/05/2023 08:24 GMT+7

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM từ số liệu học sinh (HS) đăng ký nguyện vọng lớp 10, TP.HCM có 96.080 HS đăng ký dự thi tuyển sinh lớp 10 công lập vào tháng 6 tới. Tính ra có khoảng 12.900 HS chủ động thực hiện phân luồng sau bậc THCS.

Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: "Trong những năm gần đây, không có năm nào 100% HS tốt nghiệp THCS đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập. Trung bình mỗi năm có khoảng 10.000 em tốt nghiệp THCS nhưng không đăng ký và năm nay con số này là 12.920. HS và gia đình đã chủ động không chọn con đường học lớp 10 THPT công lập mà lựa chọn các hướng đi khác như du học, học trường quốc tế, trường ngoài công lập, học GDTX và học trung cấp nghề...".

Những hướng đi nếu học sinh không vào lớp 10 công lập - Ảnh 1.

Học sinh không trúng tuyển trường công lập có thể chọn lựa mô hình học tập phù hợp nhất với năng lực của bản thân và hoàn cảnh gia đình

MỸ QUYÊN

Trong khi đó, tỷ lệ phân luồng HS sau THCS của TP.HCM năm học 2023 - 2024 là 70% tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 công lập. Theo phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của 114 trường THPT công lập là khoảng 77.000 HS.

Vì vậy, với 12.920 HS không đăng ký dự thi lớp 10 sẽ giảm áp lực cho các thí sinh trong kỳ thi sắp tới. Thay vì nếu 100% HS tốt nghiệp THCS dự thi lớp 10 sẽ có hơn 30.000 HS không trúng tuyển thì nay con số này chỉ khoảng 20.000.

Ông Lê Hoài Nam cũng cho hay hiện nay Sở GD-ĐT đã công bố bảng hệ thống trường lớp tuyển sinh trung học và chỉ tiêu tuyển sinh 242 cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Trong đó 128 cơ sở giáo dục có tuyển sinh lớp 10 là trung tâm GDTX-GDNN, trường ngoài công lập, trường trung cấp nghề với chỉ tiêu tuyển sinh là hơn 50.000 HS. Qua đó, HS không trúng tuyển trường công lập có thể chọn lựa mô hình học tập phù hợp nhất với năng lực của bản thân và hoàn cảnh gia đình.

Theo ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An (Q.5), hiện nay các trung tâm GDTX không còn là nơi chỉ dành để bổ túc cho HS yếu. Những năm qua, không ít HS có học lực tốt vẫn chủ động chọn GDTX. Chương trình học của hệ này vẫn được xây dựng dựa trên khung kiến thức phổ thông của Bộ GD-ĐT nhưng giảm tải một số môn. Cụ thể, HS GDTX hệ THPT chỉ học 7 môn cơ bản gồm toán, vật lý, hóa học, ngữ văn, sinh học, lịch sử, địa lý. Với HS có học lực trung bình, khối lượng kiến thức 7 môn này vừa sức. Nếu có học lực khá giỏi, việc giảm một số môn giúp các em có thêm thời gian đầu tư những môn mình thích như nghệ thuật, thể thao, hoạt động xã hội…

Tùy vào định hướng, nhu cầu của gia đình, phụ huynh và HS có thể tìm một mô hình phù hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.