Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”, do đó không phải ngẫu nhiên mà nhiều lần trong những cuộc gặp ngoại giao trọng thể, các vị lãnh đạo đã trích dẫn Truyện Kiều như một cách tỏ lòng kính phục đất nước Việt Nam và bắc nhịp cầu kết nối hai dân tộc. Các sáng tác của Nguyễn Du chứa đựng tầng tầng lớp lớp những giá trị chung của nhân loại, những giá trị muôn đời, khơi nguồn cho những cuộc đào sâu và tìm hiểu bất tận.
Mỹ học của Nguyễn Du vừa mới ra mắt tìm hiểu quan niệm của nhà thơ đối với cái đẹp, thông qua khảo sát các tác phẩm của đại thi hào, bao gồm Truyện Kiều và những bài thơ chữ Hán. Trong đó, bên cạnh cái đẹp về thiên nhiên, về con người, về tài năng, về phẩm chất... thì cái bi và việc thể hiện được chức năng văn học một cách rõ ràng cũng là những khám phá mới được GS Lê Ngọc Trà đưa ra và chứng minh.
Một tâm hồn đau đáu trước số phận con người
Theo GS Lê Ngọc Trà, không chỉ tán dương và trân trọng cái đẹp, đại thi hào Nguyễn Du còn không ngừng trăn trở về số phận của cái đẹp, và rộng ra là về cái bấp bênh của phận người hay những tang thương dâu bể của cuộc đời. Đó là sợi dây xuyên suốt các sáng tác của cụ Tố Như.
Thơ của Nguyễn Du đầy ắp nỗi buồn: nỗi buồn xa xứ, nỗi buồn về sự nghèo khó bệnh tật và những cảm khái về thế sự. Nhiều lần, ông nói về trăm năm, cõi người, một cuộc bể dâu. Đó là cảm thức về sự tồn tại, một cảm thức ẩn chứa câu hỏi siêu hình về sự sống. Nhà thơ đau cho đời, đau cho mình. Nỗi buồn thế sự của Nguyễn Du là một cảm xúc thẩm mỹ sâu sắc, giàu tính nhân văn.
Mỹ học của Nguyễn Du, theo GS Lê Ngọc Trà, đã chạm tới chiều sâu của cái đẹp, đó là sự mong manh, sự trớ trêu và số phận long đong của nó. Mô típ "hồng nhan bạc mệnh" được Nguyễn Du nâng lên thành chủ đề mỹ học: bi kịch của cái đẹp, và là chủ đề xuất hiện trong nhiều kiệt tác văn học cổ kim, được nhiều nhà nghiên cứu văn học trên khắp thế giới quan tâm luận bàn.
Cái tài và sự vĩ đại của Nguyễn Du là ở chỗ từ bi kịch của cái đẹp, qua Truyện Kiều, đại thi hào đã nâng lên thành nỗi đau của người phụ nữ và xa hơn là nỗi đau của kiếp người. Trong các tác phẩm của mình, Nguyễn Du nhiều lần nhắc đến chữ kiếp người, và ông có đến 3 bài thơ viết về cuộc đời bất hạnh của những người phụ nữ tài năng, đẹp đẽ.
Thân phận làm người là nỗi ám ảnh của Nguyễn Du. Đằng sau nỗi đau của một con người cụ thể là day dứt về tâm thế tồn tại của con người, là ý thức hiện sinh về sự hiện hữu của con người giữa trần thế. Đó là chủ đề của Truyện Kiều, là tuyên ngôn nghệ thuật của Nguyễn Du, phản ánh một ý thức thẩm mỹ hết sức nhạy cảm với cái vô thường, với sự đổi thay, sự còn mất của thế gian, của kiếp người.
Qua những phân tích bao quát các sáng tác của Nguyễn Du, GS Lê Ngọc Trà đã rút ra được một nhận định cô đọng và thấu suốt: từ vấn đề cái đẹp đẩy lên thành triết lý nhân sinh, đó là chỉ dấu của thiên tài, của một người nghệ sĩ lớn.
Quan niệm về hoạt động sáng tác nghệ thuật
Theo GS Lê Ngọc Trà, là một nghệ sĩ, Nguyễn Du khao khát một sự đồng điệu, cảm thông, và tìm kiếm sự tri âm trong nghệ thuật. Ông cũng cho thấy trong lịch sử văn học cổ Việt Nam, có lẽ Nguyễn Du là một trong những nhà thơ nói đến nghệ thuật nhiều nhất, mà dẫn chứng dễ thấy nhất là Truyện Kiều với vẻ đẹp cầm kỳ thi họa của nghệ sĩ phương Đông.
Chẳng hạn khi mô tả bức tranh Kim Trọng vẽ bằng những câu “Đạm thanh một bức tranh tùng treo trên” và “càng nhìn càng tươi”, nhà thơ bộc lộ yêu cầu rất cao đối với tác phẩm nghệ thuật: giản dị, tao nhã và hàm súc.
Với Nguyễn Du, sự tri âm trong nghệ thuật hòa cùng sự tri âm của tâm hồn, bộc lộ một quan niệm nhân sinh sâu sắc. Trong hồi tái hợp, Kim Trọng đã hiểu thấu và nâng niu tình cảm sâu kín nhất của Kiều, đó là ý thức về nhân phẩm dẫu thân phận bị dập vùi. Khi Kim Trọng chấp thuận “đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ”, Kiều đã vô cùng cảm kích, và mối quan hệ tri âm được khẳng định mạnh mẽ: “tương tri dường ấy mới là tương tri”.
Đáng chú ý hơn hết, Nguyễn Du tìm đến sáng tác nghệ thuật không chỉ như một phương thức “tải đạo”, một cách rao giảng luân lý. GS Lê Ngọc Trà nhận định, với Nguyễn Du, “sáng tác là bộc lộ nỗi niềm, là kể một câu chuyện đời để người ta nghiền ngẫm, chia sẻ, cảm thông. Thơ văn Nguyễn Du nghiêng về hiểu đời hơn là thuyết lý, nghiêng về nhận thức hơn là giáo dục”. Điều này rất gần với tư duy nghệ thuật hiện đại.
Có thể nói Mỹ học của Nguyễn Du là một nghiên cứu đầy tâm huyết của giáo sư Lê Ngọc Trà. Ông đã viết về Truyện Kiều với tất cả tấm lòng trân trọng, với ngôn ngữ gần gũi và dẫn chứng rõ ràng, giúp bạn đọc ngày nay tiếp cận được các sáng tác tiêu biểu của văn học trung đại Việt Nam, cũng như tìm về những giá trị bất hủ trong sáng tác của đại thi hào đã được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới, để từ đó biết giữ gìn vốn quý của dân tộc. Đồng thời, khi khám phá cái đẹp trong những áng thơ này, người đọc cũng sẽ yêu hơn tiếng nước mình và cảm nhận được vẻ đẹp trong cuộc sống quanh ta...
Bình luận (0)