LỚN LÊN CÙNG TRẠI HÈ
Những ngày cuối tháng 6, PV Thanh Niên tìm đến cư xá Thanh Đa, P.27, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, nơi diễn ra trại hè Thanh Đa. Thời điểm này cũng là lúc các giáo viên tổ chức lễ bế giảng cho nhóm trại sinh tham gia đợt 3 của mùa hè năm nay.
Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến những giọt nước mắt giàn giụa lăn dài trên má các trại sinh. Ai nấy đều không thể kìm nén sự xúc động khi đợt sinh hoạt này kết thúc. Các em phải trở về gia đình sau 5 ngày tạm trú nơi đây. Tuy thời gian ngắn ngủi nhưng đã để lại trong mỗi em những kỷ niệm khó có thể nào quên.
Nguyễn Bảo Nghi, học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, H.Nhà Bè (TP.HCM), cho biết ngày đầu tiên đặt chân đến trại hè này, em là cô bé khá nhút nhát, cũng có đôi phần lo lắng, sợ hãi khi phải rời xa gia đình đến một nơi xa lạ.
"Thoạt đầu, em mong chờ thời gian trôi qua thật nhanh để được về nhà. Nhưng đấy chỉ là suy nghĩ của ngày đầu tiên. Sau đó mọi ý nghĩ đã tan biến. Từ những hoạt động như: sinh hoạt tiểu trại, toàn trại, trang bị kỹ năng thực hành xã hội, kỹ năng mềm hay các trò chơi vận động…, em đã bắt đầu hòa nhập, làm quen với các bạn. Chúng em cùng kề vai sát cánh, đoàn kết qua nhiều trò chơi ý nghĩa. Sau mỗi hoạt động như thế, mọi người lại càng thêm gắn kết", Nghi chia sẻ và cho biết sau 5 ngày em như trở thành một con người mới, cởi mở và hoạt bát hơn.
Võ Trần Hà Như, học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo, Q.12 (TP.HCM), cũng nước mắt lăn dài trên má ngày chia tay trại hè. Với Như thì trại hè giúp em cũng như các bạn trẻ có cơ hội bỏ chiếc điện thoại thông minh xuống, hòa mình vào thiên nhiên, cùng tham gia các hoạt động ngoài trời để rèn luyện sức khỏe. Sau lần tham gia này, Như có thêm nhiều trải nghiệm để tự tin bước vào đời. "Đó là cách sống tự lập, cách kiềm chế cảm xúc, cách thích nghi với môi trường mới, kỹ năng giao tiếp, bày tỏ ý kiến… Tất cả điều đó đều thật sự rất cần thiết với em", Như nói.
Với Lê Phạm Phương Duy, học sinh Trường THCS Tân Thạnh Tây, H.Củ Chi (TP.HCM), thì trại hè Thanh Đa chính là "vùng đất yêu thương".
Duy kể lại: "Khi nghe mẹ nói hè này mẹ đăng ký cho con đi trại hè nhé, em đã rất bất ngờ và cũng chẳng biết mình vào trại hè để làm gì, được đối xử như thế nào, chỗ ở và sinh hoạt ra sao. Thế nhưng mọi lo lắng đã tan biến khi được gặp những người thầy, người cô tận tâm, nhiệt tình. Ngày mới đến trại hè này, em không biết giặt đồ, dọn giường… Nhưng rồi, chỉ sau vài ngày ngắn ngủi, em thuần thục nhiều kỹ năng hơn. Cũng từ "vùng đất yêu thương" này, em học được tính tự lập, biết cách giao tiếp, có thêm nhiều kỹ năng quan trọng trong cuộc sống".
TÍNH AN TOÀN LUÔN ĐƯỢC ĐẶT LÊN HÀNG ĐẦU
Là người có 5 năm gắn bó với trại hè Thanh Đa, anh Nguyễn Đỗ Minh, Trưởng khoa Sáng tạo kỹ thuật, Nhà thiếu nhi TP.HCM, cho biết trại hè dạy cho các em chủ yếu về kỹ năng thực hành xã hội, các chuyên đề phòng chống tai nạn thương tích, kỹ năng thoát hiểm. Ngoài ra, còn tổ chức cho các em tham gia sân chơi sáng tạo, qua đó các em có thể trải nghiệm và tìm hiểu mô hình sáng tạo.
Nhắc về tính an toàn trong các hoạt động của trại hè, anh Minh khẳng định: "Đây là vấn đề quan trọng được đặt lên hàng đầu. Các thầy cô phụ trách ở đây đều nâng cao trách nhiệm gắn bó với các em trong suốt kỳ trại. Mỗi cầu thang trong khu vực chúng tôi đều bố trí các thầy cô giám sát để theo dõi các em. Mỗi trại có tối đa 60 trại sinh và sẽ có 2 thầy cô tổng phụ trách túc trực lo lắng và dạy cho các em về những kỹ năng trong suốt kỳ trại".
Bà Lê Thị Kim Thúy, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, cho biết trại hè Thanh Đa được Liên đoàn Lao động TP phối hợp với Thành đoàn TP.HCM tổ chức đến nay đã trải qua 45 năm hoạt động. Đội ngũ phụ trách các em trong trại hè đa phần là Tổng phụ trách Đội ở các trường. Đây là những công đoàn viên tích cực, có nhiều kỹ năng hướng dẫn cho trẻ và có những phương pháp được đào tạo qua các hoạt động thực tiễn tại đơn vị trường học.
Cũng theo bà Thúy, ngoài việc trang bị cho các em về tinh thần đoàn kết, sự tự lập, kỹ năng về PCCC, an toàn trong bơi lội, kỹ năng tự vệ… thì năm nay với chủ đề "Em yêu thành phố của em", trại hè đã giới thiệu đến các em các di tích lịch sử ở TP.HCM, nhằm giúp các em hiểu được sự đấu tranh kiên cường, bất khuất của chiến sĩ và người dân ở khu căn cứ ngày xưa.
Đáng chú ý, bà Thúy cho biết năm nay là năm đầu tiên ban tổ chức kêu gọi phụ huynh cùng giúp hạn chế trẻ sử dụng thiết bị di động với mục đích để các em có thời gian vui chơi với nhau, cùng rèn luyện để tăng thêm tính tương tác, giao tiếp nhiều hơn. Qua đó có sự chia sẻ và xây dựng tinh thần đoàn kết, sự chia sẻ với nhau những công việc tập thể, làm việc nhóm.
Con có nhiều thay đổi đáng kể
"Hè này là lần thứ 2 cháu tôi được tham gia trại hè Thanh Đa. Sau mỗi lần, tôi thấy cháu có rất nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Có thể kể như: biết tự lập, về nhà biết sắp xếp mọi thứ, năng động hơn, biết giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh chung. Biết giặt đồ, nấu cơm, lau nhà, biết sống tiết kiệm…".
(Bà Nguyễn Thị Cúc, nội của Nguyễn Minh Phúc, học sinh lớp 7, Trường THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
"Sở dĩ tôi cho con tham gia trại hè vì mong con học hỏi được nhiều kỹ năng sống, có thể trưởng thành hơn, biết sống tự lập, tự lo chứ không phải dựa vào ba mẹ. Và kết quả sau những ngày con tham gia là con đã trưởng thành như tôi mong đợi".
(Chị Trần Thị Thảo, mẹ của Lê Ngọc Minh Phúc, học sinh lớp 9, Trường THCS Trần Quốc Toản, TP.Thủ Đức, TP.HCM)
"Từ khi tham gia trại hè, tôi thấy con có rất nhiều thay đổi đáng kể, hơn cả những gì tôi kỳ vọng".
(Chị Trịnh Ánh Hồng, mẹ của Vũ Hồng Minh Anh, học sinh lớp 5, Trường tiểu học Cách Mạng Tháng Tám, Q.Tân Bình, TP.HCM).
Bình luận (0)