Trong giai đoạn giao thời giữa luật Giáo dục Đại học (GDĐH) 2012 với luật Sửa đổi bổ sung một số điều của luật GDĐH 2018 và luật sửa đổi bổ sung luật Viên chức 2019 đã tạo ra sự thay đổi lớn về vấn đề nhân sự lãnh đạo ở các trường đại học (ĐH) công lập.
Tháng 5.2021, Bộ Y tế từng đề nghị Hội đồng trường của Trường ĐH Y Dược TP.HCM thu hồi quyết định bổ nhiệm 2 phó hiệu trưởng |
website nhà trường |
Phó hiệu trưởng hết nhiệm kỳ có tiếp tục làm khi Hội đồng trường mới thành lập?
Vấn đề thay đổi đó là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không còn là công chức mà là viên chức từ 1.7.2020. Một số chức danh lãnh đạo nhà trường không còn theo cơ chế Bộ trưởng (hoặc người đứng đầu đơn vị chủ quản) bổ nhiệm như trước đây, mà hiệu trưởng do Hội đồng trường bầu và phải được đơn vị chủ quản công nhận. Bên cạnh đó, phó hiệu trưởng do Hội đồng trường bổ nhiệm theo sự đề xuất của hiệu trưởng. Và phó hiệu trưởng của cơ sở GDĐH được Bộ trưởng bổ nhiệm đã hết nhiệm kỳ nếu không có một văn bản nào tuyên bố thì có mặc nhiên hết nhiệm kỳ hay được tiếp tục làm phó hiệu trưởng khi Hội đồng trường mới đã được thành lập hay không.
Vì vậy, khi Hội đồng trường được áp dụng theo luật GDĐH mới, thì các nhân sự liên quan cũng phải theo quy định mới, khi hiệu trưởng được Hội đồng trường bầu mới, thì những phó hiệu trưởng theo cơ chế bổ nhiệm cũ sẽ mặc nhiên hết hiệu lực và Hội đồng trường có quyền bầu phó hiệu trưởng theo đề xuất của hiệu trưởng mới. Lúc này, không thể đồng thời xảy ra cùng lúc việc Hội đồng trường có quyền quyết định nhân sự phó hiệu trưởng với việc một cá nhân, tổ chức khác quyết định bổ nhiệm, kéo dài nhiệm kỳ của phó hiệu trưởng. Đây là nguyên tắc áp dụng pháp luật đã được quy định rõ ở Việt Nam theo Khoản 1 Điều 156 luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật 2015.
Hội đồng trường có quyền bầu phó hiệu trưởng khác không?
Tại Điểm đ, khoản 10, Điều 1 luật GDĐH quy định "Hội đồng trường quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường ĐH; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trường ĐH trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng trường ĐH; việc quyết định các chức danh quản lý khác do quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH quy định”.
Vì vậy, hiệu trưởng không đề xuất một cá nhân nào thì Hội đồng trường không có căn cứ để thảo luận biểu quyết bầu phó hiệu trưởng, trừ trường hợp quy chế trường đó quy định khác.
Đang có những khoảng trống pháp lý trong các cơ sở GDĐH công lập |
L.T |
Các trường trong ĐH Quốc gia áp dụng quy định pháp luật nào?
Theo Khoản 4 Điều 8, Khoản 2 Điều 29 luật GDĐH 2018 thì Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của ĐH Quốc gia (ĐHQG); Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của ĐHQG và các cơ sở GDĐH thành viên. Luật này đã có hiệu lực từ tháng 7.2019 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật GDĐH đến nay đã hơn 2 năm, nhưng quy định về chức năng, nhiệm vụ mới của ĐHQG để thay thế Nghị định cũ vẫn còn đang dự thảo, và hiện nay, các ĐHQG vẫn đang áp dụng Nghị định (NĐ)186/2013/NĐ-CP về ĐHQG.
Tuy nhiên, chắc chắn có sự lúng túng khi áp dụng các quy định của luật GDĐH và NĐ 186, bởi có rất nhiều quy định trong luật GDĐH hiện nay và NĐ 186 vênh nhau. Nếu áp dụng luật GDĐH theo hướng tăng cường tự chủ cho các trường thì vai trò của ĐHQG hầu như mờ nhạt vì các trường được tự chủ nhiều, còn áp dụng theo NĐ 186 thì các trường thành viên vẫn theo cơ chế cũ, không theo kịp hơi thở và tinh thần tự chủ mà luật GDĐH đem đến. Cụ thể, phó hiệu trưởng của các trường thành viên sẽ do Hội đồng trường bầu và chịu trách nhiệm trước Hội đồng trường; nhưng theo Quy chế tổ chức hoạt động của ĐHQG thì thẩm quyền này lại thuộc về Giám đốc ĐHQG; việc mở một ngành mới, các trường ĐH không thuộc ĐHQG chủ động với tinh thần tự quyết cao, nhưng các trường trong ĐHQG vẫn áp dụng theo quy định cũ, tức theo cơ chế “xét duyệt” từ ĐHQG.
Một điều có thể nhận ra, khi ĐHQG triển khai hoạt động trong thực tiễn, sẽ dùng dằng giữa cũ và mới, vì không chỉ luật GDĐH mà các luật khác có liên quan cũng đang điều chỉnh các đơn vị sự nghiệp công lập, và bản thân NĐ 186 đã ban hành gần 10 năm, đã không còn phù hợp với tình hình mới. Và theo nguyên tắc áp dụng tại Điều 156 luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cùng một vấn đề do cùng một cơ quan ban hành mà quy định khác nhau thì áp dụng văn bản ban hành sau, nếu khác cơ quan ban hành thì áp dụng văn bản của cơ quan cấp trên, nên việc chậm ban hành nghị định về ĐHQG và quy chế tổ chức, hoạt động của ĐHQG và các cơ sở thành viên ảnh hưởng lớn đến quá trình thực hiện tự chủ ĐH tại hai ĐHQG TP.HCM và Hà Nội.
Đó là những khoảng trống pháp lý đang tồn tại hiện nay trong các trường ĐH công lập mà các cơ quan quản lý cần phải lưu ý giải quyết để không xảy ra những vấn đề tranh cãi trong hiện tại và tương lai.
Bình luận (0)