Những khúc ca huyền bí: 'Lệ đá' vào phim kinh dị

26/10/2021 06:30 GMT+7

Lệ đá là ca khúc hết sức quen thuộc với công chúng yêu nhạc, tuy nhiên ít ai biết bài hát này mang nhiều điều thú vị và... kỳ quặc.

Trước tiên là phần lời (ca từ) của ca khúc. Ở ngoài bìa bản nhạc (rời) có vẽ một cô gái (chỉ có phần đầu), phía sau là bóng một chàng trai đi trong khu rừng thưa lá do họa sĩ Kha Thùy Châu thực hiện. Dưới cái tựa Lệ đá có ghi “Hà Huyền Chi - Trần Trịnh”, ngầm hiểu rằng tác giả là 2 người này. Trần Trịnh là nhạc sĩ, còn Hà Huyền Chi là một nhà thơ nên nhiều người suy ra đây là một bài thơ phổ nhạc và đã có nhiều MC bị nhầm khi giới thiệu: “Nhạc phẩm Lệ đá thơ Hà Huyền Chi, được nhạc sĩ Trần Trịnh phổ nhạc”.

Nhạc sĩ Trần Trịnh (trái) và nhà thơ Hà Huyền Chi

Tư liệu

Xin thưa, không phải vậy. Đây là một khúc đàn được nhạc sĩ Trần Trịnh nổi hứng cảm tác trên cây đàn piano, thấy hay hay nên ký âm lại. Ít lâu sau, tình cờ gặp ông bạn là nhà thơ Hà Huyền Chi, Trần Trịnh mới nhờ nhà thơ đặt lời. Ác nỗi, Hà Huyền Chi chỉ biết làm thơ còn âm nhạc thì “điếc đặc”, cho nên Trần Trịnh phải ngồi vào đàn piano đánh từng nốt một, rồi ghi ký hiệu: 0 là thanh ngang (bình thanh, không có dấu); những nốt kia thì tùy theo âm sắc để đánh dấu huyền, hỏi, ngã, nặng. Hà Huyền Chi “rị mọ” một hồi rồi cũng “ra” được một đoạn, nghe cũng... bùi tai: “Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời. Hỏi gió phiêu du qua bao đỉnh trời. Hỏi những đêm sâu đèn vàng héo hắt. Ái ân bây giờ là nước mắt. Cuối hồn một thoáng nhớ mong manh...”. Trần Trịnh khen lấy khen để. Có trớn, Hà Huyền Chi đặt tiếp lời 2: “Tượng đá kiên trinh ru con đời đời. Là nét đan thanh nêu cao tình người. Là ánh chiêu dương đẩy lùi bóng tối. Tháng năm xa trùng trùng sóng gối. Ngóng nhìn từ bát ngát chân mây…”; rồi lời 3: “Từ những đam mê xa trong cuộc đời. Từ những cơn vui tan theo nụ cười...”.

Tóm lại, trong lần xuất bản đầu tiên (1968), từ những khuôn nhạc của Trần Trịnh, anh chàng “thi sĩ không biết nốt nhạc nào” đã đặt đến 3 lời, mà lời nào cũng đẹp như... thơ! Chưa dừng lại đó, đến năm 1974, Hà Huyền Chi đặt thêm một lời nữa, rồi năm 1992 đặt thêm lời thứ 5.

Như vậy, ca khúc Lệ đá không chỉ có quá trình hình thành “ngược đời” (các nhạc sĩ thường phổ nhạc cho bài thơ có sẵn, còn đây thì nhạc có trước rồi mới đặt lời - NV) mà còn lập kỷ lục có đến 5 lời trong thời gian 24 năm (1968 - 1992). Chưa hết, ca khúc này được các ca sĩ nổi tiếng như Lệ Thu, Khánh Ly, Nhật Trường... trình bày liên tục trên các phương tiện truyền thông (phát thanh và truyền hình) nên tạo được “cơn sốt” với công chúng.

Bìa bản nhạc Lệ đá

Phim kinh dị đầu tiên

Năm 1971, đạo diễn Võ Doãn Châu đã làm một bộ phim kinh dị dựa theo truyện ngắn Đại úy Trường Kỳ của Nguyễn Mạnh Côn. Nội dung phim: Kỳ (La Thoại Tân đóng) và Trang (Phương Trang) yêu nhau. Một hôm Trang đi ngang một công trình xây dựng, nhóm thợ thi công trên cao vô tình làm rơi một cục gạch trúng đầu Trang khiến cô tử nạn. 5 năm sau, Kỳ quen biết và thân thiết với cô bạn gái khác (Thanh Lan) nhưng hình bóng của Trang lúc nào cũng ám ảnh anh. Cùng thời gian đó, có một ông già (diễn viên gạo cội Đoàn Châu Mậu - bố vợ của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên) hẹn với người tình trong một khách sạn (là công trình khiến Trang tử nạn ngày xưa). Bà vợ biết được đến đánh ghen. Trong lúc giằng co, bà vợ vô tình dùng súng lục bắn chết ông chồng... Ông này chết nhằm “giờ trùng” lại đúng ngay địa điểm của người con gái chết oan nên hồn của Trang nhập vào xác của ông già. Cái tử thi như “đội mồ sống lại” với cái hồn là của cô gái (qua tiếng nói) còn cái xác là của ông già kia (qua hành động). Cái “tử thi” đi tìm người yêu cũ khắp nơi, cho đến một ngày “cô” gặp lại Kỳ...

Đáng lẽ đạo diễn phải đặt tên phim theo tựa đề của truyện ngắn, nhưng do ca khúc Lệ đá vào lúc đó đang “gây sốt” nên đạo diễn đã “mượn” luôn tên ca khúc để đặt tên cho bộ phim của mình. Dù phần nhạc phim do nhạc sĩ Hoàng Trọng đảm nhận nhưng ngay từ đầu phim (và thỉnh thoảng chen vào các phân cảnh) là những đoạn nhạc trích từ Lệ đá. Và để khán giả thêm “phê”, đạo diễn còn mời ca sĩ Khánh Ly hát bản Lệ đá trong một phân cảnh có Kỳ và cô bạn gái (Thanh Lan) ngồi trong một phòng trà...

Như vậy, ca khúc Lệ đá có thêm những điểm độc đáo: trở thành tên chính thức của bộ phim kinh dị đầu tiên của điện ảnh miền Nam (sau đó mới có thêm phim Con ma nhà họ Hứa); trong phim có 2 diễn viên là ca sĩ nổi tiếng: Thanh Lan và Khánh Ly... Cuốn phim Lệ đá rất ăn khách và đã đoạt giải tại Đại hội điện ảnh lần thứ 3 năm 1971, góp phần làm cho ca khúc Lệ đá trở nên rất thịnh hành vào thời đó. Và đến tận bây giờ (53 năm sau), Lệ đá vẫn là một trong những ca khúc được yêu thích.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.