Hiện nay trên mạng có những bài viết cho rằng những cái chuông nhỏ xíu ấy chính là hoa ưu đàm (Udumbara). Ngoài ra có vài video clip trên YouTube cho biết đã dùng kính hiển vi phóng to những ‘cái chuông màu trắng, nhỏ xíu” ấy lên vài trăm lần rồi kết luận chúng chính là hoa ưu đàm, vì họ nhận thấy có những nếp gấp giống như cánh hoa trên những cái chuông ấy.
|
|
Xin thưa, đây chỉ là sự suy luận chủ quan, căn cứ hình ảnh để đi tới kết luận mà không kết hợp với những chứng lý khoa học nào khác.
Ngược lại, trên mạng xã hội và YouTube cũng cho thấy những bài viết khác, cung cấp hình ảnh và video clip ghi lại quá trình sinh sản của một loài côn trùng mà trứng chúng thường “bị” gọi là hoa ưu đàm. Giới nghiên cứu đã chứng minh rằng đó là trứng của những loài côn trùng cánh gân (lacewing insect), thuộc họ Chrysopidae.
Ở Việt Nam họ này còn được gọi là chuồn chuồn cỏ, Trung Quốc gọi là 草蛉 (thảo linh), còn ở Nga gọi là златоглазки (bọ mắt vàng). Theo Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp toàn cầu của Đại học Nông nghiệp và Tài nguyên thiên nhiên California (Mỹ), phần lớn côn trùng cánh gân thuộc giống Chrysopa là những loài săn mồi, ăn rệp, có thân mềm, màu xanh lá nhạt (những loài thuộc chi khác có thể ăn mật ong, mật hoa và phấn hoa).
Loài mà chúng tôi mô tả ở đây có tên khoa học là Chrysopa sp. Vào ban đêm, những con cái thường đẻ trứng trên lá, thân cây hay những chất liệu khác như nhôm, gỗ, sắt, đá, gạch… Mỗi lứa đẻ từ 100 đến 200 trứng nhỏ xíu, thon dài, màu xanh lá nhạt sau đó sẫm màu trước khi nở. Tùy theo loài, trứng được bố trí riêng lẻ hoặc thành từng chùm, mỗi trứng treo trên từng cọng tơ mỏng dài khoảng 1- 4 cm (tơ tiết ra từ bụng con cái). Khoảng 4 ngày sau khi sinh, trứng nở, ấu trùng trải qua 3 giai đoạn trước khi thành nhộng, kế tiếp nhộng sẽ chui khỏi kén, bò lên cọng tơ để ăn chất dinh dưỡng.
|
|
Tóm lại, những cái chuông nhỏ xíu ấy không phải là hoa ưu đàm trong truyền thuyết, nếu là hoa ưu đàm "3.000 năm nở một lần" thì tại sao chúng ta có thể thấy hình ảnh của chúng khắp nơi?
Còn nếu cho rằng hoa ưu đàm là... hoa sung thì chúng phải là hoa ẩn vì ta thường thấy qua hình thức “trái sung”, mà hoa sung thì hoàn toàn khác hình dạng của trứng côn trùng cánh gân. Mặt khác, những trứng này cũng không phải là nấm nhầy, nấm mốc hay một loài nấm nào đó và cũng không phải là nhôm mọc lông tơ như vài nhà khoa học đã nhận định.
Bình luận (0)