Những kỷ lục Việt Nam - Kỳ 2: 'Rumba xanh' từ dòng kênh đen

16/12/2014 01:03 GMT+7

Bằng góc nhìn của một nhà nhiếp ảnh và tâm hồn của một nhà thơ, Nguyễn Lương Hiệu đã thể hiện con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè qua bàn tay con người đã từng ngày đổi thay như có phép màu.

Bằng góc nhìn của một nhà nhiếp ảnh và tâm hồn của một nhà thơ, Nguyễn Lương Hiệu đã thể hiện con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè qua bàn tay con người đã từng ngày đổi thay như có phép màu.

Những kỷ lục Việt Nam - Kỳ 2: Rumba xanh từ dòng kênh đen 1Tác phẩm Như vòng tay yêu thương 2 - Ảnh: Nguyễn Lương Hiệu
Nguyễn Lương Hiệu kể, năm 1992 gia đình anh rời xa quê Quảng Nam vào Sài Gòn lập nghiệp. Sống sát bên kênh Nhiêu Lộc (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), anh nhớ lại: “Tôi được biết từ trước năm 1975, việc cải tạo dòng kênh này là điều bất khả thi vì hai bên dòng kênh có hàng trăm, hàng ngàn căn nhà lụp xụp của người dân đang sinh sống, hình thành một khu ổ chuột chạy suốt chiều dài con kênh. Người ta cơi nới, làm nhà sàn khiến lòng kênh thu hẹp dần. Mỗi ngày, chúng tôi chứng kiến người dân xung quanh đem tất cả các loại rác vứt xuống dòng kênh, nó đã trở thành dòng kênh đen bốc mùi thối nồng nặc. Một ổ bệnh khổng lồ từ dưới dòng kênh đem lại cộng với trăm thứ tệ nạn đặc trưng của cư dân khu ổ chuột... Trước những hình ảnh tệ hại ấy, tôi nghĩ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ rất khó cải tạo cho đẹp”.
Không ngờ, chỉ sau 10 năm, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã đồng tâm, hiệp lực biến dòng kênh dơ bẩn ngày nào thành dòng kênh xanh thơ mộng. Ngày nay, đi bên dòng kênh dài gần 9 km chảy qua 5 quận: 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh như đi trong mơ vậy!
“Nhớ lại những ngày ấy, niềm vui trong tôi dâng tràn, tôi lặng lẽ đi tìm những góc máy đẹp để chụp. Vì dòng kênh chảy dài, uốn khúc, hai bên bờ lại có nhiều nhà cao tầng che khuất góc chụp nên để lấy được trường cảnh hoặc toàn cảnh dòng kênh là cả một quá trình gian nan. Đầu tiên, tôi mất rất nhiều thời gian đi lang thang trên hai con đường Hoàng Sa, Trường Sa tìm góc máy thích hợp, rồi vẽ phác thảo những đường cong của dòng kênh khi ở trên cao chụp xuống. Có như thế mới làm nổi bật những đường nét uốn lượn lộng lẫy của dòng kênh. Việc leo trèo để chụp là công việc thường trực trong quá trình chụp ảnh của tôi”, Nguyễn Lương Hiệu nói.
Những kỷ lục Việt Nam - Kỳ 2: Rumba xanh từ dòng kênh đen 2Kỷ lục gia Nguyễn Lương Hiệu - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Mạo hiểm tính mạng để chụp ảnh từ trên cao
Trong số 300 bức ảnh chụp kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có nội dung sinh hoạt của người dân hai bên bờ kênh, Nguyễn Lương Hiệu tâm đắc với những tác phẩm Vút lên, Như vòng tay yêu thương 1, Chữ Tâm, Như vòng tay yêu thương 2, Đan nhau, Vươn ra, Dòng kênh vàng, vì đây là những tác phẩm mô tả toàn cảnh dòng kênh.
“Đến bây giờ, khi nhắc lại tác phẩm Như vòng tay yêu thương 2, tôi còn rợn da gà. Đứng trên sân thượng của tòa nhà 25 tầng ở Q.3 nhìn xuống thấy dòng kênh hoành tráng, hấp dẫn quá nhưng đưa máy lên thì bị vướng một góc tòa nhà. Bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, tôi leo qua lan can, trèo qua góc vuông của tòa nhà. Lúc này, hình ảnh dòng kênh hiện ra trước mắt đúng như ý mình. Tha hồ chụp. Tối về, nhớ lại thấy ớn lạnh! Giật mình nghĩ, lúc trèo qua góc vuông tòa nhà chỉ cần một cơn gió thổi qua là tôi rớt xuống đất ngay”, Nguyễn Lương Hiệu nhớ lại.
Với tác phẩm Chữ Tâm thì có cái khó khăn khác. Vị trí để chụp phải đứng trên sân thượng tòa nhà do người nước ngoài làm chủ. Năm lần bảy lượt anh đến xin người quản lý tòa nhà, họ động lòng và cùng anh “lén lút” chụp trong 5 phút. Còn tác phẩm Như vòng tay yêu thương 1 thì vẫn leo trèo, nhưng thuận lợi hơn vì anh được Ban Quản lý chung cư Rạch Miễu đồng ý cho đặt máy trên lan can tầng thượng để chụp. Để có nét động - tĩnh trong ảnh, 6 giờ sáng anh đã có mặt trên tầng thượng, ngồi canh những con tàu vớt rác để chụp làn sóng gợn sau đuôi tàu. “Tôi mất cả tuần mới chụp được tác phẩm này. Và cũng tại chung cư ấy, tối đến, tôi chụp được tác phẩm Đan nhau. Cuối cùng, tôi chụp tác phẩm Dòng kênh vàng từ tòa chung cư ở khu vực cầu Thị Nghè, không những trèo mà còn vác nữa vì tầng thượng chung cư có vách ngăn cao quá đầu người nên tôi phải vác thang trèo lên...”, Nguyễn Lương Hiệu cười, nói.
Trước khi đến với nhiếp ảnh, Hiệu là một nhà thơ nên những hình tượng mà nhiếp ảnh không diễn tả hết được thì tứ thơ trỗi dậy. Cảm hứng về một thành phố tươi trẻ, Nguyễn Lương Hiệu đã hình thành 17 bài thơ: Thành phố mặt trời, Giấc mơ trên đường, Rực rỡ mắt em cười, Nhịp bước đường về, Tiếng chim rơi, Vuông cỏ xanh... Và Nguyễn Lương Hiệu đã thật hạnh phúc khi những bài thơ ấy được các nhạc sĩ: An Thuyên, Trương Tuyết Mai, Nguyễn Ngọc Thiện, Thế Hiển, Nguyễn Văn Hiên, Nguyễn Đức Trung, Phạm Đăng Khương, Lê Quốc Thắng, Quỳnh Hợp, Đình Láng phổ nhạc, chắp thêm đôi cánh cho thơ.
Từ những ảnh - thơ - nhạc này, Nguyễn Lương Hiệu tập hợp thành Tuyển tập ảnh - thơ - nhạc rumba xanh. Tuyển tập được giới thiệu tại Nhà văn hóa Thanh niên vào ngày 22.11 và 17.12.2014. Trung tâm kỷ lục VN (Vietkings) đã trao bằng xác nhận kỷ lục cho “Rumba xanh - Tuyển tập ảnh thơ và nhạc có số lượng nhiều nhất với chủ đề ca ngợi vẻ đẹp kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) sau cải tạo”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.