Những kỷ niệm với thầy dạy văn của tôi

18/11/2022 14:05 GMT+7

Đã nhiều lần tôi định viết về thầy, thầy Ngô Chính Cát, thầy dạy văn lớp 11 của tôi, nay thầy đã đi xa; mà rồi dòng thời gian cuốn tôi đi mất.

Ta luôn có bao công việc, bao bận rộn, bao lo toan, và để lại một phần suy nghĩ của mình nằm yên ở đấy, trong một góc lặng lẽ. Nhưng rồi một ngày ngoảnh lại thấy tất cả cái dòng thời gian cuốn ta đi ấy, còn lại gì?

Trong lá thư đầu tiên gửi cho tôi, thầy viết: "Em ở xa có lẽ không biết, Hà Nội giờ đang xôn xao tổ chức mừng 990 năm, tiến tới mừng 1.000 năm Thăng Long, tất cả đều rộn ràng nhộn nhịp, nhiều người quá, nhiều sự kiện quá, thầy thấy mình như lạc lõng trong dòng chảy cuồn cuộn ấy".

Tôi đã rất bất ngờ khi nhận được lá thư ấy của thầy, sau 7 năm sang Pháp. Thầy viết đề nghị tôi gửi một bài để in trong tập san của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam của tôi. Sau bao nhiêu năm xa trường, đọc lá thư dài của thầy tôi lại nhớ đến một năm học văn cùng thầy với bao nhiêu kỷ niệm, vui rất nhiều dù bắt đầu bằng một nỗi buồn. Và sau rất nhiều đắn đo, tôi đã viết về kỷ niệm buồn ấy trong lá thư gửi riêng cho thầy.

Học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam

ngọc thắng

Kỷ niệm ấy là về bài văn kiểm tra chất lượng đầu năm, khi thầy vừa bắt đầu dạy chúng tôi, đề bài là “Em hãy viết cảm nghĩ của mình về một bài thơ đã học mà em yêu thích nhất". Tôi đã viết hứng thú về bài thơ Nhớ con sông quê hương, có lẽ không phải là rất say mê, nhưng chân thật, hơn 5 trang giấy.

Hôm trả bài, thầy nhận xét “Tôi khá thất vọng với bài văn này của các em, các em lặp lại quá nhiều những điều đã được học, những cảm nhận đã được ghi chép từ các thầy cô, điều tôi muốn là được nhìn thấy cảm nhận thật của các em".

Bài làm của tôi 5 điểm. Tôi thật sự sốc. Từ hồi lớp 7 đến giờ tôi rất thích môn văn, và điểm thường là cao, bị 5 điểm thế này tôi choáng quá. Nếu chỉ vậy thì có lẽ tôi sẽ tự an ủi là bài văn của mình không hợp gu thầy, và rồi sẽ quên đi.

Nhưng điều làm tôi buồn, vô cùng buồn và ấm ức là đọc lời phê duy nhất của thầy: cuối trang 4, ở phía lề bên trái, thầy làm một cái ngoặc móc ngoặc nửa trang giấy và ghi “diễn đạt được, bóng bẩy đấy".

Nhìn thấy dòng chữ ấy, tôi lặng đi vì đau đớn. Và rồi uất ức. Văn của tôi có thể không hay, có thể nhạt nhẽo tầm thường, có thể lạc đề, có thể lê thê luộm thuộm. Nhưng nó không bóng bẩy. Nó chân thật, nó không bóng bẩy.

Suốt từ hồi lớp 7 cho đến khi ấy (và sau này), tôi chưa bao giờ chép một câu văn của ai vào bài văn mình, tôi luôn tự viết, dù nó chán phèo thế nào đi nữa, cũng là văn của tôi. Chân thật.

Cô bạn của tôi cũng buồn, nó bị 4 điểm, hôm ấy lớp tôi có 1 điểm 7 thì phải, còn lại rất thấp. Hai đứa buồn rười rượi, nhưng tôi nghĩ thà tôi bị 4 điểm như nó mà không bị lời phê này còn hơn.

Vì vậy, khi thầy đi ngang qua bàn tôi, tôi đánh bạo hỏi “em thưa thầy, sao thầy phê bài văn của em thế này ạ", rồi tôi chỉ vào lời phê ấy. Thầy nhìn và cười (lúc ấy tôi cảm giác là hơi giễu cợt) và bảo “diễn đạt được, khen đấy chứ!”. Tôi im lặng, nước mắt trực trào ra.

Tôi đạp xe về nhà, không đi qua núi Bò để 15 phút về tới nhà, mà đi lòng vòng qua đường Bưởi, dạo đó mênh mông như rừng, tôi tự bảo “Hà Dương ơi, hãy nhận lấy sự chế giễu này, hãy buồn nốt hôm nay rồi quên nó đi".

Năm học đã bắt đầu như vậy, và tôi dần cảm thấy những bài giảng của thầy luôn góc cạnh, khi tràn đầy say mê, hứng khởi, khi giễu cợt hài hước chua cay.

Thầy kể cho chúng tôi một số hình ảnh, không nhiều, nhưng luôn sộc lên não và làm chúng tôi lặng người. Có lần thầy kể chuyện hồi đi chiến tranh trong Nam: “Đêm ấy, chúng tôi đang ở trên đồi thì đạn pháo bắn. Nói ra thế này nghe có hơi tàn nhẫn, nhưng đúng thật là đứng từ trên cao nhìn xuống, ra xa, cảnh tượng tuyệt đẹp: cả bầu trời bừng lên như pháo hoa".

Những bài văn của chúng tôi, trước khi trả bài, thầy thường đọc một số đoạn hay cho cả lớp nghe nhưng không nói của học sinh nào, có đôi lần tôi cũng được nghe thầy đọc một đoạn của mình, những lúc ấy tôi cảm động vô cùng, thầy luôn nhận thấy phần tôi tâm đắc nhất, khám phá nhất.

Trước mỗi bài giảng văn, thầy thường hay gọi một bạn đọc tác phẩm ấy lên rồi giảng

ảnh minh họa đào ngọc thạch

Hôm học bài thơ Bóng cây kơ nia, thầy hỏi lớp mình có ai hát được bài này không, chúng tôi không ai hát được. Và thầy bảo các bạn gái lớp mình đều để tóc ngắn nhỉ, mái tóc dài là vẻ duyên dáng của người phụ nữ sao các em không để tóc dài.

Rồi thầy hỏi “chim phí sống nhờ rừng hay sống nhớ rừng ?” Bởi vì “em và mẹ nhớ anh”, phải chăng là ba chữ nhớ?

Con giun sống nhờ đất

Chim phí sống nhờ rừng

Em và mẹ nhớ anh

Chúng tôi cứ nghĩ mãi, thấy chim mà nhớ rừng thì vô lý, nhưng biết đâu vì chim phải xa rừng, bởi vì chim sống nhờ rừng thì hiển nhiên rồi, sao phải nói. Cứ đoán mãi, thấy điều gì cũng có thể có lý, vì ba câu thơ như một sự đồng điệu, có lẽ em và mẹ nhớ anh thiếu anh như chim kia nhớ rừng, thiếu rừng?

Rồi thầy nói, chim phí sống nhờ rừng là hiển nhiên, tưởng như tầm thường không cần nói, nhưng sự hiển nhiên ấy lại là sự tự nhiên, như thể em và mẹ nhớ anh. Sự đồng điệu của ba câu thơ không phải là cùng phải ba động từ như nhau, mà sự đồng điệu chính là vì đó là ba sự thật hiển nhiên như nhau. Nỗi nhớ của em và mẹ được thể hiện tự nhiên như cỏ cây hoa lá chim muông.

Dạo ấy, trước mỗi bài giảng văn, thầy thường hay gọi một bạn đọc tác phẩm ấy lên rồi giảng. Thầy đã bảo tôi đọc Ai tư vãn. Lúc ấy, tôi hiểu thầy đã tin tưởng tôi. Vậy mà tôi lại không ở trong tâm trạng tốt nên đã không đọc được thật hay như tôi mong muốn. Khi về nhà tôi cứ đọc đi đọc lại thành tiếng và thầm tiếc sao mình đã phụ một bài thơ bi thương như vậy.

Hôm học Làng Vũ Đại ngày ấy, tôi đã rất mong chờ thầy gọi tôi đọc, nhưng không, thầy đã tự đọc. Thầy đọc hay tuyệt, giọng của thầy rất trầm, và nếu nhiều lúc nó ẩn chứa phần giễu cợt thì lại có những khi rất ấm áp và gần gũi. Trong lúc lắng nghe thầy đọc, tôi thầm nghĩ mình sẽ đọc đoạn này thế nào, mình có cách đọc khác thế nào.

Bất ngờ đã đến với tôi vào hôm học Rừng xà nu, hôm ấy có 2 tiết văn, thầy bảo tôi đọc vào tiết một. Đây là một truyện khá khó đọc vì tưởng như khô khan, không hấp dẫn và ít hội thoại, tôi lại chưa bao giờ xem qua nó. Tôi đứng lên cầm sách đọc, càng đọc tôi càng như bị cuốn hút vào sự trầm hùng âm u của rừng núi, và khi có một đoạn ngắn thôi 2, 3 câu văn chỉ tả về một cảm xúc dịu dàng của một con người thôi, tôi như thấy tất cả sự cảm thương của núi rừng và sự giao cảm của con người, giọng tôi chùng xuống, tôi như chìm trong cảm giác ấy.

Học sinh lắng nghe giáo viên truyền cái hay, cái đẹp của một tác phẩm trong giờ học môn văn

ảnh minh họa đào ngọc thạch

Trống giữa giờ vang lên khi tôi đang đọc, và vì thầy không nói gì nên tôi vẫn tiếp tục đọc, tôi vẫn tiếp tục cho đến hết phần đó rồi dừng lại. Một hai giây trôi qua, rồi tiếng thầy cất lên phá vỡ sự im lặng, với nụ cười nhếch mép đã quen thuộc (nếu như trước đây hẳn tôi đã nghĩ đó là nụ cười giễu cợt): “Nghe như đọc truyện đêm khuya ấy nhỉ". Tôi ngồi lặng, thoang thoáng bên tai tiếng cô bạn khen tôi, và các bạn khác bắt đầu chạy ra khỏi lớp.

Sau này, khi lên đại học, một trong những điều tôi tiếc nhất là không còn bao giờ được đứng lên cầm một cuốn sách và đọc một tác phẩm nữa.

Biết bao nhiêu cảm xúc năm học ấy, tất cả chúng tôi đã say mê những giờ giảng của thầy, tất cả lớp tôi đều thích học thầy, thích lắm lắm, tôi biết thế.

Tôi đã không thể viết cho thầy tất cả những cảm xúc của tôi. Từ cách xa thầy ngàn dặm, trong một ngày đông giá buốt ở Paris, tôi đã nâng niu trên tay bức thư của thầy, tôi đã nắn nót viết riêng cho thầy một bức thư và viết một bài cảm nghĩ gửi về trường. Tôi đã đắn đo biết bao.

Nhưng rồi tôi nghĩ, biết đâu, tôi chỉ có dịp này thôi, chỉ có dịp này để trình bày với người thầy mà tôi vô cùng yêu kính sự day dứt của tôi. Có lẽ thầy đã quên, mà chắc chắn là thầy đã quên. Nhưng tôi phải viết cho thầy để tôi thấy lòng nhẹ nhõm, để thầy hiểu là vào những ngày đầu năm ấy, thầy đã hiểu lầm tôi, rằng với tôi hai chữ “bóng bẩy” là một nỗi đau, rằng tôi luôn chân thật với từng chữ của mình.

Và rồi tôi đã nhận được thư thầy, sự cảm thông và thấu hiểu của thầy làm tôi thấy mình đã cất đi được một nỗi niềm trong lòng.

Cách đây nhiều năm, sau khi về nước, chúng tôi đã đến thăm thầy và tặng thầy một bó hoa thật đẹp.

Nhiều năm tháng đã trôi đi, có đôi khi, tôi lại nhớ ngày thầy kể lần đầu tiên tới biển: “Hồi tôi học cấp 3 ở Hà nội, cả lớp rủ nhau đi biển Đồ Sơn. Lúc tôi đạp xe đến chỗ hẹn thì ô tô đã chạy mất. Thế là tôi đạp xe đi mãi, đi mãi, rồi ra đến biển. Khi ấy, tôi đứng bên cái xe đạp, trước biển, một mình. Biển mênh mông. Tôi cứ đứng như thế một lúc. Rồi tôi đạp thẳng xe về".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.