Cuốn nhật ký màu xanh dương, ngoài bìa in hình bó hoa hồng và một bình rượu kiểu cổ điển. Cuốn sổ có lẽ được sản xuất từ Trung Quốc vì ngoài bìa có 2 chữ Hán (và chữ phiên âm Ti yu, nghĩa là "thể dục"), ngay ở trang đầu tiên của cuốn lưu bút cũng là một trang viết dày đặc bằng Hoa ngữ. Những trang kế tiếp là chữ quốc ngữ…
Cuốn nhật ký mở đầu vào ngày 9.6.1967: "Chẳng còn bao lâu nữa là một năm trôi đi kể từ ngày ta đặt chân lên vùng sơn cước này và cũng là một năm làm hdỷl (ký hiệu): ta đã được hưởng tất cả mùa hè lẫn mùa đông ở đây rồi.
Ôi sao ta lại mơ hồ quá như thế nhỉ?? Hưởng thụ gì đâu mà toàn là nỗi đau khổ. Cái nắng hè xứ sở này nó đã thiêu đốt thể xác làm cho trái tim ta bị rạn nứt. Hè qua đông tới cái nóng nực lại được thay thế bằng nỗi lạnh lùng cô đơn…".
Ở một đoạn khác (ghi ngày 4.7.1967), Nguyễn Mạnh Hùng viết: "Còn lrdael ndyl (ký hiệu) ơi! Ta rất yêu em, nhưng không biết rằng thế nào đây, em có cùng đi với anh không? Khó lắm! Thế thôi, một ngày gần đây thôi, ta sẽ đi! Thôi nhé, vĩnh biệt em vì quá trình của anh và em gặp nhiều sóng gió quá nó vùi dập mất. Nếu có dịp nào mà chúng ta gặp lại hoặc cùng nhau chung sống thì thú vị biết mấy…".
Cũng có những trải nghiệm thú vị về nghề nghiệp đặc trưng như đoạn ghi ngày 21.9.1967: "Tối nay do xe tiểu đội đi công tác nên đi học đêm phải đi nhờ xe A2. Lần đầu tiên lái đêm, lại gặp mưa và xe lạ, cộng với đi đèn gầm tối quá nên khi gặp xe, tránh nhau, đèn đối phương quá sáng. Ta không trông thấy gì, tránh ra sát mép đường. Nguy hiểm quá! Bánh trước bị xệ, tí nữa thì xe lao xuống ruộng. Đây là lần đầu tiên ta đã gây nên tai nạn trong đời lái xe. Tuy tai nạn này nhỏ nhưng cũng là một kinh nghiệm quý giá".
Những trang gần đoạn cuối là vào thời điểm Hà Nội đang chuẩn bị đón Tết Mậu Thân (1968), chiến sĩ lái xe Nguyễn Mạnh Hùng được phân công về thủ đô nhận hàng và anh lính trẻ này cũng tranh thủ "ăn tết thủ đô" trước khi vào chiến trường Bình Trị Thiên. Anh cảm khái bằng 4 câu thơ: "Ngắm cảnh Hà thành đón xuân sang/Lòng tôi sao cứ giữ màu vàng/Rượu chẳng, thuốc không, trà xăng nốt/Thừa Thiên đang đợi thấy hoang mang" - Đấy xuân Mậu Thân của ta là thế đấy! (2 giờ, 1/1 Mậu Thân).
Và đây là những dòng cuối cùng của cuốn nhật ký (mới chỉ ghi được khoảng 1/3 cuốn sổ): "Ngày 24.2.1968: Kể từ khi ta bước chân vào chiến trường tới nay đã gần tròn một tháng thử thách với bom bi, pháo sáng, tọa độ… Kể ra, nhiều lúc thấy nguy hiểm nhưng lắm lúc lại thấy thú vị…".
Rồi những dòng nhật ký đột ngột kết thúc vào ngày 28.3.1968: "Một tháng nay rồi không có thời gian để ghi nhật ký. Hôm nay ghi ôn lại: C… đã giải tán, ta chuyển về bổ sung cho C… D55… Công tác lôi cuốn tất cả, và ta cũng liên miên trên đường, trừ hôm nào ốm mới nằm nhà. Thời gian không có, cũng chẳng biên được thư từ cho ai hết. Cách đây 3 ngày, ở nhà nhưng người lại bị cúm đầu óc, chân tay, mình mẩy đau khắp cả. Đến hôm nay mới tương đối gọi là tỉnh tỉnh, và cố gắng ghi lại những dòng chữ ngắn gọn này…".
Đến đó là hết! Cuốn nhật ký chấm dứt đột ngột đủ để ta liên tưởng đến một biến cố trọng đại bất ngờ đã xảy ra cho chủ nhân…
Những trang lưu bút
Cũng giống như trong cuốn sổ thơ chép tay của chiến sĩ Nguyễn Đình Nghinh, trong cuốn nhật ký của Nguyễn Mạnh Hùng cũng xuất hiện những trang lưu bút của đồng đội, đồng chí. Xin lược trích ít dòng lưu bút của một người ký tên là Bá Thuẫn: "Bắc Thái đêm 8.7.1964… Hùng mến nhớ! Đêm nay, một đêm cuối cùng chúng mình sống gần nhau… Tuy chúng mình mỗi đứa mỗi cảnh nhưng dù sao chúng ta cũng cùng một cảnh ngộ mà thôi… Hẹn ngày đoàn tụ. Lúc ấy, chúng mình có thể gặp nhau ở chốn Hà thành hoặc có dịp chúng mình sẽ gặp nhau trên đất Cảng…".
Hoặc của một người ký tên là Nguyễn Thế Nữa: "Hùng yêu quý! Cuộc sống và tình bạn là 2 vấn đề đáng ghi nhớ nhất của tuổi thanh niên… Đời bộ đội là một sự tổng hợp về mọi sự khó khăn, trắc trở trong tình bạn và cuộc sống. Nhưng không thể nào vì sự khó khăn ấy mà tình bạn chúng ta sẽ phải xa rời… Vì chúng ta cùng chung một lý tưởng, một sự nghiệp, một tâm hồn một chí hướng… Xa nhau, chúng ta càng nhớ nhau… "Nhớ đời bộ đội gian truân/Càng gian truân lắm, càng thân nhau nhiều". Thôi Hùng đi, dù ở đâu cũng nhớ những thằng "Sơn tinh" này nhé!".
Lạc lõng giữa những nét chữ cứng cỏi, đầy góc cạnh của cánh đàn ông con trai là một tuồng chữ nắn nót đầy nữ tính của một người tên là Lê Thị Kim Chi. Cô không trang trải nỗi lòng của mình với chủ nhân cuốn nhật ký bằng những dòng lưu bút, mà… rất ý nhị - Lê Thị Kim Chi đã chép vào đây bài thơ tình bất hủ của nhà thơ Vũ Cao - bài Núi đôi: "Bảy năm về trước em mười bảy/Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng/Xuân Dục, Đoài Đông đôi cánh lúa/Bữa thì anh tới, bữa em sang… Đôi ta đi giữa hai sườn núi/Đôi ngọn nên làng gọi Núi Đôi/Em vẫn đùa anh sao khéo thế/Núi chồng, núi vợ đứng song đôi…".
Chỉ xin trích chừng đó, còn cô Kim Chi thì chép trọn vẹn bài thơ với đủ 15 khổ, mỗi khổ 4 câu… (còn tiếp)
Bình luận (0)