Những kỷ vật thời chiến: Đi tìm chủ nhân cuốn nhật ký

26/12/2023 07:16 GMT+7

Cuốn nhật ký được xác định là của chiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng. Chúng tôi đã cố gắng lần tìm chủ nhân của nó…

Lần theo những địa chỉ ghi trên giấy tờ tùy thân (tất cả đều ở phía bắc), việc đầu tiên là chúng tôi tra trên Google để tìm các trang web địa phương. Người viết tìm được trang web của UBND H.Hải Hậu (Nam Định). Phải gửi email đến lần thứ 3, ngoài đó mới nhận được những thông tin do người viết cung cấp. Rất đáng hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhân viên văn phòng UBND H.Hải Hậu, chỉ đến sẩm tối chúng tôi đã nhận được những thông tin tích cực. Anh Đỗ Thanh Hưng (Chánh văn phòng UBND huyện) gọi điện thoại cho người viết: "Ngay sau khi nhận được email, chúng tôi đã triển khai dò tìm. Cũng nhờ nhà báo gửi kèm theo ảnh chụp giấy phép lái xe (có dán ảnh) nên đồng đội và người nhà của ông Nguyễn Mạnh Hùng nhận ra ngay. Ở Hải Hậu, chuyện trao trả "kỷ vật thời chiến" cũng thường xảy ra nhưng thường rơi vào những trường hợp liệt sĩ, còn trường hợp này thì chủ nhân vẫn còn sống sau chiến tranh, nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng đã mất ngày 15.5.2013 (nhằm ngày mùng 6 tháng tư âm lịch)".

Những kỷ vật thời chiến: Đi tìm chủ nhân cuốn nhật ký- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cùng các đồng đội cũ chụp ảnh trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày nhập ngũ (22.9.1965 - 22.9.2005)

Gia đình ông Nguyễn Mạnh Hùng cung cấp

Anh Đỗ Thanh Hưng còn cho biết thêm vào những năm 1960, thanh niên Hải Hậu (vốn là vùng nông thôn) hiếm người tương đối có chút chữ nghĩa. Ông Nguyễn Mạnh Hùng là một trong số "của hiếm" ấy mới được chọn đi học lái xe. Ông Hùng nhập ngũ ngày 22.9.1965… Sau năm 1975, ông Hùng giải ngũ về địa phương. Đó là xóm 12, thôn Phú Quý, xã Hải Ninh (từ TP.Nam Định đi 35 km mới đến trung tâm H.Hải Hậu rồi đi thêm 26 km nữa mới đến quê ông). Ông Hùng lập gia đình với bà Vũ Thị Mùi (sinh năm 1955), họ có 4 người con gái (con đầu sinh năm 1977) và một út trai (sinh năm 1987). Gia cảnh không lấy gì làm dư dả, lại thêm nhiễm chất độc da cam thời chiến tranh nên sức khỏe của ông ngày càng yếu đi. Ông ra đi cũng vì bệnh ung thư do những di chứng của chất độc da cam…

Anh Hưng còn cho chúng tôi số điện thoại của ông Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1946), là người cùng thôn nhưng khác xóm (ông Thắng ở xóm 13) và là đồng đội của ông Nguyễn Mạnh Hùng. Ông Thắng kể với chúng tôi như sau: "Tôi và Hùng cùng nhập ngũ một ngày (22.9.1965), cùng được chọn đi học lái xe ở Cục Quản lý xe máy do thượng tá Vũ Văn Đôn làm Cục trưởng. Sau khi học xong, mỗi người về một đơn vị nhưng vẫn giữ liên lạc với nhau. Sau khi giải ngũ, chúng tôi vẫn thường sinh hoạt trong Hội Cựu chiến binh, hoặc qua lại thăm nhau nên cũng hiểu rất rõ về nhau. Trường hợp "mất ba lô" của Nguyễn Mạnh Hùng, tôi cũng biết rất rõ. Thời điểm đó (năm 1968), Nguyễn Mạnh Hùng là lính lái xe cho Cục Xăng dầu (có một hệ thống đường ống dẫn xăng dầu từ hậu phương miền Bắc chạy theo đường mòn Hồ Chí Minh tiếp tế nhiên liệu cho chiến trường), vùng hoạt động mà đơn vị của Hùng chịu trách nhiệm là khu vực Đông Trường Sơn (Khe Sanh, A Sầu, A Lưới…). Khi các chiến sĩ đi làm nhiệm vụ thì quân tư trang đều để lại ở trạm (lán trại) có người trông giữ. Tuy nhiên hôm ấy quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn bất ngờ đổ quân xuống vùng này. Lệnh sơ tán rất nhanh, phải bỏ lại quân trang. Thế là ba lô của Hùng và của nhiều chiến sĩ khác lọt vào tay lính Mỹ. Sau đó, cơ quan tâm lý chiến của Mỹ và miền Nam đã in những trang nhật ký và ảnh của Hùng thành truyền đơn rải xuống miền Bắc. Lúc ấy gia đình Hùng cũng như chính quyền địa phương xác định Hùng đã bị địch bắt làm tù binh. Một thời gian sau mới biết là anh và các đồng đội đã thoát được ra rừng. Chuyện mất cái ba lô cũng chìm vào quên lãng, chẳng ai còn nhớ đến nữa… Bất ngờ, hôm nay được các anh báo tin, tiếc rằng anh Hùng, bạn chiến đấu của chúng tôi đã không còn nữa…".

Anh Đỗ Thanh Hưng còn gửi cho chúng tôi tấm ảnh ông Hùng chụp chung với các đồng đội cũ nhân họp mặt kỷ niệm 40 ngày nhập ngũ của họ (22.9.1965 - 22.9.2005). Trong ảnh, ông Nguyễn Mạnh Hùng là người đứng hàng cuối (thứ 5 từ trái qua). Còn ông Nguyễn Văn Thắng đứng bên phải ông Hùng (người thứ 3 từ trái qua).

Trong số 9 bức ảnh "kỷ vật", chúng tôi thấy có một bức chụp một chàng lính khá đẹp trai chụp chung với một nữ chiến sĩ mặc quân phục, cổ áo có quân hàm, đội mũ vải có gắn huy hiệu ngôi sao. Cô gái có khuôn mặt rất xinh, tóc thắt bím vắt qua vai phải. Nhìn bức ảnh, chúng tôi đã hy vọng sẽ khám phá được một chuyện tình lý thú, nhưng lật phía sau bức ảnh, đọc hàng chữ Hùng viết và ký tên: "Kỷ niệm, ngày 20/12/1967. Xa và có rất nhiều kỷ niệm lịch sử trong tấm ảnh này, thời gian còn sống ở đất 9009 với cái nghề khốn khổ "Nuôi lợn". Phải bật cười và…thất vọng! (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.