Đọc thơ hay văn Huỳnh Thúy Kiều dễ nhận ra chị có nhiều điểm khác biệt so với các cây bút nữ đồng bằng sông Cửu Long. Người đọc luôn thấy trước mặt mình “đầy gió” phóng khoáng; thơm bùn non châu thổ, mênh mang những dòng sông...
Trước đây, tôi đã từng đọc nhà văn Sơn Nam. Ông được tôn vinh như một nhà “Nam Bộ học”, người có biệt tài và tâm huyết mà ở phương Nam ít ai sánh bằng. Gần 50 năm trong nghề cầm bút, ông đi và viết về những điều dân dã đời thường của vùng Nam bộ và đã để lại lòng thành kính trong người Nam bộ. Nhà văn Sơn Nam đã đi vào “cõi khác” hơn 10 năm. Bây giờ, tôi biết đến Nam bộ có Huỳnh Thúy Kiều. Tất nhiên, không có ý đặt Huỳnh Thúy Kiều bên cạnh cố nhà văn khả kính để so sánh. Điều tôi muốn nói, giữa “tiền bối” Sơn Nam và “hậu bối” Huỳnh Thúy Kiều có điểm chung: gắn bó máu thịt với quê hương trên những trang văn, trong từng câu thơ.
“Yêu đến thương xót quê hương, sống kỹ và ân cần với quê hương. Cả hai điều ấy cùng hòa huyết mà cất tiếng, làm nên tản văn Huỳnh Thúy Kiều” (Nhà PBLL Văn Giá). Năm 2019, đọc Những triền sông đầy gió của Huỳnh Thúy Kiều, tôi thấy nhận xét của nhà PBLL Văn Giá tinh tế và xác đáng. Không riêng tản văn, thơ Huỳnh Thúy Kiều cũng vậy, cho dù đó là Kiều mây, Giấu anh vào cỏ xanh hay Ru giấc phù sa… tên các tập thơ chị đã xuất bản.
Những làn khói tỏa hương, đọc tập tản văn này của Huỳnh Thúy Kiều mới biết chị nâng niu ký ức của mình đến mức nào. Đó là những ký ức về bà nội trong Bà nội và những ký ức kinh hoàng ở Bót Lò Heo, Cái bình thủy của nội; về ba trong Sài Gòn đẫm nỗi nhớ về cha, Cây bưởi da xanh cha trồng, Bình trà quạu của cha tôi; đến ký ức tuổi thơ trong Ngày tôi vào lớp một... Ký ức về quê hương, với hoa, với lá, với dòng sông, con thuyền... từ ngày Huỳnh Thúy Kiều còn bé, được chị giấu kỹ trong tâm hồn sống dậy với Dâu tằm ăn, Cây điệp mồ côi, Bông súng miền Tây, Những chuyến phà trong ký ức… Cứ thế, Gió qua thềm cũ. Không phải “thềm” nhà, cũng không chỉ dừng ở “thềm” tâm hồn, mà quê hương từ những ngày “qua đôi mắt trẻ thơ” thổi miết như gió chướng Nam bộ trong tâm hồn Huỳnh Thúy Kiều.
“Như bao đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở quê, ấu thơ tôi đắm mình trong vi vu tiếng gió đồng thơm hương rơm rạ” (Dâu tằm ăn). Huỳnh Thúy Kiều sống kỹ và nhớ kỹ, từ những ngày theo các anh trai của chị đi đào trùn (giun đất), bắt dế, cào cào làm mồi câu cá, ngồi ngắm anh Hai, anh Ba của mình nướng trui cá lóc... Không chỉ là kỷ niệm riêng tư, nhiều giá trị văn hóa bản địa của Nam bộ, khi xem Những làn khói tỏa hương của Huỳnh Thúy Kiều, người đọc chắc sẽ ồ lên, “sửng sốt” đến ngạc nhiên như cách nhìn nhận của nhà thơ, PGS.TS Nguyễn Linh Khiếu.
Văn hóa tâm linh người Việt giữa các vùng miền đều có nét tương đồng, dẫu “Phong tục Bắc Nam cũng khác” (Nguyễn Trãi). Ngoài Bắc có phong tục kiêng cữ, “đốt vía” người lạ đến thăm mừng khi trẻ em được sinh ra; bôi nhọ nồi lên trán trẻ con khi còn bé mỗi lần bế ra khỏi nhà...; đọc Dâu tằm ăn của Huỳnh Thúy Kiều mới biết về phong tục làm vòng đeo tay và đeo chân cho trẻ sơ sinh từ cành dâu tằm ăn. “Ở lứa tuổi mình lúc đó, tôi chưa nhận thức được những điều cha tôi vừa nói. Chỉ biết rằng, sau khi cháu tôi được đeo bốn chiếc vòng làm từ nhánh dâu tằm phơi khô...., cháu tôi bớt khóc đi, sau vài hôm thì không còn ọ ọe, trái giấc nữa”. Huỳnh Thúy Kiều kể lại, và chị rưng rưng, tiếc nuối khi những nét văn hóa trong đời sống này đã và đang biến mất. Cũng như những lời ru nôi trẻ em, mấy người bố, người mẹ trẻ bây giờ còn biết?
Nam bộ nói chung, miền Tây Nam bộ nói riêng đẹp và hiền hòa. Con người Nam bộ chân chất và thơm thảo. Hình ảnh các mẹ, các chị, những phận đời vùng sông lam lũ hiện lên thật đẹp và xúc động ở nhiều tản văn trong Những làn khói tỏa hương… Hồi ức qua tự sự đầy nội tâm của Huỳnh Thúy Kiều, không còn là hồi ức. Phận người, phận dòng sông, cây mắm, cây đước, con ba khía, con cua, con tôm, con cá… với biết bao buồn vui, lo lắng và trăn trở. Nhiều thông điệp ẩn sau những câu chuyện giản dị, đời thường nơi miệt vườn, sông nước được Huỳnh Thúy Kiều chuyển tải. Thương con đò, dòng sông… lo lắng về những sự bền vững trước cơn lốc thị trường. Trong tản văn của Huỳnh Thúy Kiều, có thể chỉ là câu chuyện về nắm bồ kết, hương bồ kết trên mái tóc người con gái nhưng đó là “những yêu thương lan tỏa”, hiện hữu ngay trong mỗi hơi thở của con người về tình cảm thủy chung giữa con người.
Trong nhiều câu chuyện kể của Huỳnh Thúy Kiều có thông điệp về nhân văn. Cây điệp mồ côi trong vườn bà ngoại chị là một ví dụ. Lúc ngoại còn sống, bà chăm sóc cây điệp bằng cả tấm lòng. “Cây điệp trổ bông vàng tươi tốt, xanh um”, nhưng ngày ngoại chị “trăm tuổi”, “trong khi trời đang đứng gió, cây điệp tự nhiên gãy đọt, đổ nhánh nằm dài, không bao lâu sau, cái gốc của nó cũng khô héo và trốc lên khỏi mặt đất”. Cây điệp như cũng có hồn, thiên nhiên cũng có linh hồn. Huỳnh Thúy Kiều tự sự tựa như đang kể chuyện với chính mình, thủ thỉ. Thế nhưng, những câu chuyện giản đơn ấy cũng là những giai điệu của dòng văn học sinh thái. Có gì đó rất lớn lao, ẩn giấu sau những điều giản dị.
“... với một năng lượng sáng tạo dồi dào, một vốn văn hóa bản địa giàu có, một trải nghiệm sống hiện sinh, một nguồn cảm hứng bất tận và một nỗi niềm nặng lòng với quê hương xứ sở mà nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều đã viết ra những tản văn thật giản dị mà đặc sắc, giàu thông điệp mà thật dễ thương” (Nguyễn Linh Khiếu - Hương miền thơ ấu). Huỳnh Thúy Kiều có công gìn giữ một “không gian” thiêng liêng, khi bước ra đời sống chuyển hóa thành những giá trị mới.
Với Cà Mau, tôi cũng từng gắn bó một quãng tuổi trẻ. Những ngày đi bắt ba khía, thòi lòi, dầm mình cùng bùn đất vét đìa, làm nhà ven sông, bơi lội giữa đám lục bình, ngồi trên vỏ lãi đi rước dâu giữa trăng buông… khó quên. Tất cả ùa về khi gặp tản văn Huỳnh Thúy Kiều. Đọc Huỳnh Thúy Kiều, châu thổ phương Nam hiện ra mồn một. “Em viết để trả ơn quê hương, em thấy mình thuộc về quê hương, về Cà Mau...”, Huỳnh Thúy Kiều nói với tôi, khi tôi thắc mắc văn chương sao "rặt sông nước" và khiến người đọc Về ngang phía nhớ (như tên một tản văn của chị).
“Cuộc sống luôn tấp nập và bận bịu. Tôi luôn cảm thấy dịu lòng và an yên khi tìm về miền những hoài niệm của mình”, Huỳnh Thúy Kiều xác tín. “Những ai luôn sống trong hoài niệm và được nuôi dưỡng ấu thơ mình nơi đồng quê, ao lúa, chắc chắn sẽ rất xúc động mỗi khi gặp hình ảnh bà cụ bán rổ rá ở góc chợ này… Qua những chiếc rổ rá của bà, tôi thấy như bà đang thổi hồn quê vào phố”.
Nhà thơ Nga Raxun Gamzatop từng viết rằng, mỗi lần trở về làng “Trên mỗi bước đi, tôi gặp lại mình, gặp lại thời thơ ấu của tôi, gặp lại những mùa xuân, những cơn mưa, những bông hoa và những chiếc lá rụng mùa thu của tôi”. Ông khẳng định, không thể đổi làng lấy bất cứ thứ gì. Ký ức về quê hương luôn góp phần làm nên “nhân vị” người. Những làn khói tỏa hương của Huỳnh Thúy Kiều đánh thức tâm hồn người đọc về các giá trị nhân bản.
Bình luận (0)