Những lão làng hồi sinh nghề rối nước

06/03/2014 12:19 GMT+7

Tuổi đã cao nhưng các lão nghệ nhân Nguyễn Văn Huân, Phạm Khắc Toan ở làng rối Thanh Hải vẫn miệt mài truyền nghề cho đời sau và lưu giữ được những bộ sưu tập con rối đặc sắc.

Những lão làng hồi sinh nghề rối nước
Cụ Huân với bộ sưu tập con rối - Ảnh: H.H

Về thăm phường múa rối Thanh Hải, (huyện Thanh Hà, Hải Dương), chúng tôi ngỡ ngàng trước một căn nhà cấp bốn được trang hoàng bằng những con rối tinh xảo do chính tay cụ Nguyễn Văn Huân trạm trổ, sơn mài.

Dẫn chúng tôi đi khắp các gian, cụ tỉ mỉ giới thiệu từng con rối một: này là chú Tễu, một trong những nhân vật điển hình trong rối nước Việt Nam; đây là thầy trò Đường Tăng trong vở Tây du ký… Đó là những con rối từng được sử dụng của phường từ những ngày đầu phục dựng nghề rối nước.

Cụ Huân cho biết: năm 1990, mặc dù đã 56 tuổi, nhưng vì yêu thích và có khiếu vẽ vời nên cụ rủ vài người làm những con rối đầu tiên để phục hồi thú chơi của cha ông. Mỗi người góp 20.000 đồng để mua vật liệu, sau khi làm xong các nhân vật, ba tháng sau, “đoàn rối” gồm 5 người đã cho ra vở diễn đầu tiên khiến dân làng vô cùng thích thú.

Cụ Huân chính là trưởng phường rối đầu tiên kể từ ngày phục dựng phường rối Thanh Hải, vốn ra đời từ thế kỷ 17, thời Hậu Lê. Con cái đã học hành đỗ đạt hết và không ai theo nghề rối, cụ lập nên “bảo tàng” này cũng là để cho các thế hệ sau.

Cụ Huân chia sẻ: “Thanh niên bây giờ mải đi làm kinh tế, không thể sắp xếp được thời gian luyện tập, chỉ còn lớp già này, nhưng tuổi cao, sức yếu, đành trưng bày cho con cháu nhớ đến nghề chơi của tổ tiên”.

Trong làng còn có cụ Phạm Khắc Toan, năm nay đã 101 tuổi, vốn là người truyền nghề rối cho chính cụ Huân và luôn khắc khoải với nghề. Từ nhiều năm nay, cụ không bỏ buổi diễn nào ở làng, nhất là khi đền chùa, hồ múa rối được tu sửa. Cụ bảo đó là cách động viên con cháu chơi rối, xem rối để giữ lấy nghề của cha ông.

Anh Phạm Khắc Xoa là trưởng phường thứ 5 của phường rối Thanh Hải và cũng là cháu của cụ Toan, cho biết: thành viên già nhất của phường là ông Phạm Văn Dân, năm nay đã 73 tuổi, người trẻ nhất là anh Nguyễn Văn Thắng, 26 tuổi, còn lại là các bậc trung niên.

Anh Thắng cho biết hiện là nhân viên thiết kế quảng cáo cho một công ty mỹ thuật tại Hà Nội, nhưng mỗi lần có hội diễn anh đều xin nghỉ việc một vài hôm để về nhập phường, tham diễn.

“Bạn bè, đồng nghiệp biết mình đam mê nên sẵn sàng tạo mọi điều kiện. Mình cũng đang tìm một vài thành viên trẻ nữa cho phường, nhưng tiếc rằng các bạn trẻ hiện nay không mấy người thích môn nghệ thuật này”, anh Thắng nói.

Trao đổi với Thanh Niên, trưởng phường rối nước Phạm Khắc Xoa cho biết, các tiết mục của phường chủ yếu phản ánh đời sống của người dân nông thôn như đấu vật, múa rồng, quay tơ, dệt lụa...

Đặc biệt, những tiết mục như “Câu ếch”, “Hội xuống đồng”… luôn được người xem hưởng ứng nhiệt liệt, nhất là từ khách du lịch Hàn Quốc. Ngoài ra, phường cũng thử nghiệm nhiều tiết mục hiện đại, trong đó có vở “Trâu vàng” nhân dịp SEA Games 22.

Sau nhiều năm gây dựng, tỉnh Hải Dương và huyện, xã đã hỗ trợ phường dựng nhà thủy đình. Năm 2010, bể diễn di động dài 7 m đã được đầu tư và có thể hoạt động trên cạn. Những phần thưởng cũng đã lần lượt đến với phường rối xứ vải thiều: 16 bằng khen của Bộ VH-TT-DL và của UBND nhiều tỉnh thành trong các hoạt động mà đoàn tham gia; 2 huy chương vàng tại Lễ hội đền Hùng năm 2005 và Liên hoan múa rối tỉnh Hải Dương năm 2007, 3 huy chương bạc trong các liên hoan rối, tham dự Festival Huế năm 2004…

Hoàng Hà

>> Rơi nước mắt với những lá thư "tạ lỗi cuộc đời
>> Khi nào các quý ông rơi nước mắt?
>> Rơi nước mắt khi "Được là chính mình
>> Niger bác tin cho phép con trai Gaddafi rời nước này
>> Rơi nước mắt ở “phút 89”
>> Rơi nước mắt khi tới thăm thủ khoa nghèo    

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.