Những lễ hội độc đáo: Nơi duy nhất mở hội tôn vinh trẻ chăn trâu

27/11/2024 06:33 GMT+7

Ở dải đất miền Trung, có nhiều lễ hội truyền thống và dù mang màu sắc hiện đại thì vẫn có điểm chung, đó là những giá trị được tôn vinh hết sức đặc sắc, mang lại sự thú vị cho người trải nghiệm.

Sau đúng 10 năm mới được tổ chức lại, lễ hội mục đồng làng Phong Lệ (thuộc thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) vẫn gìn giữ đầy đủ các nghi thức với sức hút đặc biệt từ một lễ hội có một không hai tại VN.

KHI TRẺ CHĂN TRÂU LÀ CHỦ THỂ LỄ HỘI

Từ đình Thần Nông ở làng Phong Lệ, 2 chú trâu béo tốt được 2 người đàn ông trong trang phục của người nông dân xưa dắt đi trước. Theo sau là đoàn người mặc đồ truyền thống, đầu đội nón với kiệu rước, cờ phướn… Dòng người theo con đường bê tông di chuyển qua nhiều khu dân cư, qua cánh đồng trước khi đến cồn Thần. Đó là cảnh tượng thú vị của nghi thức rước mục đồng trong lễ hội cùng tên diễn ra vào ngày 1.4 âm lịch (nhằm ngày 8.5 năm nay). Trong đám đông của ngày hội hôm đó, bên cạnh bậc cao niên thực hiện các nghi thức cúng tế, còn có nhiều trẻ em hóa thân thành những đứa trẻ chăn trâu với đèn lồng trên tay.

Đúng như tên gọi của lễ hội, trong 2 ngày diễn ra, những đứa trẻ chăn trâu luôn được đặt ở vị trí chủ thể. Toàn bộ trẻ chăn trâu và các vị chức sắc, cao niên trong làng ngồi dự bình đẳng với nhau trên cùng một mâm tiệc mà không có sự phân biệt nào. Tái hiện đúng với phong tục xưa, ban tổ chức cũng tinh tế thiết kế phần lễ rước thần về đình làng cúng tế với phần hô xướng của "trùm mục": "Chúng mục đồng Phong Lệ ta xin cho tốt lúa, tốt gieo, vũ thuận phong điều, đồng reo một tiếng". Lúc này, đoàn mục đồng phía sau đồng thanh đáp lại: "Giá hạ! Giá hạ!" (gieo giống xuống ruộng) khiến những người chứng kiến rất thích thú.

Những lễ hội độc đáo: Nơi duy nhất mở hội tôn vinh trẻ chăn trâu- Ảnh 1.

Trẻ em trong vai các mục đồng xưa được tôn vinh tại lễ hội

ẢNH: HOÀNG SƠN

Những người già làng Phong Lệ kể lại rằng, xa xưa trong làng có một cồn đất. Bỗng một ngày, người dân xua đàn vịt lên cồn thì chân vịt bị dính chặt xuống đất. Lo sợ xúc phạm thần linh ngụ ở khu đất, từ đó, cồn có tên cồn Thần và chẳng người nào dám lại gần. Ấy vậy mà một hôm, có đàn trâu đi lạc lên cồn, đám trẻ chăn trâu đến tìm nhưng chẳng hề hấn gì. Người làng kháo nhau cồn Thần chỉ dành riêng cho những mục đồng. Từ câu chuyện ly kỳ này, lễ hội mục đồng làng Phong Lệ hình thành và được các thế hệ tiếp nối tổ chức như cách để tôn vinh những đứa trẻ chăn trâu hồn nhiên nhưng góp sức lao động khi tuổi đời còn rất nhỏ…

"Nhà ông bà nội con cũng có làm ruộng nên con hay theo ông bà nội ra đồng rồi leo lên lưng trâu cưỡi. Con hiểu được rằng, ruộng đồng cho chúng ta mùa màng, cho hạt gạo chúng ta ăn và chăn trâu cũng có những trò chơi thú vị. Quê con không còn nhiều những trẻ chăn trâu nữa nên qua lễ hội, con được hiểu thêm nguồn cội quê hương mình", em Ngô Minh Nhật (12 tuổi) chia sẻ.

HỒI SINH VÀ NÂNG TẦM

Sử làng Phong Lệ ghi nhận, lễ hội mục đồng ban đầu được tổ chức vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu, tức 3 năm tổ chức 1 lần. Dần dần lễ hội được giãn cách 6 năm 1 lần. Lần cuối cùng, lễ hội mục đồng được tổ chức là vào năm Bảo Đại thứ 11 (1936). Mãi đến hơn 70 năm sau, vào năm 2007, lễ hội mới được phục dựng dưới sự hỗ trợ của Hội Văn nghệ dân gian VN cùng sự đóng góp của người dân địa phương. Lần tổ chức thứ 2 diễn ra năm 2010 do Sở VH-TT TP.Đà Nẵng đứng ra chủ trì. Lần thứ 3 diễn ra vào năm 2014 (ngày 4.4 âm lịch) do dân làng tự tổ chức. Kể từ đó đến nay đã tròn 10 năm, lễ hội mục đồng mới trở lại với nhiều chương trình đặc sắc, do UBND H.Hòa Vang phối hợp UBND xã Hòa Châu tổ chức.

Những lễ hội độc đáo: Nơi duy nhất mở hội tôn vinh trẻ chăn trâu- Ảnh 2.

Con trâu được người dân địa phương đưa đến lễ hội

ẢNH: HOÀNG SƠN

Lễ hội được tổ chức với 3 phần lễ, 1 phần hội, gồm: lễ rước Thần Nông từ cồn Thần về đình Thần Nông; lễ an vị thần, các chư phái tộc thay nhau vào đình dâng hương, đảnh lễ thần; lễ rước Thần Nông dạo đồng Phong Lệ và trở về đình trong vòng 1 ngày. Phần hội được tổ chức với nhiều trò chơi của trẻ chăn trâu xưa, như: lò cò, kéo co, ống thụt, nhảy dây, rồng rắn lên mây, ô ăn quan… Điểm đặc biệt, tại lễ hội lần này, lần đầu tiên có cuộc thi "cờ mục đồng" tại đình Thần Nông. 19 tộc họ căn cứ quy định của ban tổ chức lễ hội đã thiết kế, trang trí cờ làm nên một cuộc thi đặc sắc về hình thức, đa dạng về nội dung. Ngoài ra, còn có hội hát mục đồng nhằm tạ ơn Thần Nông đã phù hộ cho nhân dân ấm no, mùa màng tốt tươi…

Em Nguyễn Ngô Minh Hà (13 tuổi) chia sẻ, khi được ban tổ chức chọn cử tham dự lễ hội mục đồng, được tham gia các trò chơi dân gian, em hiểu thêm những nét văn hóa của trẻ mục đồng xưa. "Mục đồng xưa, khi đi chăn trâu rất vui và có những khoảnh khắc tuổi thơ rất đẹp. Lễ hội làm em thêm yêu và tự hào về quê hương mình", Minh Hà nói.

Theo ông Lê Đức Hùng, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu, lễ rước mục đồng năm 2024 gắn với đình Thần Nông (được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp TP vào năm 2007) đã cố gắng tái hiện đầy đủ các nghi thức xưa cũng như gắn với nhiệm vụ triển khai thí điểm xây dựng thôn Phong Nam (làng Phong Lệ) trở thành "làng văn hóa đặc trưng".

Những lễ hội độc đáo: Nơi duy nhất mở hội tôn vinh trẻ chăn trâu- Ảnh 3.

Các bậc cao niên thực hiện nghi lễ cúng tại cồn Thần

ẢNH: HOÀNG SƠN

Hiện xã Hòa Châu đang đầu tư xây dựng nhà trưng bày nông cụ làng Phong Lệ cũng như quy hoạch, tôn tạo lại không gian văn hóa, di tích, di sản gắn với truyền thống của lễ hội độc đáo này. Theo đó, lễ hội mục đồng dự kiến sẽ được tổ chức 3 năm 1 lần như trước đây nhằm tái hiện không gian văn hóa truyền thống, quảng bá, thu hút du khách đến với vùng quê Hòa Vang. (còn tiếp)

Những lễ hội độc đáo: Nơi duy nhất mở hội tôn vinh trẻ chăn trâu- Ảnh 4.

Trâu được dẫn đi hàng đầu trong đoàn rước mục đồng

ẢNH: HOÀNG SƠN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.