Những 'lỗ hổng bảo mật' hồn nhiên

09/12/2020 04:21 GMT+7

Bộ Công an cảnh báo người dân về trò lừa đảo trên mạng liên quan đến phần mềm gián điệp ăn cắp tiền hoặc các cuộc gọi mạo danh công an lừa gạt khai báo thông tin cá nhân để chiếm đoạt tiền.

 Đáng nói là chiêu trò không phải là mới, vậy mà vẫn luôn có nạn nhân mới.
Thử nhìn lại chuỗi hành vi của nạn nhân dính bẫy lừa đảo kiểu này để đánh giá xem điều gì thật sự là “lỗ hổng bảo mật” dẫn đến rủi ro cho họ. Là chính sự tham gia “hồn nhiên” của nạn nhân vào kịch bản lừa đảo không quá khó để nhận biết đã tạo cơ hội cho kẻ lừa đảo dễ dàng thực hiện âm mưu.
Dễ dãi đáp ứng và ngoan ngoãn tuân thủ một loạt yêu cầu như cài đặt ứng dụng mang tên “Bộ Công an”, khai báo thông tin cá nhân sau một cuộc gọi mạo danh công an là điều đáng bận tâm nhất về nhận thức và năng lực hành vi của nạn nhân. Chính nạn nhân đã trao câu thần chú “Vừng ơi, mở cửa ra!” cho kẻ lừa đảo mở cửa “kho báu” tài khoản ngân hàng của mình, tiếm quyền kiểm soát điện thoại và chiếm đoạt tiền.
Có thể có những chiêu thức lừa đảo trực tuyến, tội phạm công nghệ cao rất tinh vi, khiến chuyên gia an ninh mạng cũng phải đau đầu. Nhưng trong những trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tiền như Bộ Công an cảnh báo thì “công thức lừa đảo” không đến mức quá cao siêu. Chúng có chung “công thức” truyền thống là tấn công vào ba điểm yếu chết người của nạn nhân: lòng tham, hiểu biết thô sơ về luật pháp, và thiếu kỹ năng sàng lọc thông tin.
Môi trường thông tin xung quanh chúng ta cũng chẳng khác gì bầu không khí chúng ta đang hít thở hằng ngày cả. Không khí bao quanh chúng ta, thông tin cũng thế. Không khí có dưỡng khí và thán khí, thông tin cũng có loại giá trị và có loại độc hại. Môi trường không khí ô nhiễm, thì môi trường thông tin cũng có khác gì.
Chính vì thiếu kỹ năng sàng lọc thông tin mà nhiều người sa bẫy tin giả, tham gia “ném đá” vô lối trên mạng, tham gia tẩy chay vô lý, nhiều người bị “ngộ độc”, “nhiễm độc” thông tin, bị lừa kinh doanh đa cấp, bị lừa chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.
Vậy chúng ta thường làm gì để hít thở an toàn? Có khi chỉ cần điều đơn giản mà hiệu quả là thường xuyên đeo khẩu trang khi ra đường. Vậy tại sao, logic thích nghi rất dễ hiểu ấy lại không được áp dụng để tự phòng vệ ô nhiễm thông tin? Thông tin mỗi ngày, xét cho cùng cũng chỉ là một loại yếu tố kích thích được gây ra từ môi trường sống. Chúng có thể tốt, mà cũng có thể nguy hại. Cách chúng ta phản ứng mới quan trọng. Hiện có bao nhiêu “lỗ hổng bảo mật” đang tồn tại trong nhận thức và hiểu biết của công dân khi tham gia xã hội thông tin?
Và bao giờ thì chúng ta quyết tâm đưa nội dung giáo dục kỹ năng xử lý và thẩm định thông tin vào dạy ở nhà trường phổ thông như là một cách hiệu quả để trang bị một kỹ năng sinh tồn mới cho công dân trong bối cảnh xã hội thông tin đầy nhiễu loạn?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.