Những lời đồn về vắc xin Covid-19 bạn chớ bao giờ tin!

28/06/2021 11:13 GMT+7

Nhiều người chưa muốn tiêm vắc xin Covid-19 vì những lầm tưởng và thông tin chưa đúng ngày càng lan rộng.

Các chuyên gia y tế cho biết cần ít nhất 70 - 85% dân số được chủng ngừa để đạt được miễn dịch cộng đồng, theo CNN.
Những người không được chủng ngừa càng lâu thì càng có nhiều nguy cơ để virus đột biến. Và đột biến có thể dẫn đến nhiều chủng nguy hiểm hơn, khiến vắc xin không còn tác dụng.
Sau đây là những lời đồn đại về tiêm vắc xin Covid-19 mà bạn không nên tin. Chống lại thông tin sai lệch để đi tiêm phòng là rất quan trọng để chấm dứt đại dịch này
Việc từ chối tiêm vắc xin thực sự ảnh hưởng đến rất nhiều người - chính bạn, những người thân yêu của bạn, thậm chí cả nước nói chung.

Người trẻ, khỏe mạnh vẫn cần phải tiêm phòng

Ảnh Shutterstock

Đã từng mắc Covid-19 thì không cần tiêm chủng nữa: Không đúng
Những người đã từng bị nhiễm Covivd-19 không có cách nào để biết liệu có bị tái nhiễm virus Covid-19 hay không.
Người từng mắc Covid-19 vẫn nên tiêm phòng, vì khả năng miễn dịch bạn nhận được khi tiêm chủng sẽ lâu hơn hoặc mạnh hơn khả năng miễn dịch mà bạn có được sau khi bị nhiễm bệnh.
Khả năng miễn dịch tự nhiên của người từng mắc Covid-19 sẽ mất dần sau một thời gian. Vắc xin cung cấp một chương trình cho hệ thống miễn dịch giúp nó nhận ra virus xâm nhập vào cơ thể và giúp cơ thể chống lại virus trước khi nó lây nhiễm vào cơ thể với khả năng nhân đôi nhanh chóng, theo Timesnownews.com.

Miễn dịch cộng đồng là gì và vắc xin quan trọng ra sao trong đại dịch Covid-19?

Các loại vắc xin được sản xuất gấp rút như vậy, sợ không an toàn: Không đúng
Các loại vắc xin được cấp giấy phép sử dụng đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả.
Trong vòng một năm sau đại dịch, các nhà khoa học đã phát triển một số loại vắc xin trong thời gian kỷ lục.
Mọi loại vắc xin đều phải trải qua quy trình Quản lý thực phẩm và dược phẩm nghiêm ngặt giống như các loại vắc xin khác, đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn an toàn. Không có nhượng bộ và chắc chắn không có bước nào bị bỏ qua. Sự hợp tác, tài trợ và tiến bộ trên toàn thế giới trong khoa học và công nghệ đã giúp rút ngắn khung thời gian phát triển vắc xin.

Xác nhận liên hệ giữa viêm cơ tim và vắc xin Covid-19, nhưng lợi ích vẫn vượt trội rủi ro

Bạn có thể tiêm các mũi vắc xin này mà không có bất kỳ nghi ngờ và sợ hãi nào vì các thử nghiệm lâm sàng và đánh giá an toàn thực sự mất khoảng thời gian tương tự như các loại vắc xin khác.
Tiêm chủng rồi có bị nhiễm Covid-19?: Không
Không có vắc xin Covid-19 nào có thể khiến bạn bị nhiễm Covid-19. Không có loại vắc xin nào sử dụng virus còn sống.
Quá trình kích thích miễn dịch của vắc xin có thể gây ra các triệu chứng, như sốt. Các chuyên gia cảnh báo rằng đây là một dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể đang xây dựng khả năng miễn dịch đối với virus, theo Timesnownews.com.
Tiêm vắc xin xong là có tác dụng phụ ngay lập tức: Không hoàn toàn như vậy
Tiến sĩ Ashish Jha, trưởng khoa Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown, cho biết tác dụng phụ của vắc xin đa số luôn "xuất hiện trong vòng 2 tuần đầu tiên và tối đa là trong 2 tháng đầu tiên", theo CNN.
Đừng lo lắng nếu gặp những tác dụng phụ của vắc xin. Chúng thực sự có thể là một dấu hiệu tốt
Tiến sĩ Paul Offit, giám đốc Trung tâm Giáo dục về vắc xin tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia và là thành viên của Ủy ban tư vấn về vắc xin, cho biết các tác dụng phụ nghiêm trọng nhất trong lịch sử của vắc xin đều đã được ghi nhận trong vòng 6 tuần.
Vắc xin đậu mùa có thể gây viêm cơ tim. Vắc xin bại liệt có thể gây bệnh bại liệt với tỷ lệ rất thấp, khoảng 1 trong 2,4 triệu liều. ... Tất cả những tác dụng phụ đều xảy ra trong vòng 6 tuần sau khi tiêm, ông Paul Offit nói.
Anh thích thì cứ tiêm đi. Tôi không tiêm, không sao cả: Có, rất có sao
Điều này tạo ra 3 giả định sai lầm, tiến sĩ Offit nói.
Trước hết, vắc xin không hiệu quả 100%. Vì vậy, ngay cả khi bạn bè và gia đình của bạn đã tiêm phòng, nhưng bạn không tiêm phòng, bạn vẫn có thể mang và lây lan virus cho những người thân yêu của mình.
Thứ hai, không phải ai muốn tiêm vắc xin đều có thể tiêm được. Một số người đang trong quá trình hóa trị ung thư. Họ không thể được tiêm phòng, mà phải dựa vào miễn dịch cộng đồng để bảo vệ mình, tiến sĩ Offit nói.
Vì vậy, những người yếu nhất, dễ nhiễm bệnh nhất - đang trông cậy vào người dân xung quanh đi tiêm phòng, theo CNN.
Và thứ ba, không tiêm chủng nghĩa là cho phép virus tiếp tục nhân lên. Khi được phép tiếp tục nhân rộng, nó sẽ tạo ra đột biến, sau đó có thể tạo ra các biến thể hoàn toàn kháng lại khả năng miễn dịch tự nhiên hoặc chủng ngừa.
Nói cách khác: Không tiêm vắc xin có thể làm cho vắc xin kém hiệu quả. Và điều đó có thể làm hỏng việc tiêm chủng của mọi người, đẩy cả nước càng lún sâu trong dịch bệnh.
Nếu quá ít người được chủng ngừa, sẽ không bao giờ đạt được miễn dịch cộng đồng. Cần phải tiêm phòng càng sớm càng tốt cho nhiều người.
"Nếu bạn muốn mọi hoạt động trở lại bình thường, hãy tiêm phòng".  
Tiến sĩ Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, cho biết: “Ngay cả đối với những người trẻ tuổi nghĩ rằng mình khó mắc Covid nghiêm trọng, thì hậu quả lâu dài có thể khá nghiêm trọng”.
Một chủng virus rất dễ lây lan đang tấn công những người trẻ tuổi. Biến thể B.1.1.7 hiện là dòng coronavirus lây lan mạnh. Và không giống như dòng ban đầu, dòng này đang ảnh hưởng nặng nề đến giới trẻ, theo CNN.
Thực tế rất nhiều người trẻ đã bị nhiễm Covid-19 nặng.
Sau khi tiêm chủng ngừa, thì không cần các biện pháp phòng ngừa nữa: Không đúng
Vắc xin không thể bảo vệ 100% trừ khi tất cả mọi người đều đã tiêm ngừa vắc xin, và cả các động vật chủ có vectơ mang mầm bệnh.
Với virus Covid-19 thì không hẳn như vậy. Như WHO đã nói, không thể an toàn một mình cho đến khi tất cả mọi người đều tiêm vắc xin. Vì vậy, bạn sẽ phải tuân theo chính sách vắc xin và phòng ngừa.
Bạn vẫn phải:
Tiếp tục đeo khẩu trang đúng cách
Tránh những nơi kém thông thoáng, tránh tụ tập
Rửa tay thường xuyên
Không chạm vào mắt, miệng, mũi bằng tay chưa rửa
Sử dụng chất khử trùng tay hoặc xà phòng và nước
Tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội
Tình hình tiêm vắc xin trên thế giới ra sao?
Sau đây là tỷ lệ phần trăm dân số chích ngừa của một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, tính đến ngày 24 tháng 6 năm 2021.
Canada 66,9%, Anh 65,19%, Israel 63,62%, Mỹ 53,76%, Ý 53,36%, Đức 51,7%, Singapore 50,79%, Pháp 48,13%, Trung Quốc 43,21%, Hàn Quốc 29,45%, Hồng Kông 26,66%, Úc 22,69%, Campuchia 21,04%, Nhật 18,99%, Ấn độ 17,29%, Nga 13,94%, Lào 10,36%, Thái Lan 7,86%, Đài Loan 6,67%, và Việt Nam 2,36%, theo Sortiraparis.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.