Những lời 'gan ruột' thầy cô nhắc nhở học trò khi làm bài thi vào lớp 10

09/06/2023 19:37 GMT+7

Sáng mai 10.6, hơn 100.000 thí sinh Hà Nội sẽ làm bài thi đầu tiên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay. Nhiều nhà giáo đã động viên, nhắc nhở học sinh những điều "gan ruột" để các em có tâm lý và kỹ năng tốt nhất khi làm bài thi.

Nhà giáo Lê Hoàn Châu, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi (Q.Ba Đình, Hà Nội), nhắc nhở từng chi tiết học sinh cần lưu ý khi bước vào kỳ thi lớp 10

Những lời 'gan ruột' thầy cô nhắc nhở học trò khi làm bài thi vào lớp 10  - Ảnh 1.

Học sinh làm thủ tục dự thi sáng nay 9.6

Q.V

Trước hết, các em cần chủ động đến điểm thi trước giờ thi ít nhất 30 phút, tuyệt đối tuân thủ luật Giao thông, trang phục phù hợp (nên mặc đồng phục).

Các em nhớ mang theo thẻ học sinh, giấy báo dự thi; 3 bút viết cùng màu mực; compa, bút chì, thước kẻ, tẩy, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ. "Tuyệt đối không mang điện thoại hay bất cứ tài liệu nào vào phòng thi", cô Hoàn Châu đặc biệt lưu ý.

Sau khi nhận đề thi, các em cần đọc kỹ đề thi 1 - 2 lần để có cái nhìn tổng quan, xác định phần khó, phần dễ; tập trung làm bài ngay từ ban đầu, tránh lãng phí thời gian; phân bố thời gian hợp lý. Câu dễ làm trước, khó làm sau, làm đâu chắc đó, tránh bị trừ điểm lặt vặt; tuyệt đối không được bỏ sót câu nào. Để tiết kiệm thời gian, nếu thấy chắc chắn làm luôn vào tờ giấy thi, không cần nháp.

Với môn toán, các em cần nhớ làm câu nào xong câu đấy. Mỗi khi làm xong mỗi một ý, kiểm tra kết quả ngay để tránh sai lầm và ảnh hưởng đến kết quả trong những câu tiếp theo. Cần tuyệt đối tránh các sai lầm như quên điều kiện, quên kết luận, quên đơn vị, chép sai đề, tính sai, vẽ hình sai, vẽ hình thiếu…

Môn ngữ văn, cần đọc và phân tích kỹ đề; phân chia thời gian làm bài hợp lý; viết rõ ràng, sạch sẽ. Câu đọc hiểu làm trước, câu nghị luận làm sau. Dành thời gian ít nhất 5 phút cuối giờ để soát lại bài, bởi trong quá trình làm bài, rất có thể chúng ta mải mê viết theo mạch cảm xúc dẫn đến viết thiếu ý, thiếu yếu tố tiếng Việt, thiếu dẫn chứng, viết sai, thậm chí là có lỗi chính tả, lỗi trình bày.

Môn tiếng Anh, cô Hoàn Châu lưu ý: vì đây là môn thi trắc nghiệm nên các em cần cẩn trọng phần tô mã đề thi, số báo danh và ghi đầy đủ các mục cần thiết theo hướng dẫn. Câu nào dễ làm trước và cần tô rõ nét ngay vào phiếu trả lời trắc nghiệm theo đúng thứ tự. Câu nào làm xong đánh dấu vào đề thi để khỏi phải mất thời gian đọc lại.

Ưu tiên giải quyết phần viết lại câu và đọc hiểu trước khi làm các phần khác. Trong trường hợp chỉ còn 5 phút mà còn rất nhiều câu chưa làm được thì có thể tô theo xác suất, tuyệt đối không để trống câu trả lời.

Khi làm tất cả bài thi, các thí sinh không dùng 2 màu mực, không dùng mực đỏ, không dùng ký hiệu lạ như gạch chân vào các câu, chỉ dùng bút chì khi vẽ đường tròn. Khi trót làm sai thì gạch đi bằng một nét gạch (dùng bút cùng màu), không dùng bút xóa.

Cuối cùng, sau khi làm bài xong, cô Hoàn Châu nhắc nhở: "Dành 5 phút để kiểm tra lại bài thi. Đây là khoảng thời gian quan trọng giúp các em sửa những lỗi không đáng có trong bài, hạn chế việc bị trừ điểm và tối ưu hóa điểm số của bài thi".

Câu hỏi dễ cũng cần làm thật cẩn thận

Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Q.Đống Đa, Hà Nội), cũng hướng dẫn những điều học sinh cần nhớ khi làm bài với từng môn thi. Cụ thể, thời gian làm bài môn tự luận (toán, ngữ văn) là 120 phút nên sau khi được phát đề, học sinh bình tĩnh đọc kỹ 1 - 2 lượt tổng thể cả đề, tư duy và ghi nhanh ra giấy nháp những tự lưu ý của bản thân về từng câu hỏi. Lúc này, cần bình tĩnh cho dù mức độ và nội dung câu hỏi như thế nào.

"Khi thực hiện làm bài cần theo phương châm mà học sinh hay nói vui là "dê làm khổ bò" - dễ làm khó bỏ. Cần làm những câu hỏi dễ cẩn thận để đạt điểm tối đa của các câu này", thầy Cường còn hài hước nhắn nhủ.

Thường thì đề thi cũng đã sắp xếp thứ tự các nội dung từ dễ đến khó. Sau khi làm những câu hỏi dễ thì thực hiện làm các câu hỏi khó mang tính phân loại. Học sinh cần có chiến lược cho các câu này về thời gian, quá 8 - 10 phút không có ý tưởng cần chuyển câu hỏi khác. Trong trường hợp không làm được cả câu, cần bóc tách các ý của câu hỏi để được điểm.

Khi còn 15 phút nữa là hết giờ làm bài, nếu học sinh không thể làm được tiếp các câu hỏi khó thì dành thời gian đó để kiểm tra lại toàn bộ bài làm. Học sinh cần kiểm tra kết quả các câu hỏi độc lập ra ngoài nháp. Câu nào thấy sai, gạch trước bằng bút chì, kiểm tra kỹ thì mới gạch bỏ bằng bút mực và sửa, tránh trường hợp gạch phần đúng mà không có cơ hội sửa lại. Trước khi nộp bài, cần kiểm tra kỹ thông tin của mình ở trên tờ giấy thi như họ và tên, ngày sinh, số báo danh, số tờ giấy thi.

Với môn thi ngoại ngữ, với thời gian làm bài là 60 phút, cấu trúc khoảng 40 câu hỏi, học sinh cần đọc toàn thể đề và làm những câu dễ trước, không nên làm theo thứ tự cứng nhắc. Sau khi những câu chắc đúng đã làm xong thì đồng thời cũng thực hiện tô đáp án vào tờ phiếu trả lời trắc nghiệm. Những câu khó hơn cần đọc kỹ đề bài để không bị nhầm, các phương án nhiễu có thể gây cho học sinh sai sót.

Thầy Cường lưu ý, khi còn khoảng 10 phút, học sinh nên dành thời gian kiểm tra lại độc lập các câu đã trả lời. Khi rà soát nếu thấy sai, học sinh cần dùng tẩy để tẩy sạch ô trả lời cũ và tô lại ô trả lời mới. Tránh tình trạng một câu có 2 ô tô đáp án, tô mờ, không tô, tô không kín ô... Những câu nào chưa có đáp án, học sinh có thể lựa chọn tô ngẫu nhiên để có thể may mắn có điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.