Theo CNN, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng phát biểu sau hai tháng bước vào Nhà Trắng: “Có thể đây là một trong những lý do chính giúp tôi ở đây hôm nay: thương mại”.
Song gần sáu tháng kể từ khi ông Trump nhậm chức, ngay cả khi chính quyền của ông thúc đẩy các cuộc đàm phán mới với Canada, Mexico, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh và nhiều nước khác, Tổng thống Mỹ vẫn đang đặt ra khung thời gian mà các nhà đàm phán thương mại cho là quá tham vọng.
Ông Trump từng chào mời cuộc đàm phán thương mại tích cực và lạc quan nhất của mình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra ở Đức hồi tuần trước. Khi gặp Thủ tướng Anh Theresa May, ông hứa rằng hai nước sẽ đạt một thỏa thuận thương mại “rất, rất nhanh chóng”, cho hay đây sẽ là “thỏa thuận rất, rất lớn, rất mạnh mẽ và tuyệt vời cho cả hai nước”.
Một thỏa thuận nhanh chóng với Anh dường như là bất khả thi vì vô số lý do. Trong số này có việc Anh không thể bắt đầu đàm phán cho đến khi nước này kết thúc quá trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2019. Ngay cả khi nước này có thể, Mỹ cũng sẽ không biết nên đưa ra yêu cầu gì vì thỏa thuận thương mại như trên sẽ chủ yếu tập trung giải quyết các rào cản pháp lý vốn không rõ ràng cho đến khi Brexit kết thúc.
Ngoài ra, phía Mỹ cũng vướng nhiều yêu cầu pháp lý. Trong số này là việc chính quyền của Tổng thống Trump phải cho Quốc hội 90 ngày để xem xét trước khi bắt đầu đàm phán, 180 ngày thông báo trước khi ký thỏa thuận thương mại hoàn chỉnh. Sau đó là thêm 105 ngày nữa để Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ đưa ra ước tính về lợi ích và chi phí kinh tế của thỏa thuận được đề xuất.
Hầu hết các hiệp định thương mại đều cần ít nhất 18 tháng đàm phán. Trong những năm gần đây, khung thời gian còn kéo dài hơn. Chuyên gia Thomas Bollyky, người đàm phán 1,5 trong số 17 chương của thỏa thuận thương mại Mỹ - Hàn Quốc và hiện là thành viên cao cấp tại Hội đồng Thương mại Mỹ cho hay các lời hứa thương mại của Tổng thống Mỹ là “rất tham vọng”. Ông cho rằng ông Trump vướng phải điều này vì thiếu kinh nghiệm.
tin liên quan
3 lý do Tổng thống Trump sẽ không thích thỏa thuận EU - Nhật BảnVào đêm trước ngày khởi động Hội nghị Thượng đỉnh G20 với sự tham gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, các nhà lãnh đạo châu Âu và Nhật Bản ký hiệp định tự do thương mại lớn.
Dù vậy, Tổng thống Mỹ vẫn tích cự đưa ra nhiều cam kết thương mại lớn trong những ngày gần đây. Trong một cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, ông Trump tuyên bố rằng hai nước sẽ cùng nhau thực hiện nhiều thỏa thuận thương mại, dù không có lý do gì để Mỹ đàm phán nhiều thỏa thuận thương mại với một nước.
Tổng thống Trump cũng cho biết ông đã có “một cuộc họp tuyệt vời về thương mại” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và “sẽ có thể thực hiện điều gì đó công bằng, tương xứng”. Tuyên bố trên của ông bỏ qua thực tế rằng Mỹ và Trung Quốc bất đồng vì nhiều vấn đề thương mại trong nhiều thập niên.
Hậu hội nghị G20, ông Trump viết trên Twitter rằng ông đã giải thích với các nhà lãnh đạo nước ngoài tại G20 rằng “Mỹ phải sửa chữa nhiều thỏa thuận thương mại xấu đã được thực hiện”. Song ông bỏ qua một thực tế: Mỹ chỉ có thỏa thuận thương mại có hiệu lực với 4 trong tổng số 19 nước còn lại thuộc G20.
Với Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), chính quyền Mỹ muốn kết thúc đàm phán sớm. Song các cuộc đàm phán sẽ không khởi động từ cuối tháng 8 và giới chuyên gia thương mại cho rằng Mỹ khó lòng hoàn tất tái đàm phán NAFTA được trước cuối năm nay. Chuyên gia thương mại Gary Clyde Hufbauer thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nói: “Hoàn tất thỏa thuận đầu năm 2018 hoặc cuối năm nay là chuyện mơ mộng. Đây sẽ là một cuộc đàm phán dài”.
Trong khi ông Trump vẫn đang nói về thương mại, EU và Nhật Bản mới đây tham gia đàm phán và đạt được thỏa thuận thương mại lớn giữa hai bên. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rõ khi thông báo về thỏa thuận: “Nhật Bản và EU thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ của chúng tôi trong việc giương cao lá cờ tự do thương mại khi chủ nghĩa bảo hộ có bước tiến trên thế giới. Đây là kết quả mà chúng ta nên tự hào và là thông điệp mạnh mẽ gửi ra thế giới”.
Dù chưa hoàn tất lời hứa, Tổng thống Mỹ trên thực tế cũng thúc đẩy việc tiến hành thỏa thuận. Đơn cử, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin đang dẫn đầu cuộc đối thoại kinh tế toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc, đặt thương mại làm trọng tâm. Chính quyền Mỹ cũng giải quyết các tranh chấp thương mại thường xuất hiện mỗi năm khi áp thuế quan 20% lên gỗ xẻ Canada vào tháng 4 và giải quyết tranh chấp về đường với Mexico.
tin liên quan
Thủ tướng Đức chỉ trích chính sách thương mại Mỹ trước Hội nghị G20Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa chỉ trích cách tiếp cận chẳng bên nào có lợi của Mỹ đối với thương mại thế giới.
Bình luận (0)