Những lợi ích tuyệt vời của liệu pháp ngâm chân với nước ấm

19/06/2024 04:07 GMT+7

Các nghiên cứu trong nền y học cổ truyền cho thấy điều trị bằng phương pháp ngâm chân nước ấm mang lại nhiều tác dụng tốt cho cơ xương khớp, cải thiện triệu chứng mất ngủ, giảm đau...

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Khoa Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, cho biết phương pháp ngâm chân nước ấm mang lại nhiều tác dụng tốt cho cơ xương khớp, bao gồm cả xơ cơ, viêm khớp, có thể làm giảm sưng, viêm và tăng cường lưu thông máu.

"Ngâm nước ấm làm cho các khớp giãn ra, làm giảm đau, tăng cường tuần hoàn máu cho vùng chân, tạo cảm giác thư giãn", bác sĩ Vũ phân tích. 

Những lợi ích tuyệt vời của liệu pháp ngâm chân với nước ấm- Ảnh 1.

Ngâm chân có nhiều lợi ích đối với sức khoẻ

Pexels

Ngoài ra, chúng ta có thể thêm muối hột hoặc thảo dược vào nước ấm khi ngâm để tăng tác dụng trị liệu. Trong muối hột có nhiều khoáng chất và ion. Một số loại thảo dược ngâm chân tạo mùi thơm, có tác dụng giảm đau. Ví dụ ngâm lá lốt giúp giảm đau khớp, gừng sả thì làm ấm nóng…

Mỗi lần ngâm chân trong nước thuốc ấm nóng từ 15-20 phút. Liệu trình từ 7-14 ngày. Những người mất ngủ, đau khớp, viêm khớp vùng chân, đau gót chân, viêm cân gan chân... rất phù hợp để áp dụng phương pháp này.

Tuy nhiên, bác sĩ Vũ lưu ý người cao tuổi, trẻ em khi ngâm rửa chân cần có người khác giúp đỡ để tránh xảy ra sự cố ngoài ý muốn. Khi dùng nước thuốc ngâm rửa chân, cần chọn các vị thuốc thích hợp, tính năng của thuốc phải phù hợp với từng chứng bệnh theo chỉ định của thầy thuốc có kinh nghiệm. Không dùng thuốc có tính kích thích mạnh và ăn mòn. 

Trong quá trình ngâm tắm thảo dược để làm đẹp và phòng chữa bệnh, mỗi người nên ngâm vị thuốc, bài thuốc vào bồn, chậu riêng để tránh lây nhiễm bệnh lý da…

 Một số bài thuốc thảo dược ngâm chân

Thạc sĩ - bác sĩ Lê Ngô Minh Như, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, chia sẻ một số bài thuốc thảo dược ngâm chân:

Gừng: Tác dụng giải biểu tán hàn (tạo sự ấm nóng phần ngoài của cơ thể, làm ra mồ hôi nhẹ), thông kinh mạch giúp tuần hoàn máu tốt.

Những lợi ích tuyệt vời của liệu pháp ngâm chân với nước ấm- Ảnh 2.

Gừng có tác dụng thông kinh mạch giúp tuần hoàn máu tốt

Freepik

Cách làm: Gừng tươi 20 g, đập dập, cho vào khoảng nửa nồi nước, đậy kín vung để tránh làm bay hơi một số chất trong gừng, đun sôi trong khoảng 10 phút. Đổ toàn bộ nước và gừng đã đun vào chậu pha thêm nước lạnh khoảng 35 - 39 độ C là ngâm được.

Ngải cứu: Có tác dụng hành khí hoạt huyết, giảm đau, ôn ấm tử cung.

Cách làm: Ngải cứu tươi 20 g, cho vào nửa nồi nước đậy vung kín đun sôi khoảng 10 phút, sau đó đổ cả lá và nước ra chậu, pha thêm nước lạnh cho nhiệt độ khoảng 35 - 39 độ C thì có thể ngâm hai chân.

Vỏ quế và hoa tiêu: Có tác dụng ôn thận, bổ hỏa trợ dương (cải thiện các tình trạng bệnh do phần dương của cơ thể bị suy kém).

Cách làm: Vỏ quế, hoa tiêu mỗi thứ 15 g cho vào nồi đổ nước, đậy vung kín đun sôi khoảng 10 phút, sau đó đổ ra chậu, pha thêm nước lạnh cho nhiệt độ khoảng 35 - 39 độ C là được.

Tiểu hồi: Có tác dụng khứ hàn thấp, làm ấm vùng dưới rốn.

Cách làm: Tiểu hồi 10 g, có thể kết hợp gừng tươi, vỏ quế, cho vào nồi với nước đun sôi khoảng 10 phút, sau đó đổ ra chậu, pha thêm nước lạnh cho nhiệt độ khoảng 35 - 39 độ C là được.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.