1. "Hai tuần tới em không lên thăm chị được…".
"Em đi mô?".
"Em vô Đà Nẵng…".
"Đi mà nhanh ra với chị nghe. Có tiền chưa để chị cho?".
Nước mắt vừa tươm ra hoen bờ mi nhanh chóng được cậu Ba nuốt ngược vào trong. Nghe dì Cả bảo cho tiền, cậu bật cười nhìn bà chị tuổi bảy mươi tư đang lòn tay xuống dưới cái gối con con lôi ra cọc tiền cuộn tròn vấn bằng sợi dây thun. Lẩm nhẩm đếm, được đâu có bảy chục ngàn. Dì với sang định giúi vào tay đứa em trai như những ngày xưa cũ.
"Úi, chừng đó đi không đủ. Chị cất đi mà mua bánh trái. Mà ra đứng đầu ngõ đón gánh hàng rong nổi không đó?".
"Nổi chơ…" - bà chị cười hiền, lành như một đứa trẻ thơ mê ăn quà vặt.
Ngày thơ bé, không đếm xuể những lần chị nhịn ăn sáng xén tiền cho đàn em sáu đứa có thêm món quà trước cổng trường. Lúc thanh xuân, không kể hết những lần chị dấm dúi giấu chồng cho đứa này ít tiền đóng học phí giúp cháu, đưa đứa kia chút tiền mua sắm áo quần lúc tết nhứt… Giờ nơi lằn ranh sinh tử, giờ ngấp nghé bên kia triền dốc cuộc đời, giờ ăn trước quên sau và ký ức nọ xỏ qua kỷ niệm kia mà vẫn nguyên vẹn tấm lòng người chị cả bao dung, dốc lòng cho đàn em chẳng còn bé thơ. Như một thói quen. Như một lẽ thường. Như một mạch ngầm âm ỉ trong tâm thức…
Lặng ngắm chi chít vết rạn chân chim hằn nơi khóe mắt, đậu nơi vành môi, neo nơi vầng trán cùng mái tóc lởm chởm trắng như cước trước mặt, lòng cậu chùn xuống, rưng rưng thương chị. Ung thư dạ dày - bản án tử hình giằng xé tâm can bao ngày qua đã nhuộm màu bi thương lên mỗi ánh mắt u buồn, từng nụ cười gượng gạo. Những ngày ngóng đợi chị nơi phòng phẫu thuật hớt bỏ dạ dày dài thăm thẳm. Những đêm chăm chị nơi hành lang bệnh viện sâu hun hút. Những vòng xe cuộn tròn qua các cung đường quen thuộc lên nhà thăm chị nối dài ra mãi, bên hông con xe Dream cũ kỹ ấy lủng lẳng bịch bún nghệ, tô cháo lòng, đĩa thịt quay, con gà nướng…
"Em vô Đà Nẵng… hai tuần… không lên thăm chị được…".
Hình như lần đầu tiên cậu nói dối chị mình về một chuyện hệ trọng. Không hề chớp mắt. Mà lòng quặn đau như cắt...
2. "Reng… reng… reng…"
Màn hình điện thoại hiện lên dãy số của chị cả. Vợ cậu Ba cuống quýt chuyển sang chế độ im lặng. Mấy mẹ con nhìn nhau, rồi nhắm chẳng từ chối cuộc gọi hoài được, mợ tằng hắng giọng, chuẩn bị trang giáo án nói dối chị chồng.
"Dạ…".
"Hân à, thằng Ba mô?".
"Dạ anh Ba vô Đà Nẵng, ảnh có nói với chị mà…" - Giọng mợ nhỏ dần.
"Đi Đà Nẵng làm chi mà tận hai tuần?".
"Ảnh đi Đà Nẵng sửa nhà cho con bé đầu nhà em" - Mợ kéo dài giọng, lấp liếm.
"Người đi Đà Nẵng mà răng điện thoại để ở nhà?".
"Điện thoại ni bị hư rồi…" - Chẳng chút ngần ngừ, mợ tiếp tục bài ca… viện lý do này nọ.
"Mua cái nớ mấy tiền mà nhanh hư rứa?".
"Hồi nớ mua có mấy trăm, rẻ nên nhanh hư" - Đã trót phóng lao phải lao theo lao thôi, mợ trả lời chắc nịch như đúng rồi.
"Mà chị cứ nóng ruột, lo có chuyện chi tề…".
"Dạ có chi mô mà chị lo dữ rứa, nhớ giữ gìn sức khỏe đợi ảnh ra lên thăm chị liền".
Mợ vờ cười giả lả cho qua chuyện hòng dập tắt nỗi bất an trong lòng bà chị chồng. Những khúc ruột liền nhau, tự sâu thẳm mối dây liên kết vô hình cứ đánh thức nỗi lo mơ hồ, giăng mắc nỗi sợ mông lung trong lòng người chị cả. Sự kỳ diệu của tạo hóa đan cài tình máu mủ ruột rà khiến những lời nói dối kéo dài ra mãi.
Chiếc xe máy nổ giòn tan, mợ lật đật chạy về phía bệnh viện. Đến giờ thay ca trực cho con gái về cơm nước, đưa đón mấy đứa cháu đi học nữa. Cậu đang nằm ở khoa hồi sức, ca mổ lồng ngực vừa hoàn thành sáng qua. May mắn là ca mổ suôn sẻ, giờ hồi hộp đợi kết quả sinh thiết cục u nơi lồng ngực nữa. Bác sĩ trấn an gia đình đừng quá lo lắng. Hy vọng u lành tính, chắc chắn ông trời sẽ không triệt đường sống của người hiền.
3. "Cua ngon không chị?".
"Khôn ngon nơi…".
Câu trả lời gọn lỏn của dì Cả khiến dì Sáu bật cười.
"Chị ăn mực không, em hấp đem lên? Chợ mấy hôm ni mực nhiều mà tươi rói…".
"Bữa ni chị hết thích ăn cua, mực rồi".
Dì Sáu nghi ngờ lắm cái lắc đầu chê cua, từ chối mực của dì Cả. Nhớ cái đợt mới cắt dạ dày xong, dì thèm hai món đó biết bao nhiêu. Cuộc đời còn có bao lâu mà kiêng khem nên dì thèm gì cứ cho ăn thả cửa. Đàn em đông đúc thay phiên mua món này thức kia nhưng hễ dì Sáu bới xách là dì Cả thật bụng bảo: "Chị ăn đồ em mua không ngon…". Vì thương em cực khổ, vì xót em vất vả đó mà.
Tiền mồ hôi nước mắt của em dành dụm, nhón nhịn mua cho chị món ăn đắt tiền, dẫu ngon đến đâu cũng vướng bận nỗi niềm. Cái nghề làm nhang phơi mình cùng nắng rát, ngập ngụa cùng bụi trầm hương mờ mịt ấy chị thương còn không hết, cho không biết bao nhiêu mới đủ nên phải mạnh miệng chê cua dở rồi chẳng thèm mực chứ!
"Răng hôm ni em không đi làm à?".
"Nhà hương hôm nay nghỉ một ngày để lợp lại mái…".
Lời nói dối ngon ơ thốt ra ở đầu môi, chẳng còn nghèn nghẹn như lúc ban đầu nữa. Có lẽ đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay, chị Cả cũng chẳng biết một bên vú của nhỏ em gái mình đã khoét trọn. Sau mấy tháng vật lộn chữa bệnh, dì Sáu tạm an yên với hiện tại khi chưa phát hiện dấu vết di căn. Chỉ mong bản thân mình ổn và kiên trì kéo dài sự sống để chị em còn lui tới với nhau, lâu thật lâu, dài thật dài.
À, còn mong kết quả sinh thiết cục u của cậu Ba lành tính nữa chơ. Hai chị em gái đã mang bản án K, giờ thêm một người nữa sẽ bi đát lắm thay.
"Thằng Ba đi Đà Nẵng mấy hôm mà chị nhớ nó…".
Dì Sáu quay ngoắt đi giấu đôi mắt ầng ậng nước. Ngày mai, cậu Ba mới chuyển về phòng, ngày kia mới có kết quả sinh thiết…
4. "Chỉ mong tui ngủ sau… để lo đám tang và mồ ma cho mấy chị em chu tất" - Lời tâm sự rút gan ruột của người cậu năm nay sang ngưỡng sáu mươi chín tuổi luôn làm đàn cháu chúng tôi rơm rớm mỗi khi nhắc lại. Tâm nguyện lớn nhất của cậu đó, đầy suy tư về quy luật sinh tử và trọn vẹn hai chữ nghĩa tình của những khúc ruột liền nhau.
Khi bảy anh chị em bắt đầu bước dần sang phía bên kia triền dốc cuộc đời, quan niệm về thời khắc trăm tuổi nhẹ bẫng hẳn đi. Niềm hạnh phúc lớn lao nhất của đời người dài đằng đẵng là mỗi năm tết đến vẫn có thể "điểm danh" đủ số, đủ người. Cứ đến dịp lễ lạt, giỗ kỵ là những mái đầu muối tiêu lại sum vầy, trêu chọc nhau cười đến tràn cả nước mắt.
Tuổi thơ bươn chải giữa những năm tháng chiến tranh khốc liệt hay vật lộn cùng khốn khó sau ngày đất nước giải phóng, cái tình anh chị em ruột gắn kết keo sơn, bền chặt ấy đong đầy theo thời gian. Rồi khi người có mái ấm riêng, khá giả thì ít mà vất vả lo toan, lấm láp, cực nhọc lại nhiều. Dì cậu vẫn tiếp tục đùm bọc, chở che, dìu nhau qua lúc khó khăn, hoạn nạn, chưa bao giờ buông lơi bàn tay ấm.
Có bà chị đi chợ mua chịu xấp vải, bộ đồ rồi nhón nhén tiền chợ búa trả góp dần từng chút. Có ông anh nhận lương chờ em nơi đầu cầu gửi tiền để em mua sữa cho cháu, mấy hôm nay cháu ốm không ăn được cơm. Có nhỏ em đi làm ở xí nghiệp thuốc lá được nghỉ nửa buổi, vậy là phần cơm trưa bới theo đem về cho anh làm công nhân ăn rồi đạp xe về nhà với cái bụng đói meo…
Đời người tựa nương vào nhau để sóng sánh đặt chân vào ngưỡng cửa "lão" và "bệnh". Sau bao lo toan của một thời trẻ trung, nay về già, nỗi khắc khoải lớn nhất của cậu vẫn là mong mình về với đất mẹ sau cùng, để mà còn lo cho phút giây nằm xuống của mọi người được an yên hơn.
Tình thương chẳng thể đong đếm được ấy giờ đẩy đưa khiến những lời nói dối cứ dây dưa kéo dài ra mãi. Dối để che giấu bệnh. Dối để người bớt lo. Dối vì thương những khúc ruột liền nhau…
Bình luận (0)