Tôi lướt thật nhanh qua những bản tin về cái chết trong tư thế treo cổ của cả 4 thành viên trong một gia đình ở Hà Tĩnh và lá thư tuyệt mệnh của họ để lại trong căn nhà đang xây dở còn ngổn ngang gạch ngói. Tim tôi như bị bóp nghẹt lại vì quá đau đớn và bàng hoàng. Hai vợ chồng chưa tới 30 tuổi. Hai đứa con, đứa 6 tuổi và 4 tuổi. Tất cả tương lai, cuộc đời của họ kết thúc bằng những sợi dây, vì những từ ngữ khô khốc nhưng có sức hủy diệt không tưởng: tin đồn, áp lực dư luận.
Cuộc sống đói nghèo, những khoản nợ nần đẩy hai vợ chồng trẻ và những đứa con thơ vào bế tắc. Chưa có kết luận của cơ quan công an rằng người chồng, người cha trong câu chuyện trên có ăn trộm điện thoại ở tỉnh Quảng Bình hay không, tuy nhiên những lời bàn ra tán vào, điều tiếng xầm xì của bà con hàng xóm đã như lời kết tội của phiên tòa, họ buộc tội người hàng xóm của mình và đẩy bước chân của vợ chồng anh vào tận cùng tuyệt vọng.
Họ không còn niềm tin vào cuộc đời. Họ chết. Khi họ còn rất yêu các con. Khi họ còn quá trẻ và những đứa trẻ ngây thơ đáng lẽ phải được sống và được học hành đàng hoàng, được làm những điều chúng ước mơ.
Tôi ứa nước mắt khi đọc được những dòng trong lá thư tuyệt mệnh của vợ chồng xấu số: “Trong 8 năm gia đình mình đã trải qua bao nhiêu vất vả sóng gió và cũng thời gian này là niềm hạnh phúc nhất của bố mẹ. Vì bằng tình yêu mà bố mẹ đã sinh ra hai con. Hai con là niềm tin vui của bố mẹ. Không gì so sánh được. Bố mẹ ngàn lần xin lỗi các con vì sinh ra các con trong tình yêu thương”.
Không biết từ bao giờ, nhiều người Việt, sống ở bất cứ nơi đâu, từ nông thôn tới thị thành cũng có đặc tính vô cùng xấu xí: nhiều chuyện, thích bàn luận chuyện của người khác, thích phán xét người khác từ những điều mà họ “nghe bảo là”, sau đó mỗi người một cách khác nhau, họ thêu dệt, bịa đặt thêm nhiều tình tiết để câu chuyện của mình kể luôn khác biệt với đám đông còn lại…
“Con đó hình như có bầu, thấy suốt ngày ra đầu ngõ mua xoài xanh. À thì đúng thôi, suốt ngày thấy đàn đúm, đi về khuya thì có bầu cũng bình thường. Nhưng mà nó vẫn sinh viên mà. Sinh viên bây giờ cũng "quậy" dữ lắm, không đùa đâu”. Bạn đang nghe một câu chuyện ở một làng quê nào đó, trong vài thập niên trước? Không hề. Giữa Sài Gòn, một ngày của năm 2018, những người đàn bà trong khu chợ trước nhà tôi vẫn ngồi xầm xì, chỉ trỏ vào một khu trọ sinh viên gần đó mà buông những lời phán xét vào một cô gái nào đó.
Nếu thật sự cô sinh viên kia có bầu đi chăng nữa, dù có chồng hay làm mẹ đơn thân, điều đó có ảnh hưởng đến cuộc sống, miếng cơm, giấc ngủ của những người đàn bà xóm chợ hay không? Thế nhưng, như một thú vui tiêu khiển lúc rảnh rang, họ phán xét người khác và góp những tiếng xầm xì tàn độc để làm nhục một người phụ nữ (dù họ cũng đang là phụ nữ).
Những lời xầm xì, bàn tán, tin đồn… của xã hội với đầy rẫy sự nhẫn tâm, vô nhân đạo vẫn hiện diện ngày ngày. Nó được điểm tô trong một dung mạo có vẻ sang trọng hơn, nhưng độ tàn nhẫn thì không hề giảm: tin đồn, dư luận trên mạng xã hội, điển hình là Facebook.
Mới đây, vụ một nữ sinh viên ở Hà Nội vừa sinh con xong đã ném đứa trẻ từ lầu cao xuống đất khiến nhiều người bàng hoàng. Cư dân mạng được dịp phán xét cô gái, “không có trái tim”, “tàn nhẫn”, “hơn cả thú dữ”, “cho nó vào tù”, “tội này phải tù mọt gông cho nó gặm nhấm tội ác tày trời” - những quan tòa bàn phím chỉ đạo trên mạng xã hội.
Rất có thể, trước khi sinh con và có hành động mất kiểm soát, nữ sinh viên cũng đã sống trong những lời xầm xì tàn độc mà hàng xóm, láng giềng, bạn bè xung quanh trao cho cô.
Tin đồn, dư luận xã hội chưa bao giờ kinh khủng như bây giờ. Mỗi ngày, mở điện thoại ra, người ta thấy những cuộc chiến trên Facebook, mọi người lao vào đấu tố một người nào đó mà có khi họ chưa từng gặp gỡ hoặc hiểu gì. Những viên đá mà người ta giấu tay khi ném tới tấp một người lạ có thể khiến người ta lún sâu vào những sai lầm, hoặc tìm đến cái chết khi không thấy cơ hội làm lại cuộc đời.
Sau cái chết trong tư thế treo cổ của cả 4 người trong một gia đình ở Hà Tĩnh vừa qua, tôi thấy nhiều bức ảnh đám đông than khóc cho các nạn nhân. Ai đó hãy nói giúp tôi, đó là nước mắt của sự xót thương, hay nước mắt ăn năn, hối lỗi của những dân làng từng xầm xì, phán xét để những người còn rất trẻ phải tìm đến con đường chết?
Bình luận (0)