Những lưu ý trước khi đăng ký dự thi

01/04/2016 05:12 GMT+7

Từ hôm nay 1.4, học sinh lớp 12 trên cả nước và thí sinh tự do sẽ tiến hành đăng ký dự thi THPT quốc gia. Từ những quy định của Bộ và tư vấn của chuyên gia, thí sinh cần lưu ý những điểm quan trọng trước khi đăng ký.

Từ hôm nay 1.4, học sinh lớp 12 trên cả nước và thí sinh tự do sẽ tiến hành đăng ký dự thi THPT quốc gia. Từ những quy định của Bộ và tư vấn của chuyên gia, thí sinh cần lưu ý những điểm quan trọng trước khi đăng ký.

Giáo viên một trường ở TP.HCM hướng dẫn học sinh cách làm hồ sơ - Ảnh: Đào Ngọc ThạchGiáo viên một trường ở TP.HCM hướng dẫn học sinh cách làm hồ sơ - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ ngày 1 - 30.4, thí sinh (TS) bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) gồm 2 phiếu ĐKDT, bản photocopy 2 mặt chứng minh nhân dân trên một mặt giấy A4, hai ảnh 4 x 6 và một phong bì ghi rõ họ tên địa chỉ nhận của TS. Sau ngày 30.4, TS không được thay đổi cụm thi và các thông tin về môn thi đã đăng ký.
Bảo mật thông tin khi đăng ký trực tuyến
Những TS có nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ theo hình thức trực tuyến phải đăng ký số điện thoại, email. Sau khi nộp phiếu đăng ký, TS sẽ được đơn vị ĐKDT cấp một tài khoản và mật khẩu để đăng nhập vào phần mềm quản lý thi qua internet tại địa chỉ http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn. TS sẽ dùng tài khoản này để đăng nhập vào phần mềm quản lý thi từ khi đăng ký thi đến khi xem kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp, xét tuyển sinh ĐH, CĐ.
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, lưu ý: “Để bảo mật thông tin, khi nhận được tài khoản và mật khẩu, TS nên thay đổi ngay mật khẩu. TS cần giữ kín tài khoản và mật khẩu của mình. Trong trường hợp quên tài khoản và mật khẩu, TS có thể liên hệ với đơn vị ĐKDT để xin cấp lại”.
Tránh nhầm lẫn cụm thi
TS dự thi với mục đích để xét công nhận tốt nghiệp hoặc chỉ để xét tuyển sinh ĐH, CĐ hoặc cả 2 mục đích được ĐKDT tại cụm thi ĐH. Cụm thi tốt nghiệp tổ chức cho các TS dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp.
TS tự do dự thi để xét công nhận tốt nghiệp được chọn địa điểm nộp hồ sơ tại một trong các đơn vị ĐKDT do các sở GD-ĐT quy định, nhưng phải dự thi tại cụm thi mà các TS đang học THPT của đơn vị ĐKDT đó theo quy định. TS tự do dự thi chỉ để xét tuyển ĐH, CĐ được lựa chọn thi tại cụm thi do trường ĐH chủ trì và nộp hồ sơ ĐKDT tại địa điểm phù hợp với điều kiện của TS.
Lưu ý về số điện thoại và địa chỉ liên hệ
Ông Bùi Quang Thái, Phó trưởng phòng Quản lý thi, Sở GD-ĐT Hà Nội, lưu ý TS khi đăng ký thông tin phải nhập chính xác số điện thoại, tránh tình trạng nhập sai số điện thoại, hệ thống sẽ gửi mã xác nhận bảo mật thông tin sai. “Học sinh thường sử dụng sim rác một thời gian rồi vứt đi hoặc số này hết hạn, tuyệt đối không lấy số sim rác này để ĐKDT. Trong thời gian này các em cần sử dụng một số điện thoại được đăng ký sử dụng, tránh tình trạng thông tin bảo mật lọt ra ngoài, các em phải chịu trách nhiệm”, ông Thái nói.
Cũng theo ông Thái, TS nên sử dụng địa chỉ liên hệ là chính đơn vị ĐKDT, không nên sử dụng địa chỉ nhà riêng vì có những địa chỉ phức tạp, không rõ ràng, khó tìm dẫn đến tình trạng thất lạc thông tin như các năm trước.
Linh hoạt khi đăng ký môn ngoại ngữ
Với môn ngoại ngữ, TS được tự chọn một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức hoặc Nhật. TS được đăng ký thi môn ngoại ngữ khác với môn ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông; TS là học viên GDTX được đăng ký môn ngoại ngữ dù môn này chỉ là môn thi bắt buộc đối với TS học THPT.
Cân nhắc lựa chọn môn thi
Theo ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, việc chọn môn thi là điều quan trọng nhất trong kỳ thi THPT quốc gia vì nó còn liên quan đến việc xét tuyển ĐH, CĐ. Ông Cường cho rằng, bên cạnh 3 môn bắt buộc toán, văn, ngoại ngữ, TS cần xác định đâu là thế mạnh để lựa chọn thêm môn thi. Cần tránh đăng ký quá nhiều môn vì như thế sẽ gây loãng, không thể tập trung được thời gian và công sức. Hãy xác định mình định học ngành nào, ngành đó xét tuyển tổ hợp môn nào, lúc đó cân nhắc chọn môn phù hợp với tổ hợp môn và phù hợp với năng lực của mình.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng cho rằng TS nên cân nhắc kỹ càng, chọn môn thi sở trường, có năng lực nhất phù hợp với tổ hợp môn của ngành mình định xét tuyển. “Cố gắng đăng ký ở mức tối thiểu để có nhiều thời gian cho từng môn”, ông Hạ đưa ra lời khuyên.
Đối với môn ngoại ngữ, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, lưu ý: “Có nhiều em trong suốt những năm học phổ thông được học môn tiếng Anh, nhưng có học thêm tiếng Nhật, Trung, hay Pháp bên ngoài. Cần xác định rõ thế mạnh của mình là ngoại ngữ nào để lựa chọn”.
Việc sai sót về đối tượng và khu vực ưu tiên đã từng xảy ra trong kỳ thi năm 2015, dẫn đến nhiều rắc rối có thể gây thiệt thòi cho chính TS. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn chia sẻ: “Năm nay, nếu cố tình ghi sai để được hưởng điểm ưu tiên, TS sẽ phải tự chịu trách nhiệm về việc này. Ngay cả khi TS đã nhập học, nếu trường phát hiện điểm ưu tiên không chính xác, TS sẽ bị buộc thôi học. Chính vì thế, để biết mình thuộc đối tượng, khu vực ưu tiên nào, cần hỏi giáo viên chủ nhiệm vì Bộ đã có hướng dẫn các trường rất cụ thể”.
Mỹ Quyên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.