Những mảnh ruộng “bậc thang” ở đồng bằng

18/01/2013 09:22 GMT+7

Nhiều nông dân ở các tỉnh Trà Vinh, An Giang “dở khóc, dở cười” khi đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân mà mặt ruộng chỗ lồi, chỗ lõm khiến máy gặt đập liên hợp không thể vào được. Đây là hệ lụy từ việc nông dân bán đất mặt ruộng cho các chủ lò gạch.

Nhiều nông dân ở các tỉnh Trà Vinh, An Giang “dở khóc, dở cười” khi đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân mà mặt ruộng chỗ lồi, chỗ lõm khiến máy gặt đập liên hợp không thể vào được. Đây là hệ lụy từ việc nông dân bán đất mặt ruộng cho các chủ lò gạch.    

Chuyện các chủ lò gạch mua lớp đất mặt rồi cho máy vào “cạp đất” ruộng của nông dân đã “nóng” lên trong vài tháng qua. Tại H.Châu Thành (Trà Vinh), các chủ lò gạch mua đất mặt với giá phổ biến từ 10-14 triệu đồng/1.000 m2, với lời hứa chỉ lấy phần đất sét ở dưới, sau đó cào lớp đất mặt trả lại. Tuy nhiên, nhiều nông dân phải “bật ngửa” khi họ cho máy “cạp”  sâu đến 0,5 m. Do bị cạp lấy đất quá sâu, nên dẫn đến hệ lụy là nước ngập sâu không thể gieo sạ được. Những hộ chịu khó bơm tát nước để gieo sạ thì đến khi lúa chín, mặt ruộng giống như  “ruộng bậc thang” ở vùng cao, máy móc phải… chào thua. Những người có ruộng nằm gần “ruộng bậc thang” này cũng than phiền vì khi bơm tưới, nước chảy dồn hết vào ruộng sâu. Mặt khác, đến khi lúa chín,  máy gặt đập liên hợp rất khó “bơi” qua ruộng sâu để vào thu hoạch. Sự việc bức xúc đến mức hàng chục hộ nông dân nơi đây phải đâm đơn khiếu nại để cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn tình trạng bán đất mặt ruộng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo địa phương, sau khi bị xử lý nghiêm,  các chủ lò gạch đã chuyển qua “cạp đất” vào ban đêm để “né”, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý. 

Tương tự tại An Giang, tình trạng “cạp đất ruộng” cũng diễn ra tràn lan,  gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, tác động xấu đến quá trình sản xuất nông nghiệp của cả khu vực. Theo Sở TN-MT tỉnh An Giang, hiện tỉnh này có trên 1.500 lò gạch nung, mỗi năm sản xuất khoảng 1 tỉ viên gạch phục vụ nhu cầu xây dựng. Để có lượng gạch đó, mỗi năm cả tỉnh mất khoảng 15 triệu m3 đất và nguồn đất cung ứng chủ yếu là từ đất mặt ruộng. Nhiều nông dân bị sức hút từ mức giá 25 - 30 triệu đồng/1.000 m2 mà các chủ lò gạch đưa ra, nên chấp nhận bỏ vụ sản xuất lúa đông xuân để ruộng mặc sức “bị cạp”!

Có một điều không bình thường là mặc dù một số địa phương đã có chỉ thị, văn bản cấm khai thác đất mặt từ lâu, nhưng việc “cạp đất” vẫn diễn ra rầm rộ hằng ngày mà   không bị xử lý. Chính vì sự buông lỏng quản lý như vậy nên mặt đất ruộng ở ĐBSCL vẫn tiếp tục bị “cạp” để cho vào lò gạch và biến thành “ruộng bậc thang”, trông rất chướng mắt.

Rất mong chính quyền các địa phương sớm đưa ra những biện pháp hữu hiệu hơn để dẹp bỏ vấn nạn này.

Cao Phong

>> Làm giàu từ 2,5 công đất ruộng
>> Đường đầy đá và đường như ruộng
>> Mua sắm máy nông nghiệp ở khu vực ruộng bậc thang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.