Những mẹ 'siêu nhân' tự tay trồng vườn rau củ quả, ăn hoài không hết

09/11/2021 07:15 GMT+7

Công việc, bếp núc đến phải lo cho con cái nhưng nhiều bà mẹ này vẫn tự tay trồng được khu vườn đầy ắp rau củ quả tại gia, ăn hoài không hết.

Thức đến 1, 2 giờ sáng để làm vườn rau củ quả, ăn hoài không hết

Có con trai 20 tháng tuổi và phải tất bật với công việc đến chuyện bếp núc cho gia đình, nhưng bà mẹ 9x Hoàng Ngọc Ánh, 29 tuổi, sống và làm thiết kế nội thất tự do tại Hà Nội, cũng đã tự tay tạo khu vườn đầy rau xanh như: rau muống, cải cúc, cải canh, cải lá mơ, cải bó xôi… ngay tại chung cư mình ở.

Khu vườn thủy canh đầy ắp rau của chị Ánh

nvcc

Theo đó, bắt đầu từ tháng 9, tranh thủ thời gian nghỉ dịch, chị Ánh tự lên kế hoạch và lên mạng học cách trồng rau theo phương pháp thủy canh. Đặc biệt, chị tận dụng các can, chai nhựa, thùng xốp để chứa giá thể với mục đích bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí. “Chung cư tôi không có nhiều không gian nên cách trồng như thế giúp nhà khá thông thoáng và không ảnh hưởng đến việc di chuyển”, chị nói.

Chia sẻ về cách trồng, chịu Ánh cho hay thùng xốp được vệ sinh kỹ càng trước khi trồng cây. Phần nắp thì đục lỗ để đựng cốc nhựa. Bên trong thùng chị bọc lớp túi ni lông để tránh làm rò rỉ dung dịch dinh dưỡng và giảm tình trạng rêu bám.

Chị Ánh tận dụng thùng xốp để trồng rau thủy canh

nvcc

Bà mẹ 9x nói: “Tôi cho xơ dừa vào 2/3 cốc rồi gieo lớp hạt giống đã ngâm, phủ lên lớp xơ dừa mỏng. Lượng nước thì để khoảng 1/3 cốc. Vài ngày sau, khi rễ mọc xuống phần nước, thì bắt đầu châm dung dịch thủy canh theo tỉ lệ phù hợp. Tôi không cần tưới nước nhiều mà thi thoảng thăm nước nếu thấy cạn thì bổ sung thêm".

Sắp xếp chai có logic và cố định bằng dây rút, đồng hoặc thép

nvc

Rau phát triển tươi tốt

nvcc

Với cách trồng trong chai, nhựa, chị Ánh sử dụng loại có dung tích 5l, 6l. Bà mẹ 9x sẽ cắt rời thành 2 phần: thành can và cổ can. Vì dịch không đi mua dụng cụ được, buộc chị phải làm thủ công bằng cách dùng vật sắt nhọn rồi hơ lửa để đục lỗ.

Tiếp đến, chị đặt giá thể vào phần cổ can rồi úp ngược vào thành can. Chị đổ lượng nước sao cho nước ngập cổ can, giúp cho phần giá thể dễ dàng hút ẩm. "Tôi bọc tấm cách nhiệt tráng bạc xung quanh chậu, giúp giữ nhiệt độ của nước, tránh rêu bám và ăn chất dinh dưỡng của rau", chị cho hay.

Là nơi để gia đình chị Ánh giảm "stress"

nvcc

Chị Ánh tâm sự: “Tôi tranh thủ đục từng can vào thời gian rảnh, thường vào tối muộn khi con đi ngủ. Có hôm thức đến 1, 2 giờ để đục treo can. Tuy nhiên, tôi thấy không có gì vất vả khi trồng rau tại nhà. Với tôi, đó là một niềm vui, góc xả "stress" rất tốt. Đến thời điểm hiện tại, gia đình tôi ngày nào cũng có rau sạch để dùng”.

Nhiều lúc muốn bỏ cuộc

Sau hơn 2 năm trồng trọt trên sân thượng 50 m2 tại gia, chị Lồng Mỹ Liên (thế hệ 7x), sống ở TP. Biên Hòa, Đồng Nai, cũng có được vườn nông sản đầy ắp rau củ quả đủ loại, có ăn liên tục mỗi ngày. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, ngoài việc chăm lo cho có ba đứa con gái, bếp núc, đến phải đi làm kiếm tiền, chị Liên đã một mình cật lực làm mới có được những thành quả như ngày hôm nay.

Khu vườn rau hiện tại của chị Liên

nvcc

Chị Liên chia sẻ năm 2018, chị có cảm hứng trồng trọt nhờ thấy được một chiếc vườn xinh xắn thông qua mạng xã hội. Thế là, chị bắt đầu rục rịch đi mua các vật dụng, nguyên liệu với quyết tâm biến sân thượng thành vườn nông sản trĩu quả.

Chị Liên kể lại: “Thời gian đầu tôi như một “siêu nhân” khi phải đi làm. Về đến nhà vừa trồng trọt, vừa chăm con, đến lo toan chuyện nhà cửa. Khi ấy, ông xã không ủng hộ tôi trồng rau vì sợ mình vất vả sớm hôm. Nhưng tôi luôn tự nhủ phải cố gắng hết sức, người ta làm được thì mình cũng vậy”.

Khu vườn chị Liên chia làm hai khu: Trồng rau và củ, quả...

nvcc

Tận dụng thùng, khây nhựa để trồng trọt

nvcc

Chị Liên cho hay: "Hồi đó, tôi cứ nghĩ trồng rau giản đơn lắm chỉ cần thùng xốp, đất, phân bón là được. Nên tôi mới đi xin vài thùng xốp và mua đất trộn sẵn về trồng thử nhưng do không có kinh nghiệm nên nông sản không phát triển, hoặc có lên thì cũng èo uột. Vất vả nhất là kiêng đất lên tầng 3, nhưng "kiến tha lâu đầy tổ" nên tôi luôn tranh thủ mỗi ngày "tha" 1 tí lên. Tôi cũng có ý định bỏ cuộc mấy lần vì không đủ thời gian và cây thì hay bị bệnh".

Nản là thế, nhưng chị luôn nghĩ: "Nhưng vì đam mê và mong muốn có nguồn rau sạch cho gia đình nên tôi đã không nản chí. Tôi bắt đầu lên mạng tìm hiểu và tham gia vào các hội nhóm trồng cây sân thượng, sau vài tháng tìm hiểu và học hỏi các anh, chị trên đó tôi rút kinh nghiệm dần dần cuối cùng cũng có 1 chút thành quả”.

Qua nhiều lần thất bại, 3-4 tháng sau chị đã có chút rau sạch để dùng. Tuy nhiên, do trồng ít nên thu hoạch không đủ ăn, thế là chị Liên đi mua thêm thùng xốp, khay nhựa, đất, phân bón, hạt giống trồng cho đa dạng hơn để thay đổi thực đơn mỗi ngày.

Rau đa dạng và phát triển tươi tốt

nvcc

Ổi say trái

nvcc

“Trồng rau ban đầu chủ yếu để gia đình có nguồn thực phẩm sạch, nhưng sau đó vì đam mê nên giờ trồng mỗi lúc mỗi nhiều. Cuối cùng tôi cũng có được 1 khu vườn rau nho nhỏ xinh xinh đủ cung cấp cho cả nhà dùng mỗi ngày. Vì thấy tôi đam mê quá nên ông xã cùng dần dần ủng hộ, hàng ngày giúp thu hoạch và tưới cây”, chị hào hứng nói.

Chị Liên tâm sự: “Mình thích nhất là ngắm cây phát triển mỗi ngày từ lúc ươm hạt đến lúc ra hoa đậu quả và hạnh phúc nhất là tự tay mình trồng, thu hoạch và chế biến những món ăn ngon cho gia đình và hơn nữa là leo sân thượng mỗi ngày cũng là một cách tập thể dục”.

Chị Liên và con gái của mình

nvcc

Chị Liên cho hay về giá thể, trước khi gieo hạt, chị tiến hành trộn đất với phân gà, phân dơi, phân trùn quế và trichoderma, tưới ẩm vài ngày. Đến giai đoạn cây con thì bổ sung thêm đất với ruột cá, bã đậu nành, vỏ trứng, vỏ chuối, lá cây già và ít trichoderma rồi lại phủ một lớp đất dày lên. Ủ khoảng một tháng thì có thể đem hỗn hợp đất đi trồng các loại cây ăn trái hoặc giống thân leo.

Chị Liên thu hoạch rau củ quả liên tục

nvcc

"Sau mỗi đợt thu hoạch vườn rau củ quả, ăn hoài không hết, tôi thường trộn đất với một ít vôi rồi phơi thật khô. Trước khi trồng thì cho đất vào thùng, cứ một lớp đất lại đến một lớp rác nhà bếp, rắc thêm ít trichoderma rồi ủ tầm một tháng là có thể lấy ra sử dụng”, chị nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.