Những mối tình Việt - Nhật - Kỳ 3: Khúc ca đợi chồng
03/03/2017 06:15 GMT+7
“Ngồi buồn em trông xa xa. Mong ngóng anh về cùng em. Một mình em đây cô đơn. Mong sao ngày mai có tin anh về…”.
Tự động phát
Bà Nguyễn Thị Xuân (94 tuổi, đang sinh sống ở thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, H.Đông Anh, Hà Nội) đã hát bài hát tiếng Nhật đó (dịch ra lời Việt như trên) trong suốt 52 năm, chờ đợi tin chồng.
|
"Tôi đi lần này, ít nhất 5 tháng..."
Tuổi cao, sức yếu, phải thường xuyên thở khí dung, tiếng Nhật câu nhớ câu quên, nhưng bài hát “Đợi chồng”, bà Xuân không quên một từ nào. Lấy ông Shimizu Yoshiharu, tên Việt Nam là Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1919, từng sinh sống ở tỉnh Toyama, Nhật Bản) từ năm 1945, cô gái Hải Phòng từng làm cho một nhà hàng đồ Nhật tại thành phố cảng đã theo chồng đi khắp các tỉnh Hải Dương, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Thanh Hóa... tùy vào nhiệm vụ của chồng được Việt Minh giao phó. Tuy nhiên, điều nghiệt ngã là cho đến ngày chồng về lại Nhật Bản, bà không hay biết, chỉ nghĩ rằng chồng đi công tác.
Bà Nguyễn Thị Xuân xúc động: “Từ năm 1946 tới 1954, ông Đức tham gia công tác huấn luyện trong quân đội Việt Minh tại nhiều địa phương, đi tới đâu, mẹ con tôi đi theo tới đó. Ông Đức hiền lành lắm, không bao giờ uống rượu. Ông tinh tế, quán xuyến hết mọi việc trong nhà, không bao giờ khiến tôi buồn lòng”.
|
Năm 1954, vợ chồng bà Xuân đang ở Thanh Hóa, họ đang có 2 người con, Nguyễn Thị Phương, 7 tuổi; Nguyễn Văn Phi 3 tuổi và một em bé đang trong bụng. Nhiều ngày liên tiếp, bà Xuân thấy chồng mình rất buồn, không thiết ăn uống, nói chuyện, trong khi bình thường ông luôn vui vẻ. Và rồi, ông đưa cả nhà đi chụp một tấm ảnh gia đình rồi khẽ bảo vợ: “Tôi đi lần này ít là 5 tháng, nếu lâu hơn thì Xuân tự lo. Xuân nhớ, đừng bao giờ để các con thất học”, bà Xuân chỉ nghĩ chồng đi công tác và không suy nghĩ.
Một trưa tháng 9.1954, ông chia tay bà và xách ba lô, đi về hướng thị xã Thanh Hóa và rồi sau đó ông không trở lại. Bà Xuân đợi mãi, 5 tháng, 5 năm, rồi 10 năm. Nước mắt cạn khô. Bà lấy ngày ông đi làm ngày giỗ để cúng cơm. Ngày nào bà cũng thơ thẩn ngồi hát khúc ca Nhật buồn thảm: “Ngồi buồn em trông xa xa. Mong ngóng anh về cùng em. Một mình em đây cô đơn. Mong sao ngày mai có tin anh về...”.
|
“Tôi chỉ có thương”
Ông Đức về lại Nhật và bặt vô âm tín. Sợi dây liên lạc với người vợ Việt Nam chỉ nối lại vào khoảng những năm 1996, 1997, nhờ những gia đình người quen tìm kiếm giúp tại Nhật Bản. Đài truyền hình NHK của Nhật sau đó đã về Việt Nam làm một bộ phim về bà Xuân. Sau giờ phát sóng, biết địa chỉ của vợ, ông Đức nghẹn ngào viết những dòng thư đầu tiên: “Tôi sẽ sang thăm Xuân. Xuân mặc áo dài ra đón tôi nhé”.
Năm 2006, lần đầu tiên ông Đức trở lại Việt Nam, đi cùng là một người vợ Nhật Bản. Bà Xuân và 3 con, Phương, Phi, Bình ra sân bay Nội Bài đón bố. Xa xa, nhìn thấy chồng đang ngồi trên xe lăn, các con đã òa khóc nức nở. Bà Xuân im lặng. “Tôi không còn nước mắt để khóc nữa rồi”, bà nói.
|
Ông Đức ở lại Việt Nam 5 ngày, họ cùng nhau đi thăm Lăng Bác, đền Ngọc Sơn và nhiều nơi khác ở Hà Nội. Ông Đức cầm tay bà Xuân và nói: “Tôi mừng vì Xuân khỏe. Tôi có lỗi với Xuân, với các con!”.
|
Sau lần gặp ngắn ngủi 5 ngày ấy, ông Đức về lại Nhật và qua đời sau đó 5 năm. Bà Xuân chưa hề hay biết tin đó, bà vẫn luôn tin rằng chồng mình đang còn sống, chỉ là sức khỏe ngày càng yếu, ông không thể chủ động đi lại cũng như vệ sinh cá nhân... Lá thư gần đây nhất ông viết cho vợ cách đây đã 12 năm, được bà Xuân dịch ra tiếng Việt để bên đầu giường: “Em ơi, anh không nói chuyện dài được với em vì anh đang bị ốm. Anh muốn gửi lời thành thật cảm ơn và xin lỗi cho em. Anh làm phiền em, làm em gặp nhiều khó khăn. Anh thành thật cảm ơn và cảm phục em đã nuôi 3 con thành người, xây dựng gia đình thành công tốt đẹp...”.
Mỗi ngày của bà Xuân trôi đi bình yên trong một căn nhà nhỏ, cách cây cầu hợp tác Việt Nam - Nhật Bản có tên Nhật Tân không xa. Người phụ nữ trải qua bao thăng trầm, khốn khó của đời người bảo chẳng bao giờ oán trách chồng mình. “Tôi chỉ có thương. Đàn ông thì phải tìm cho mình một bờ vai để chăm sóc. Ông ấy từng nói, tôi và các con có nguyện vọng gì cứ nói để ông giúp đỡ, nhưng chúng tôi không có mong muốn gì hơn. Ông bệnh tật nhưng đã vượt 4.000 km về Việt Nam gặp lại tôi là hơn cả trong mơ. Giờ tôi có ra đi cũng thấy lòng thanh thản...”, bà Xuân trải lòng.
Bình luận (0)