Những món quà trao giữa đêm khuya

04/07/2021 07:00 GMT+7

Hầu hết là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn , nhưng 2 năm qua, các bạn trẻ nhóm Thiện Nhân vẫn duy trì công việc nấu tặng những phần ăn ý nghĩa cho người khó khăn, cơ nhỡ ở Cần Thơ.

Ngoài giờ học, mỗi thành viên một việc làm thêm. Nhưng tối thứ sáu hằng tuần, tất cả cùng tập hợp tại căn nhà trọ của Nguyễn Thị Hồng Oanh (21 tuổi, sinh viên năm 3, ngành dược, Trường ĐH Nam Cần Thơ) - vốn là người khởi xướng ý tưởng, để nấu và đi trao những phần ăn cho người lang thang, cơ nhỡ, công nhân quét rác, thu lượm ve chai, bán hàng rong đêm...

Ân cần gửi tặng người vô gia cư trên lề cầu

Ảnh: Thanh Duy

Bỏ ống heo để giúp người nghèo

Chị Oanh kể, có lần chứng kiến một bé trai bộ dạng lem luốc, quần áo sờn rách bước vào quán cà phê. Cậu bé đứng khép nép ở dãy bàn vắng người, mắt nhìn đăm đăm về hướng những thanh niên đang dùng bữa sáng. Khi họ rời đi, bé tức tốc chạy đến dùng lại phần thức ăn thừa khiến chị Oanh vô cùng xúc động. Từ đó, chị phát tâm nấu những phần cháo chia sẻ với người có hoàn cảnh khó khăn.
Thực tế, khi thực hiện ý tưởng này, chị Oanh gặp nhiều khó khăn. Quê ở Bình Phước, cha mất sớm, cả gia đình chật vật tìm kế sinh nhai. Theo đuổi ước mơ đại học không phải là dễ dàng bởi chị Oanh phải tự lực tất cả chi phí học tập, sinh hoạt. Ngoài giờ học, chị làm phục vụ tại một quán cà phê. Cuộc sống cần nhiều khoản chi nhưng chị quyết tâm trích ra 20.000 - 30.000 đồng để bỏ ống heo, cuối tuần nấu những phần ăn nghĩa tình giúp đỡ người khốn khó.
Bếp ăn yêu thương của cô sinh viên nghèo thắp lên trong căn trọ nhỏ, bằng loại bếp gas mini. Buổi đầu nhập cuộc, số tiền ít ỏi trong túi chỉ giúp chị Oanh nấu được phần cháo chay, chừng 15 - 20 suất. Cố gắng duy trì hoạt động đều đặn vào tối thứ sáu hằng tuần, việc nhỏ thầm lặng của chị dần được mọi người biết. Đến nay, nhóm Thiện Nhân đã có hơn 23 thành viên, đa phần là sinh viên vượt khó học tập, người chạy xe ôm công nghệ, giao hàng tiết kiệm, phục vụ căn tin trường, quán cà phê, quán nhậu, chạy tiệc cưới, phụ bán shop quần áo...
Hằng tuần, chị Oanh thông báo món ăn mà nhóm sẽ nấu để mọi người cùng đóng góp. Trong khả năng, mọi thành viên chỉ có thể ủng hộ tầm 10.000 - 20.000 đồng, cao nhất là 30.000 đồng hoặc có bạn chỉ góp công. Nhưng sự chung tay của nhiều người đã giúp số lượng phần ăn tăng đáng kể, từ 70 - 100 suất.
“Nhóm hoạt động với suy nghĩ “của ít lòng nhiều”. Điều mà nhóm tự tin có nhiều nhất là lòng yêu thương, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ sẽ truyền đi năng lượng tích cực, niềm lạc quan và hạnh phúc đến mọi người xung quanh”, chị Oanh trải lòng.
Những món quà  trao giữa đêm khuya

Nguyễn Thị Hồng Oanh (trái) gói quà trước khi đi phát

Món quà của trái tim

Những phần ăn được các bạn trẻ đặt vào đó rất nhiều tình cảm. Người được giúp đỡ phần lớn đã nhiều tuổi nên các thành viên luôn kỹ lưỡng lựa chọn loại nguyên liệu thật tốt cho sức khỏe người nhận. Có những suất nấu riêng cho thật mềm và nhuyễn để các cụ cao tuổi dùng được. Món ăn “xoay vòng” phong phú, từ cháo, nui, mì đến súp để người ăn không thấy ngán. Đồ chay hay mặn cũng luôn được chú ý vào các ngày rằm, dịp lễ.

Mời bạn đọc gửi bài tham gia cuộc thi viết Sống đẹp do Báo Thanh Niên tổ chức
với tổng giải thưởng 260 triệu đồng

Câu chuyện phản ánh trong bài dự thi phải là người thật, việc thật. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng để cho cuộc sống ngày một tốt hơn, góp phần lan tỏa những câu chuyện đầy tính nhân văn (nhận bài từ ngày 26.3 đến hết 31.7.2021).
Thể loại: ký sự, phóng sự hoặc ghi chép.
Giải thưởng dành cho tác giả có bài viết dự thi:
1 giải nhất: 30.000.000 đồng.
2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng.
3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng.
5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.
5 nhân vật được vinh danh do Ban tổ chức và bạn đọc bình chọn: 30.000.000 đồng/trường hợp.
Bài dự thi gửi qua địa chỉ email chương trình:  [email protected], Hoặc bằng thư qua đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên
: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi viết Sống đẹp).
Độc giả có thể xem thể lệ chi tiết tại địa chỉ: bit.ly/cuocthivietsongdep
Khoảng 21 giờ 45, mọi người di chuyển đến công viên Lưu Hữu Phước (Q.Ninh Kiều) để hội tụ những bạn đăng ký đi phát. Sau đó, các thành viên chia ra 2 - 3 nhóm nhỏ men theo các tuyến đường chính: 3 Tháng 2, 30 Tháng 4, Mậu Thân, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Việt Hồng, Lý Tự Trọng. Lộ trình được sắp xếp nối mạch nhau để đảm bảo việc trao quà không bị sót.
22 giờ 15, đồng hồ điểm “khung giờ vàng”, các nhóm bắt đầu đi trao. Theo kinh nghiệm của nhóm, lúc này nhiều cửa hàng bắt đầu đóng cửa, đường phố cũng vắng hơn. Nhiều người lang thang tìm nơi trú thân, người lao động nghèo cũng xuống đường làm việc nên có thể phát được nhiều.
4 người trên 2 chiếc xe máy đi trên đường 3 Tháng 2, nhóm của chị Oanh chạy chậm vì thường lệ có thể gặp nhiều người cơ nhỡ, lao động nghèo đang kiếm sống hoặc ngủ ngoài mái hiên. Rồi cả nhóm dừng lại, gửi phần cháo cho bà cụ nhặt ve chai. Cụ bà vác cái bao nhẹ tênh, đang lủi thủi nhặt nhạnh những thứ bà cần trong bao rác trên vỉa hè. Với những người đang nằm ngủ, nhóm đặt phần thức ăn bên cạnh rồi nhẹ nhàng quay ra. Cụ bà Bảy Mận (65 tuổi, Q.Ninh Kiều, thu nhặt ve chai) nhóm gặp trên đường 30 Tháng 4, xúc động nhận lấy phần ăn và nói: “Bà còn nửa ổ bánh mì nên cần một ít cháo là đủ no, ấm bụng rồi. Các con dành phần nhiều cho người khác cần hơn”. Buổi phát quà kết thúc hơn 23 giờ, toàn bộ suất ăn đã trao đi hết.
Theo chị Oanh, mong muốn của nhóm là công việc này sẽ ngày càng lan tỏa. Thực tế, nhóm cũng đã từng tặng gạo, mì gói, gia vị, chăn đắp cho những mảnh đời kém may mắn vào dịp trung thu, tết. Số tiền quyên góp lớn nhất của nhóm là hơn 7 triệu, tuy không quá nhiều nhưng với sức của sinh viên nghèo, nhóm phải tích lũy khá lâu mới thực hiện được những hoạt động như vậy.
Tháng 6, Cần Thơ có những cơn mưa nặng hạt, rỉ rả suốt đêm. Nhiều người vô gia cư lấy bìa giấy quây lại để chắn gió che mưa, nằm co ro trong chiếc chăn mỏng; người lao động nghèo ngồi thu mình trong một góc nhỏ, chờ mưa tạnh để tiếp tục công việc thường nhật. Những phần ăn nóng mà nhóm Thiện Nhân trao tặng phả vào đêm lạnh hơi ấm áp của tình người, của lòng yêu thương! 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.