Lên xã vùng cao A Vao (H. Đakrông, Quảng Trị), dân bản không tiếc lời khen những nàng dâu đảm đang, hay làm dù họ vốn không thuộc về chốn núi rừng.
Ở cái xã heo hút giáp với biên giới nước bạn Lào này, người ta vẫn nhắc đến vợ chồng ông Hồ Nọc (85 tuổi) và bà Đinh Thị Thư (65 tuổi) là cặp đôi “người xuôi - người thượng” cao niên nhất. Bà Thư vốn là người con của huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam Ninh (cũ), từ bé chưa hề đặt chân đến mảnh đất Quảng Trị… Ngồi bên bếp lửa bập bùng đặt ngay giữa gian nhà sàn dựng đơn sơ bên suối, ông Hồ Nọc dù mắt mũi đã kèm nhèm vẫn kể mồn một: “Bố đi bộ đội rồi tập kết ra Bắc, gặp một cô gái Kinh (bà Thư sau này) trắng trẻo, nết na nên cầm lòng không đặng. May mà khi bố nói “cử ing mày” (anh yêu em), cô gái ấy cũng gật đầu, đồng ý… Đến sau năm 1975, hai vợ chồng bố trở về quê cũ, phát rẫy trồng ngô trồng sắn. Cực lắm nhưng hạnh phúc, con ạ”.
“Quê mẹ đã nghèo rồi mà quê bố còn nghèo hơn gấp trăm lần. Những ngày đầu tiên lên đây phải ngủ nhà sàn, tắm suối, đi lại giữa rừng mẹ sợ phát khiếp, tưởng có lúc bỏ chồng bỏ con mà ra Bắc lại… Nhưng mẹ đã không làm vậy vì dần hiểu ra rằng ở đây, người dân mộc mạc, không bon chen và rừng cũng không để cho mọi người phải chết đói”- bà Thư nói.
Ký ức về những năm tháng cơm độn sắn khoai, mệt nhoài trên nương rẫy khô cằn, những khác biệt về lối sống, ngôn ngữ như vẫn còn vẹn nguyên trong tiềm thức của cặp vợ chồng này. Nhưng giờ đây vui vầy bên 4 người con, 5 người cháu, nếu được làm lại bà Thư ắt cũng sẽ không thay đổi.
Nàng dâu nổi tiếng đảm đang không kém ở A Vao là chị Trần Thị Xuân (36 tuổi, quê ở H. Quảng Xương, Thanh Hóa), vợ của anh Hồ Văn Thư (37 tuổi). Chúng tôi gặp chị bên bờ suối khi người con gái xứ Thanh đang miệt mài giặt giũ mớ quần áo sau buổi đi rẫy cùng chồng.
|
Chị kể cách đây tròn 10 năm, chị cùng người bà con lên chốn này để mưu sinh bằng nghề buôn bán mớ rau, con cá từ thị trấn Krông Klang vào. Ngày trở về quê, người họ hàng ấy đi một mình vì chị đã trót phải lòng một người con của núi, cả hai đã trao lời thề hẹn trước sự chứng kiến của thần núi linh thiêng. “Chồng mình thật thà, ít nói mà siêng làm chứ không như nhiều người con trai ở xuôi chỉ dẻo miệng. Dù biết lấy anh sẽ khổ nhưng mình chấp nhận và tập làm quen dần với mọi tập tục, cứ như bắt đầu một cuộc sống mới vậy…”- Chị Xuân thổ lộ.
Không riêng bà Thư, chị Xuân mà còn nhiều nàng dâu khác luôn được dân bản trầm trồ, ấy là chị Đoàn Thị San (32 tuổi, quê Nghệ An, vợ của anh Côn Yên ở bản Tân Đi 3), chị Nguyễn Thị Hơn (40 tuổi, quê Nam Định, vợ của anh Côn Deo ở bản Ro Ró 1), chị Hoàng Thị Mao (37 tuổi, vợ của anh Am Dũ thôn Ró Ró 2)… Thậm chí, có nàng dâu còn biết học tập, vươn lên để không chỉ vun vén cho gia đình mà con lo việc xã hội như chị Đoàn Thị Duyên (35 tuổi, quê Thanh Hóa), cán bộ UBND xã A Vao, vợ anh Hồ Văn Nghiệp).
Có lẽ vì thế mà ông Hồ Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã A Vao, phấn khởi nói rằng: “Trước đây, khi trai gái hai miền xuôi ngược yêu và lấy nhau đã gặp không ít định kiến, nhưng chính họ là những người đi tiên phong và vượt qua tất cả những rào cản về văn hóa đó. Điều đặc biệt là ở những gia đình này, ít khi nghe tiếng cãi cọ, chưa hề có chuyện hai người đi hai ngả khi cơm không lành, canh không ngọt...”.
Cứ thế, tình yêu của họ nở hoa và những đứa trẻ mang hai dòng máu Kinh - Pa Kô được ra đời, lớn lên và lại tiếp tục bám trụ nơi mảnh đất này.
Nguyễn Phúc
Bình luận (0)