Những nàng dâu Việt đón Tết ở nước ngoài: Làm bánh chưng, hành muối và nỗi nhớ gia đình

29/01/2023 20:33 GMT+7

Dù không về Việt Nam đón tết cùng gia đình nhưng nhiều nàng dâu Việt vẫn luôn nhớ về không khí ở quê nhà. Họ cũng tự tay chuẩn bị các món ăn truyền thống, trang trí nhà cửa như… đem Tết Nguyên đán ra nước ngoài.

Vẫn đầy đủ tinh thần Tết Việt

Chị Hoàng Thị Chúc Lan (32 tuổi, quê Bình Thuận) và chồng là anh Fukui Akitaka (quốc tịch Nhật Bản). Anh hiện là công chức nhà nước, chị làm nội trợ toàn thời gian. Cả hai đang sống và làm việc tại Nhật Bản.

Mâm cơm ngày tết đậm không khí Việt Nam ở Nhật Bản do chị Lan thực hiện

nvcc

Chị Lan chia sẻ, năm nay chị về Việt Nam chơi vào dịp Noel nên Tết Nguyên đán sẽ về lại Nhật Bản. Tuy nhiên, chị vẫn đem không khí tết qua Nhật Bản vì ở đây cũng là nhà.

Chị vẫn giữ các phong tục tết cổ truyền như chúc tết, trao tiền lì xì, ăn cơm giao thừa và 3 mùng đầy đủ. Chị mua thêm hạt dưa, mứt dừa, dưa hấu,… Trong bữa cơm, chị mở nhạc xuân, các video trình diễn áo dài và trò chơi dân gian. Từ đó, mâm cơm ngày tết có nhiều chủ đề hơn, không khí càng trở nên đầm ấm.

Chồng chị Lan phụ vợ dọn nhà vào dịp tết

nvcc

“Chồng tôi không thắc mắc các phong tục Tết Việt vì có vẻ mọi thứ quá mới lạ. Ngược lại, anh tiếp nhận từng sự khác biệt đó. Tôi cũng bày ra, hướng dẫn và giải thích mọi thứ với anh. Nhìn tôi làm, anh cũng nhớ tết ở Nhật Bản ngày xưa. Mọi người thăm hỏi, chúc tết, ăn uống cùng nhau nhưng giờ không còn đầm ấm như vậy nữa. Anh bảo may có vợ Việt Nam nên anh như được sống lại những ngày trước”, chị chia sẻ.

Chị Lan và anh Fukui Akitaka nên duyên vợ chồng cách đây 4 năm

nvcc

Mâm cơm ngày tết chị Lan thường nấu các món truyền thống như: dưa món, bánh chưng, nem chả,… Trong khi làm, chị chỉ cho anh phát âm đúng tên món bằng tiếng Việt. Anh Fukui Akitaka thích thú học theo.

Chị làm các món truyền thống như bánh chưng, dưa món

nvcc

“Tôi gọi cho anh chúc tết với mọi người trong gia đình, anh nói đến đâu tôi dịch đến đấy. Anh cũng gửi những bao lì xì cho các cháu. Nói chung dù ăn tết xa nhưng vẫn có tinh thần như ở Việt Nam. Thấy tôi trang trí tết ở Nhật Bản, gia đình ở quê rất vui. Họ động viên, khen ngợi để tôi duy trì điều tốt đẹp này mãi để con cái tiếp nhận văn hóa Việt Nam từ mẹ” chị Lan bộc bạch.

Mẹt tre được chị đính hoa mai, chữ Tết, chùm hành tỏi, bánh tét, bánh chưng,...

nvcc

Hoa mai được chị Lan trang trí ở nhà

nvcc

Chị Lan nhớ nhất những ngày còn nhỏ được theo mẹ và bà ngoại vào ăn tết ở Sài Gòn. Trong đôi mắt của đứa trẻ học tiểu học, Sài Gòn những ngày rục rịch Tết rất đông vui và đầy màu sắc.

“Thời đó xích lô còn được sử dụng là phương tiện vận chuyển đưa đón khách. Ngồi trên xích lô từ bến xe vào nhà ngoại, đâu đâu cũng đỏ vàng, cây xum xuê trái, những gian hàng trưng bày bánh trái sầm uất. Những ngày tết ở Sài Gòn, tôi được thăm các dì, các anh chị em họ mà vài năm mới gặp được một lần. Đó là những khoảnh khắc tết tôi không thể quên được”, chị bộc bạch.

Chị tự làm cuốn lịch để trang trí

nvcc

Mong con cái biết đến Tết Nguyên Đán ở quê nhà

Chị Bùi Thị Hạnh Tuyết (37 tuổi, quê ở TP Thủ Đức, TP.HCM) có chồng là anh Sebastian Robert Sundaram (38 tuổi, quốc tịch Ấn Độ). Để nên duyên vợ chồng anh chị phải đối mặt nhiều khó khăn nhưng với sự kiên định, chân thành họ đã có mái ấm gia đình yên bình với bé gái 7 tuổi.

Chị Tuyết luôn nhớ không khí tết ở Việt Nam

nvcc

Chị Tuyết cho biết, người Ấn Độ thường đón lễ Noel và Tết Dương lịch. Vì dịch Covid-19 nên 2 năm gần đây, chị không về Việt Nam đón tết cùng gia đình. Năm nay, chị cũng ở lại Ấn Độ vì vợ chồng mới mua nhà nên phải dành tiền trả dần.

Dù ở Ấn Độ nhưng chị cũng chuẩn bị bánh trái, trang trí nhà cửa cho có không khí. Sáng mùng 1, chị thường gọi điện về chúc tết người thân. Nhìn mọi người quây quần bên nhau chị không khỏi xúc động.

Gia đình chị Tuyết mở tiệm bánh ở Ấn Độ

nvcc

“Tết Nguyên đán đang đến gần tôi sẽ làm bánh tét, hành muối, mua lạp xưởng và các món mứt,.. Tôi vừa làm vừa nhắc nhở con xem đó là cách giữ gìn các phong tục truyền thống quê hương”, chị nói.

Chị cũng mua thêm các bao lì xì màu đỏ. Anh Sebastian Robert Sundaram băn khoăn về bao lì xì, chị nhiệt tình giải đáp. Sáng mùng 1 Tết, chị nhắc anh bỏ tiền mới vào bao lì xì để trao cho con. Chị nói với anh đây là tiền mừng tuổi, vợ chồng anh cầu sự may mắn, mạnh khỏe, học giỏi cho con vào năm mới.

“Chồng tôi chưa lần nào ăn tết ở Việt Nam nhưng chỉ anh gói bánh tét anh sẽ làm. Tôi cũng bày biện, trang trí nhà cửa cho có không khí và gọi về hỏi thăm ba mẹ cho đỡ buồn. Tôi luôn nhớ những cái tết ở Việt Nam, chở mẹ đi mua sắm, chụp hình ở đường hoa Nguyễn Huệ, không khí rất hào hứng”, chị nhớ lại.

Không khí Tết Việt có khắp mọi nơi

nvcc

Dù trang trí, chuẩn bị đón tết giống ở Việt Nam nhưng nước mắt chị không ngừng rơi khi nói chuyện với ba mẹ vào ngày 30 Tết. Chị cảm thấy có gì đó tiếc nuối vì không được ở cùng gia đình, người thân trong những ngày này. Tuy nhiên, chị cũng tự động viên, an ủi bản thân cùng gia đình chồng đón Tết ở nơi xa.

Vợ chồng chị mở tiệm bánh Việt ở Chennai (Ấn Độ) cách đây không lâu. Dịp tết chị sẽ trang hoàng ngoài tiệm bánh để người bản địa biết đến văn hóa nước mình, mua hoa về cắm đón một năm mới ấm cúng, mong bình an, hạnh phúc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.