Theo CNN, dầu mỏ chiếm phần lớn trong số hàng xuất khẩu của hai quốc gia trên. Họ đã và đang chịu tác động mạnh từ giá cả lao dốc. Giá dầu hiện khoảng 46 USD/thùng, phục hồi từ mức thấp chỉ hơn 26 USD/thùng vào tháng 2 song vẫn còn cách xa mức giá mà hai nhà sản xuất này được hưởng cách đây hai năm.
GDP quý 2/2016 của Nigeria giảm hơn 2% so với năm ngoái sau khi hạ 0,4% trong quý đầu tiên. Với hai quý GDP đi xuống, Nigeria hiện chính thức rơi vào suy thoái. Quốc gia châu Phi không chỉ chịu ảnh hưởng xấu từ giá dầu thấp. Sản lượng dầu thô nước này cũng giảm mạnh vì một loạt cuộc tấn công của quân nổi dậy nhằm vào cơ sở hạ tầng. Ngoài năng lượng, các lĩnh vực khác như sản xuất và bán lẻ cũng chịu tác động từ nhiều đợt cúp điện.
Giá dầu giảm làm cạn kiệt dự trữ ngoại hối của Nigeria. Để ngăn chặn tiền mặt chảy khỏi đất nước, chính phủ Nigeria áp dụng nhiều quy định hạn chế nghiêm ngặt trong nhập khẩu các loại hàng hóa có thể được sản xuất trong nước. Dù vậy, quyết định trên làm số nguyên liệu thô nhập vào Nigeria để phục vụ các nhà sản xuất đi xuống.
“Phần nhiều phải đổ lỗi cho chính phủ Nigeria. Lệnh hạn chế nhập khẩu làm tê liệt lĩnh vực sản xuất vốn từ lâu được xem là cỗ máy tăng trưởng không phụ thuộc vào dầu thô”, nhà kinh tế về châu Phi John Ashbourne thuộc Capital Economics nhận định.
Ở Na Uy, hoạt động khai thác dầu thô, khí đốt và vận chuyển ngoài khơi giảm 1,4% trong quý 2/2016. GDP nước này thì chỉ tăng 0,4%. Chính phủ Na Uy lần đầu tiên bị buộc phải lấy tiền từ quỹ đầu tư quốc gia. Ngân hàng Trung ương Na Uy cho hay nước này có thể phải rút hơn 9 tỉ USD từ quỹ hưu trí 888 tỉ USD trong năm nay để bù đắp cho sự sụt giảm trong nguồn thu dầu mỏ.
Bình luận (0)