Những ngành còn nhiều cơ hội xét tuyển bổ sung

21/09/2022 08:15 GMT+7

Đại diện các trường đại học đưa ra lời khuyên với thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 tham gia xét tuyển bổ sung một cách phù hợp nhất tại chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề 'Làm gì nếu không trúng tuyển đợt 1?'.

Chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Làm gì nếu không trúng tuyển đợt 1?" được phát trên các kênh thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên.

Các đối tượng xét tuyển bổ sung

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường đại học (ĐH) Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), cho biết năm nay trường tuyển sinh 35 ngành, sau khi công bố điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 cũng đồng thời thông báo xét tuyển bổ sung cho tất cả 35 ngành. Trường nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung từ 16.9 - 3.10.

Các chuyên gia tư vấn cung cấp nhiều thông tin cần thiết về xét tuyển bổ sung

LÊ THANH HẢI

Tương tự, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) cũng thực hiện xét tuyển bổ sung đến ngày 3.10 với phương thức xét học bạ ở tất cả các ngành đào tạo. Lý giải về việc mặt bằng điểm chuẩn cao nhưng các trường lại xét tuyển bổ sung, thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Trung tâm marketing và phát triển thương hiệu HUTECH, cho rằng sau khi thí sinh (TS) hoàn thành các thủ tục xác nhận nhập học thì các trường sẽ quyết định việc có tuyển bổ sung hay không; không phải ngành nào ở các trường điểm chuẩn cũng cao nên ở từng ngành, việc nhập học và mức độ quan tâm của TS cũng khác nhau, chính vì vậy sẽ có xét tuyển bổ sung ở một số ngành chưa đủ số lượng TS.

Bên cạnh đó, thầy Phương chia sẻ, trong quá trình xét tuyển năm nay, có những vấn đề mà TS nghĩ là không quan trọng và bỏ qua dẫn đến việc không đủ điều kiện để xét tuyển đợt 1. Thường những TS này không hoàn tất các quy trình xét tuyển trên hệ thống và sẽ không có tên trên danh sách trúng tuyển, nên nếu muốn học ĐH thì các bạn sẽ xét tuyển bổ sung.

Theo quy định, điểm xét tuyển nguyện vọng bổ sung phải bằng hoặc cao hơn đợt đầu nên TS cần nghiên cứu xem trường nào xét bổ sung và số lượng chỉ tiêu xét tuyển bổ sung. Cũng nên quan tâm đến điểm đầu vào của đợt đầu tiên ở các trường. TS nên lên trang web của các trường để theo dõi từng ngày, từng giờ, do các thông tin càng về cuối càng gấp gáp.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Khiêm

Chính vì vậy, xét tuyển bổ sung không chỉ dành cho những TS chưa đậu đại học mà cả những TS chọn nhầm ngành không mong muốn và muốn thay đổi.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Khiêm, đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, hiện nhà trường đang tập trung vào thực hiện nhập học cho TS trúng tuyển đợt 1 và dự báo có xét tuyển bổ sung một số ngành. Thí sinh có thể theo dõi trên website của trường.

Lưu ý khi xét tuyển bổ sung

Trong chương trình tư vấn, TS Ngô Thu Hương (TP.Thủ Đức, TP.HCM) gửi câu hỏi về việc xét bổ sung khối ngành sức khỏe. Hầu hết đại diện các trường ĐH đều cho rằng cơ hội xét bổ sung của ngành này không cao. Vì vậy thầy Phương đưa ra lời khuyên trong giai đoạn xét tuyển bổ sung TS hãy phá bỏ suy nghĩ khuôn mẫu mà nên chọn phương thức xét tuyển nào tối ưu và ưu thế với mình nhất để đăng ký.

Trong khi đó, phụ huynh học sinh Dương Hồng Ân thắc mắc: “Vì sao con tôi 25 điểm mà vẫn không đậu nguyện vọng 1 vào ngành thiết kế đồ họa của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM? Giờ cháu phải làm sao để được học ngành thiết kế đồ họa vì cháu chỉ thích ngành này thôi?”. Trả lời câu hỏi này, thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương (HUTECH) cho hay thiết kế đồ họa là ngành đang nằm trong tốp được quan tâm nhiều nhất. Những ngành nào TS đăng ký nhiều thì mức cạnh tranh cao. Đồng thời, ngành này cũng khá đặc thù nên không nhiều trường đào tạo, vì thế điểm trúng tuyển thường khá cao. Giai đoạn này TS có thể đăng ký xét tuyển bổ sung ngành học này ở những trường ĐH như Nguyễn Tất Thành, HUTECH, UEF…

Một TS băn khoăn đã trúng tuyển ngành điều dưỡng nhưng giờ suy nghĩ thấy “cực” nên muốn đổi ngành. Thạc sĩ Ngọc Phương tư vấn TS nên chờ các trường công bố xét tuyển bổ sung để đăng ký. Thầy Phương nêu ra một số ngành TS có thể xét tuyển bổ sung: Trong khối ngành sức khỏe có kỹ thuật xét nghiệm y học, y sinh… hoặc một số lĩnh vực phù hợp như dinh dưỡng, khoa học thực phẩm hay các ngành liên quan khối B như môi trường, công nghệ thực phẩm, dược…

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cũng thừa nhận đây là nhóm ngành phục vụ và chăm sóc, tuy nhiên trong thời đại này thì công nghệ phát triển và hỗ trợ rất nhiều, việc chăm sóc không còn quá nhiều vất vả. Nếu có các tố chất như lòng bác ái, bao dung, cẩn trọng, tỉ mỉ và… không sợ máu thì nên theo học.

Thí sinh làm thủ tục nhập học sau khi trúng tuyển đợt 1

đào ngọc thạch

Để tăng cơ hội trúng tuyển

Để có cơ hội trúng tuyển trong đợt xét tuyển bổ sung, tiến sĩ Nguyễn Đình Khiêm khuyên: “Theo quy định, điểm xét tuyển nguyện vọng bổ sung phải bằng hoặc cao hơn đợt đầu nên TS cần nghiên cứu xem trường nào xét bổ sung và số lượng chỉ tiêu xét tuyển bổ sung.

Cũng nên quan tâm đến điểm đầu vào của đợt đầu tiên ở các trường. TS nên lên trang web của các trường để theo dõi từng ngày, từng giờ, do các thông tin càng về cuối càng gấp gáp”.

Còn thạc sĩ Ngọc Phương thì nhắn nhủ những TS đã trúng tuyển đợt 1 nên tranh thủ nhập học vì có nhiều chính sách ưu đãi dành cho tân sinh viên. Nhập học sớm để sớm ổn định cuộc sống sinh viên. Còn những TS chưa trúng tuyển hoặc có nhu cầu xét bổ sung thì phải đến trực tiếp các trường để tìm hiểu thông tin chính thống về xét tuyển đợt này.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cho rằng để có hội trúng tuyển trong đợt bổ sung thì nên chú ý khoảng cách an toàn là 3 điểm. TS nên tìm hiểu, đối sánh với điểm xét tuyển học bạ năm trước vào ngành đó. Sau đó căn cứ theo mức điểm trúng tuyển có điều kiện năm nay so với mức điểm đã trúng tuyển thi tốt nghiệp THPT, để tiến hành lựa chọn. TS cũng nên đăng ký vào ngành mong muốn nhất và ngành gần với ngành đó.

Đợt xét tuyển bổ sung không đăng ký trên cổng thông tin của Bộ nên TS có thể đăng ký trực tuyến và trực tiếp theo hướng dẫn cụ thể của từng trường ĐH.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.