Những nghề độc lạ: Dựng công trình biểu tượng bằng mô hình 3D

16/10/2024 06:27 GMT+7

Trong rất nhiều cuộc gặp đối ngoại, lãnh đạo TP.Đà Nẵng đã chọn hộp sắp đặt 2D và mô hình 3D bằng gỗ mang tính biểu trưng của thành phố để tặng cho khách. Những sản phẩm này có gì độc đáo để có thể đi vào những sự kiện quan trọng như vậy?

"TAY NGANG" VÀO LÀNG ĐỒ HỌA

Giữa tháng 8 vừa qua, trong sự kiện tiếp Tập đoàn Sioux Technologies, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã tặng ông Hans Duisters - nhà sáng lập tập đoàn - một hộp bọc bằng mica trang trọng, bên trong là những mảnh gỗ khắc họa những hình ảnh mang tính biểu trưng của thành phố biển Đà Nẵng. "Cha đẻ" của món quà lưu niệm ý nghĩa này là anh Nguyễn Văn Bính (38 tuổi, quê Hà Nam, trú P.Thanh Khê Đông, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng). "Mô hình gỗ 2D, 3D do tôi thiết kế được lãnh đạo thành phố tin chọn làm quà tặng, là niềm tự hào lớn lao sau gần 10 năm tôi dấn thân vào nghề", anh Bính chia sẻ.

Những nghề độc lạ: Dựng công trình biểu tượng bằng mô hình 3D- Ảnh 1.

Cầu Rồng - một biểu tượng của TP.Đà Nẵng được anh Bính dựng trên mô hình gỗ 3D

Anh Bính tự nhận mình là "tay ngang" khi bước vào nghề khắc gỗ, dựng mô hình 3D vốn dĩ đòi hỏi phải có nhiều kiến thức về thiết kế, đồ họa… Trước khi vào Đà Nẵng năm 2015, anh theo đủ nghề chẳng liên quan, như vũ công, kinh doanh đồng hồ, điện thoại… "Thời điểm đó, tôi ở Hà Nội và được một người quen ở Đà Nẵng nhờ khắc một hộp gỗ. Lúc tìm đến xưởng, tôi chứng kiến cảnh máy đốt cháy bề mặt gỗ và tạo nên những hình ảnh rất hay ho. Trong khi đó, tại TP.Đà Nẵng, các mô hình lưu niệm chỉ có những bản khắc sơ sài, kém đặc sắc", anh Bính kể.

Anh Bính bắt tay vào nghề đúng nghĩa từ con số 0 nên từ việc chọn mua máy khắc gỗ laser, cách thức vận hành thế nào, thiết kế mô hình ra sao… anh đều tự mày mò. Vừa học vừa làm, sản phẩm ban đầu của anh Bính chỉ là những món đồ đơn giản, như móc khóa, ống đựng bút… Dần dà, khi có nhiều kinh nghiệm, anh chuyển sang thiết kế hộp sắp đặt 2D. Mất gần 2 năm, anh Bính mới có những thiết kế 3D bằng gỗ đầu tiên. Những sản phẩm này nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường hàng lưu niệm vì tính độc đáo của nó. Người xem khi đứng trước các mô hình của anh Bính đều bị chinh phục bởi những mảnh ghép tinh xảo, tỷ lệ chính xác.

"Ở Đà Nẵng, tôi thiết kế các mô hình gỗ 3D như cầu Rồng, cầu quay Sông Hàn, cầu Vàng (Bà Nà Hill)… Còn hộp sắp đặt 2D, người xem dễ dàng bắt gặp nhiều hình ảnh khác cũng mang tính biểu tượng của Đà Nẵng, như tòa nhà hành chính thành phố, cầu Trần Thị Lý, vòng quay Mặt trời, tượng Quán Thế Âm Linh Ứng…", anh Bính giới thiệu.

ĐAM MÊ CẢI TIẾN TÁC PHẨM

Sau gần 10 năm theo làm mô hình, anh Bính tự tin mình là người duy nhất ở Đà thành sở hữu công nghệ và phương thức thiết kế khắc gỗ 2D, 3D. Hiện tại đã có nhiều cơ sở bắt chước, làm nhái sản phẩm của anh, nhưng chia sẻ về các công đoạn để làm nên một sản phẩm, anh Bính không ngần ngại cho biết có 4 bước cơ bản. Đầu tiên, anh phải nghiên cứu kiến trúc của công trình dự kiến sẽ thực hiện thông qua việc quan sát thực tế, hình ảnh, các đoạn clip… Tiếp đó là công đoạn vẽ các chi tiết của mô hình lên máy tính. Sau khi có được bản thiết kế, tất cả hình ảnh, vật liệu được đưa vào máy laser để cắt, khắc hình lên từng mẩu gỗ. Cuối cùng là sắp xếp, lắp ghép, dán keo cố định các chi tiết, sơn màu và đóng hộp bằng mica.

Những nghề độc lạ: Dựng công trình biểu tượng bằng mô hình 3D- Ảnh 2.

Hình ảnh nhà thờ Đức Bà Sài Gòn sống động trên mô hình gỗ 3D

ẢNH: HOÀNG SƠN

"Làm sao cho ra tỷ lệ chuẩn để đạt được sự cân đối cho mô hình, điều này đòi hỏi người thiết kế phải có sự nghiên cứu tỉ mỉ về kết cấu tổng thể. Các mảnh ghép cũng phải khắc lên các đường nét, hoa văn đặc trưng của mỗi công trình sao cho giống với bản mẫu để tạo cảm hứng cho người xem. Do vậy, công đoạn khó nhất là vẽ trên máy tính từng chi tiết nhỏ. Với bản 2D, chỉ việc cắt, khắc trên mảnh gỗ nên chỉ mất khoảng vài ngày để thiết kế. Còn đối với mô hình 3D, có khi vẽ cả tháng trời mới hoàn thành", anh Bính nói và cho biết, trong tất cả các bản 3D, mô hình cầu Vàng có kích thước lớn nhất. Dù vậy, bản này đơn giản hơn vì ít chi tiết hơn so với các mô hình là kiến trúc như cầu Rồng, nhà thờ chánh tòa Đà Nẵng, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, chợ Bến Thành, dinh Độc Lập (TP.HCM), chùa Cầu (Hội An), nhà ga cổ, nhà thờ Con Gà (Đà Lạt), Đại nội Huế…

Được thị trường đón nhận bởi tính thẩm mỹ và độ hoàn thiện cao, các sản phẩm mô hình gỗ 2D và 3D của anh Bính được bán ra trên cả nước với mức giá từ vài chục ngàn đồng đến hơn 3 triệu đồng. Ở địa phương nào, anh Bính cũng nghiên cứu để vẽ nên những mô hình mang tính biểu trưng nhằm quảng bá cho địa phương đó. Riêng tại Đà Nẵng - nơi anh khởi nghiệp, với việc thiết kế ra hàng loạt mẫu hộp 2D và 3D mang đậm dấu ấn của thành phố, anh trở thành đối tác của rất nhiều cửa hàng lưu niệm. Đặc biệt, sản phẩm của anh được tin tưởng chọn làm quà tặng của Thành ủy, UBND TP.Đà Nẵng và các sở, ngành, quận, huyện trong nhiều sự kiện, nhất là các dịp tiếp đoàn khách nước ngoài.

"Tôi có sở thích thay vì tìm cái gì đó giải trí trong những lúc nhàn rỗi thì lại mang mô hình của mình ra ngắm nghía. Cứ mỗi lần như thế, tôi lại thấy cái này cái kia cần phải cải tiến. Rồi tôi xắn tay chỉnh sửa. Cứ thế, mẫu sau đẹp hơn mẫu trước, độ hoàn thiện ngày càng cao. Nghề làm đồ lưu niệm cũng góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của Đà Nẵng và các địa phương, nên tôi quan niệm mô hình phải đẹp, tinh tế và gợi được cảm xúc cho người xem", anh Bính chia sẻ. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.