Thu nhập "khủng"
Mới bước qua tuổi 25, nhưng anh Nguyễn Trọng Tấn (quê TX.Cai Lậy, Tiền Giang) đã có 7 năm kinh nghiệm trong nghề gõ sầu riêng. Bấy nhiêu năm trong nghề cũng là ngần ấy năm anh rong ruổi khắp các tỉnh miền Tây đến miền Đông và Tây nguyên để kiếm sống.
Mỗi ngày, từ tờ mờ sáng đến chiều tối, anh Tấn quanh quẩn trong các vườn sầu riêng, cầm dao gõ nhịp vào từng trái sầu riêng để lắng nghe âm thanh "bộp bộp", "boong boong" nhằm lựa ra trái đạt đến độ thu hoạch rồi dùng dao cắt cho vào giỏ.
Mỗi ngày làm việc, đội gõ sầu riêng gồm 14 người trong nhóm của anh Tấn được các chủ vựa trả công từ 1 - 2 triệu đồng/người. Còn khi sầu riêng vào chính vụ, sản lượng thu hoạch lớn thì thu nhập từng thành viên cao hơn nhiều. "Sầu riêng chín có mùi thơm phức thì ai cũng phân biệt được, nhưng để thu hoạch sầu riêng đạt chuẩn, không non, chuẩn bị chín tự nhiên độ khoảng "8 tuổi" có thể xuất khẩu thì phải có kinh nghiệm dùng dao gõ vào trái sầu riêng để nghe âm thanh "bộp bộp" phát ra. Nếu cắt sầu riêng non thì phải đền tiền", Tấn chia sẻ.
Nhờ có kinh nghiệm, uy tín nên đội của anh Tấn thường được các chủ vựa đưa đi khắp các tỉnh để hái sầu riêng. Trung bình, người gõ sầu riêng lành nghề như anh có thu nhập 50 - 60 triệu đồng/tháng.
Ông Huỳnh Văn Hết (ngụ P.Tân Hội, TP.Vĩnh Long, Vĩnh Long) có gần 20 năm gõ sầu riêng. Ông cho biết vào mùa sầu riêng rộ, mỗi ngày ông có thể thu hoạch đến 7 - 8 tấn trái, thu nhập vài triệu đồng. Tùy theo vườn cho sản lượng nhiều hay ít, ông Hết lấy tiền công khoảng 1.200 - 2.000 đồng/kg sầu riêng hái xuống đất. Tuy nghề này mang đến thu nhập khá, nhưng không phải ai cũng có thể theo nghề được.
Nghề chọn người
Muốn trở thành người gõ sầu riêng, đòi hỏi phải có đôi tai thính, đôi mắt tinh và sức khỏe dẻo dai. Tuy nhiên, theo anh Tấn và ông Hết, như thế vẫn chưa đủ để giỏi nghề. Người gõ sầu riêng chuyên nghiệp còn phải am hiểu cách trồng, chăm sóc sầu riêng của nhà vườn và thời tiết, khí hậu thổ nhưỡng từng vùng, miền. Bởi hiện nay, thị trường có hơn chục giống sầu riêng khác nhau, mỗi giống có đặc trưng riêng và mỗi nhà vườn có cách chăm sóc, bón phân khác nhau.
Muốn cắt sầu riêng chính xác, ngoài biết gõ, nghe âm thanh, đòi hỏi người gõ sầu riêng phải biết nhìn cuống, gai và vỏ trái sầu riêng. Ngoài ra, phải hỏi thêm chủ vườn về cách chăm bón cho cây thường ngày, gõ xong phải biết nếm cơm để đánh giá chất lượng trái thông qua độ ngọt. Nếu không kỹ lưỡng, thu hoạch nhầm sầu riêng non sẽ gây thiệt hại cho chủ vựa hoặc nhà vườn. Nếu tỷ lệ trái non vượt quá 2%/tấn sầu riêng thu hoạch thì người gõ phải đền.
"Những năm gần đây, do hạn hán, xâm nhập mặn, nhiều vườn sầu riêng ở Bến Tre, Tiền Giang bị thiếu nước, rụng lá, cơm sầu riêng không chín như bình thường. Do đó, người theo nghề cần phải chú ý, nếu không thu nhập cả tháng cũng không đủ để đền", anh Tấn chia sẻ.
Có dịp nhìn Tấn thu hoạch sầu riêng, ai cũng phải xuýt xoa về nét duyên của anh trong nghề. Đeo mình trên cây, cầm dao thoăn thoắt gõ và cắt từng trái sầu riêng gọn gàng rồi thả cho đồng nghiệp bên dưới chụp nhẹ nhàng. Hay những pha anh dùng cây gắn dao cắt cho trái sầu riêng rơi từ độ cao 3 - 4 m xuống rồi chụp cuống trái sầu riêng an toàn mới thấy độ "đỉnh" của anh trong nghề hái ra tiền này.
Giống như anh Tấn, ông Hết thạo nghề sau hơn 1 năm rong ruổi khắp các vườn sầu riêng. Đến nay, ông Hết có gần 20 năm cầm dao gõ sầu riêng để chọn hái sầu riêng đúng tuổi, không bẻ nhầm trái chai sượng, khô múi.
Ông Hết nói: "Muốn theo nghề, ngoài các kỹ năng gõ, nghe, nhìn còn phải có sức khỏe dẻo dai, có kỹ năng leo trèo, khả năng tung hứng sầu riêng… Đối với người ngoài nghề, nhìn những quả sầu riêng gai chi chít thì khó biết được trái nào cần thu hoạch. Nếu gõ sầu riêng không chuẩn thì thu hoạch không đạt, mất uy tín với thương lái, khi đó sẽ không có người thuê. Nếu sợ độ cao cũng không theo nghề được, bởi hiện nay có rất nhiều vườn sầu riêng lâu năm, cây cao cả chục mét phải leo lên hái. Nếu sợ độ cao và không biết leo trèo là thua".
Còn theo anh Tấn, tuy nghề gõ sầu riêng thu nhập cao so với nhiều nghề khác, được đi đây đi đó, biết nhiều nơi, nhưng để có việc làm thường xuyên phải chấp nhận xa nhà. Ngoài ra, do thường xuyên phải treo mình trên cây sầu riêng dưới thời tiết nắng nóng và tiếp xúc với trái sầu riêng gai góc nên tay chân hay bị trầy xước. "Đừng thấy gõ sầu riêng thu nhập cao mà ham vì nghề này cũng gian nan, vất vả lắm", anh Tấn bộc bạch. (còn tiếp)
Bình luận (0)