Thầy Sơn Cao Thắng hiện là Phó trưởng bộ môn Nghệ thuật, Trường ĐH Trà Vinh. Năm 2011, để phục vụ công tác giảng dạy, thầy làm mô hình chùa Khmer. Năm 2016, thầy cùng học trò là anh Thạch Huỳnh Thươne (31 tuổi, ngụ TP.Trà Vinh, Trà Vinh) mở cơ sở chế tác mão, mặt nạ truyền thống; đặc biệt là mão, mặt nạ và chùa Khmer thu nhỏ.
Phải am hiểu văn hóa, kiến trúc dân tộc
Thời gian đầu, cơ sở của thầy Thắng thường làm những quần thể chùa từ sala, chính điện… Gần đây, khách hàng và các trường đại học hay đặt làm chính điện ngôi chùa đẹp có kiến trúc đẹp để trưng bày, phục vụ công tác giảng dạy, nên thầy chủ yếu làm những ngôi chùa Khmer thu nhỏ.
Rất khó để làm mô hình này, vì người làm phải am hiểu văn hóa, kiến trúc… Chất liệu sử dụng chủ yếu là giấy carton, bìa cứng, tăm tre, gỗ. Công đoạn thực hiện cũng phức tạp, như: phác họa cấu trúc sườn và bên trong chùa; hàng cột, mái ngói; trang trí hoa văn, tượng nữ thần Kaynor, chim thần Krud, đầu và vảy rồng; sơn lót; lên màu.
Đến nay, thầy Thắng và anh Thươne đã làm hơn 100 ngôi chùa thu nhỏ, là những ngôi chùa nổi tiếng ở Trà Vinh như chùa Hang, chùa Âng… Mô hình chùa có kích thước "khủng" nhất vừa được hoàn thiện là chùa Hang, chiều dài lên đến 2 m, chiều cao hơn 1 m.
"Vừa qua, theo đơn đặt hàng của Trường ĐH Trà Vinh, tôi làm mô hình chùa Hang kích thước lớn để trưng bày. Đây là mô hình chính điện cũ của chùa, bởi thời điểm chiến tranh, phần chính điện bị dội bom hư hại nên phải xây dựng lại. Để hoàn thành mô hình, tôi nhiều lần đến chùa gặp sư cả, tìm hiểu tư liệu, hình ảnh chùa được lưu lại vào năm 1968 để phục dựng y hình mẫu. Vì vậy, tốn rất nhiều thời gian", thầy Thắng kể.
Cách tân nhưng vẫn giữ khuôn khổ thời cha ông
Ngoài chùa, thầy Thắng và học trò còn chế tác mão, mặt nạ… thu nhỏ với nhiều hình dáng, màu sắc bắt mắt. Sản phẩm nằm gọn trong lòng bàn tay, trở thành món quà lưu niệm gây ấn tượng đối với du khách đến Trà Vinh và chính người dân nơi đây cũng chọn làm quà tặng cho bạn bè trong, ngoài nước.
Anh Thươne cho biết mão và mặt nạ của người Khmer vốn là tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Do đó, khi thu nhỏ, thầy và anh vẫn làm theo khuôn khổ sản phẩm từ thời cha ông; tôn trọng các đặc trưng văn hóa của mão, mặt nạ truyền thống, đó là hoa văn và bố cục gồm 3 tầng, gồm vành tai, thân, đỉnh. Tuy nhiên, để thể hiện yếu tố sáng tạo, thầy trò anh phải nghiên cứu thay đổi từ vật liệu thô sơ (giấy, vải, mủ cây…) thành vật liệu mới có chất lượng và mau khô (composite). Từ đó, sản phẩm có thiết kế mới, độc đáo; hình thức, mẫu mã, bao bì đẹp. Sản phẩm thể hiện sự tinh xảo trong điêu khắc hoa văn, mạ vàng và đính kim sa hạt cườm mà mão truyền thống chưa có. Điều này giúp nâng tầm sản phẩm vừa đẹp, vừa chất lượng.
Quy trình chế tác mão, mặt nạ gồm 9 công đoạn phức tạp: tạo khuôn; chọn và xử lý vật liệu; chiết xuất chất kết dính; dán; phơi; tách khuôn; chắp nối, mài; sơn lót và tô màu; trang trí vẽ, đắp hoa văn, đính hạt cườm.
"Do chế tác hoàn toàn bằng thủ công, lại thu nhỏ nên khó gấp nhiều lần so với kích thước thông thường. Mọi chi tiết phải hết sức cẩn thận và tỉ mỉ, tốn nhiều thời gian, công sức. Với mão, mặt nạ lớn khi đổ khuôn, nếu đổ sai vẫn có thể dễ dàng chỉnh sửa, còn với kích thước nhỏ thì không thể chỉnh sửa được, đổ hư coi như đem bỏ. Ngoài ra, còn tốn nhiều thời gian trang trí, đính kết vật liệu", anh Thươne chia sẻ.
Để làm ra một chiếc mão hay mặt nạ, khó nhất trong việc chế tác là "thổi hồn" cho gương mặt nhân vật. Điều đó đòi hỏi nghệ nhân không chỉ có tay nghề cao, còn phải am hiểu sâu sắc văn hóa Khmer, hiểu tính cách của nhân vật mới thể hiện được.
Đến nay, thầy Thắng và anh Thươne đã nghiên cứu, chế tác hàng ngàn sản phẩm văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer như: chùa, dàn nhạc, ghe ngo, nông, ngư cụ, các loại mão, mặt nạ… thành mô hình thu nhỏ, giá bán từ 150.000 - 500.000 đồng/sản phẩm; chùa thu nhỏ có giá vài trăm ngàn đến hàng chục triệu đồng (tùy kích cỡ).
Huỳnh Đăng Khoa, sinh viên Trường ĐH Trà Vinh, cho biết: "Tôi thường chọn mua mão, mặt nạ thu nhỏ tại cơ sở của thầy Thắng để tặng bạn bè, vì hợp túi tiền. Ai cũng trầm trồ khi nhìn thấy sản phẩm tinh xảo đến từng chi tiết. Theo tôi, đây hứa hẹn là sản phẩm lưu niệm mang dấu ấn rất riêng của Trà Vinh". (còn tiếp)
Bình luận (0)