Chùa Hang có tên chính thức là chùa Kamponnigrodha (hay chùa Kompong Chrây), tọa lạc TT.Châu Thành, H.Châu Thành, Trà Vinh. Cổng chính của chùa được xây dựng giống như hang động nên người dân quen gọi là chùa Hang. Đây là ngôi chùa cổ trong số hàng trăm ngôi chùa Khmer của Trà Vinh.
Tác phẩm điêu khắc níu chân du khách
Chùa Hang có kiến trúc đẹp đặc trưng của đồng bào Khmer, nằm trong khuôn viên rộng khoảng 2 ha. Bao bọc xung quanh chùa là hàng hàng, lớp lớp cây sao, dầu cổ thụ, là nơi trú ngụ của nhiều loài chim. Điều này khiến chùa Hang trở thành điểm tham quan của nhiều du khách khi đến Trà Vinh.
Cùng bạn bè đến viếng chùa Hang, chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (ngụ TP.HCM) cho biết chị thật sự choáng ngợp trước nét đẹp đặc trưng của ngôi chùa cùng với cây xanh và nhiều loài chim trú ngụ. "Đặc biệt hơn, khi vào trong chùa, du khách được chiêm ngưỡng các tượng gỗ điêu khắc thủ công một cách tỉ mỉ, sắc sảo… Càng bất ngờ khi biết những tác phẩm điêu khắc này do chính các nghệ nhân là sư sãi trong chùa tạo nên. Vì vậy, tôi nhờ các bạn đi cùng chụp ảnh lưu lại", chị nói.
Chị Nguyễn Phương Thảo (ngụ TP.Trà Vinh) cho biết chị là phật tử thường xuyên đến chùa vào các ngày giữa và cuối tháng âm lịch để cầu bình an. "Chùa Hang nổi tiếng với các tác phẩm điêu khắc bằng gỗ. Người dân đến chùa, nếu muốn xem tận mắt các sư kỳ công tạo nên những tác phẩm nghệ thuật thì có thể ra nhà xưởng phía sau chùa để xem", chị chia sẻ.
Thạch Chính (24 tuổi, một nhà sư tại chùa Hang) cho biết bản thân học nghề điêu khắc hơn 3 năm nay. Ban đầu học cảm thấy khó lắm, nhưng nhờ các sư sãi giàu kinh nghiệm nhiệt tình chia sẻ nên đến nay sư đã thực hiện được những tạo hình khó. "Ở chùa, tôi không chỉ được học nghề miễn phí mà còn được trả lương khi làm điêu khắc. Tôi sẽ cố gắng học nghề cho vững, mai mốt có thể ở lại làm cho chùa để có thêm thu nhập", nhà sư nói.
Tác phẩm đạt kỷ lục châu Á
Ông Sơn Sóc (49 tuổi, ngụ TP.Trà Vinh), người gắn bó với nghề điêu khắc gỗ tại chùa Hang, cho biết ông được học và làm nghề điêu khắc ở đây hơn 20 năm. Ông cũng chính là người truyền nghề cho rất nhiều nhà sư trong chùa.
"Tác phẩm Nhất Long Giang vừa được xác lập kỷ lục châu Á. Tôi xem đây là tác phẩm để đời của mình. Với tác phẩm này, tôi đã cùng 4 sư lành nghề ở chùa miệt mài điêu khắc gần 2 năm trời từ nguyên gốc cây dầu cổ thụ trên 300 năm tuổi, nặng 8,7 tấn. Mặt trước điêu khắc 12 con giáp, xung quanh là 12 chú chim bồ câu biểu trưng cho sự hòa bình, thịnh vượng và tự do. Trung tâm mặt trước là chiếc đồng hồ lớn, có hình ảnh bản đồ VN, có đủ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, biểu tượng quảng trường Ba Đình và hình ảnh cổng chào Trà Vinh… Xung quanh đồng hồ là hình ảnh 12 con chim lạc, tượng trưng cho truyền thống văn hóa của người Việt. Mặt sau điêu khắc 70 loài vật sống ở 3 khu vực: trên cạn, dưới nước và trên không gian, tượng trưng cho sự phong phú của thiên nhiên", ông Sóc mô tả.
Trao đổi với PV Thanh Niên, sư cả Thạch Suông, trụ trì chùa Hang, cho biết nghề điêu khắc gỗ này có từ hơn 20 năm trước. Trước đó, chùa có rất nhiều cây gỗ cổ thụ, nếu làm củi đốt thì rất phí phạm nên sư cả nghĩ ra chuyện nhờ thợ đến điêu khắc tượng để bán lấy tiền xây chùa và trưng bày cho người dân, du khách đến chiêm ngưỡng. Thấy việc điêu khắc này hay, các sư sãi trong chùa theo học và dần dần thành nghề, rồi dạy lại lớp sau.
"Các sư trẻ theo tu tại chùa được học thêm nghề điêu khắc gỗ này để khi hoàn thành khóa tu sẽ có nghề trong tay, ra ngoài có thể nuôi sống bản thân và gia đình. Các tác phẩm tại chùa cũng được bán để lấy tiền xây dựng chùa và kinh phí sinh hoạt của chùa. Từ nhà xưởng của chùa đã đào tạo ra nhiều nghệ nhân điêu khắc, có mặt tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Ngoài ra, nhà chùa còn nhận điêu khắc các khối gỗ, tạo hình theo yêu cầu của người dân", sư cả Thạch Suông nói.
Các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ được trưng bày khắp không gian chùa để du khách chiêm ngưỡng và chụp ảnh. Các tượng chim thú từ gốc, rễ, thân cây sao, dầu của các nhà sư trong chùa và nghệ nhân là điểm độc đáo của chùa Hang, tạo nên điểm nhấn đặc trưng, thu hút du khách đến chùa. (còn tiếp)
Bình luận (0)