Cũng có nhan sắc nhưng con đường vào nghề diễn của nghệ sĩ Phương Dung không khá hơn nghệ sĩ Phi Phụng. Dường như cái duyên sân khấu đến với chị hơi muộn nên chị cũng rơi vào trường hợp những nghệ sĩ không gặp thời.
Chung thủy với nghề
Nghệ sĩ Phương Dung thi vào Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM) để học lớp trung cấp diễn viên. Chị thi vào trường đơn giản là vì được lĩnh nhu yếu phẩm: thịt, đường, sữa hằng tháng để phụ giúp thêm cho cuộc sống thiếu thốn của gia đình.
|
Đang học đến năm thứ 2, vì ham diễn, chị bỏ học để vào Đoàn Kịch nói Kim Cương. Vì chưa tốt nghiệp nên chị chưa được giao vai. “Chỉ được đóng những vai quần chúng. Sau đó, một người bạn xin cho tôi về Đoàn Kịch Bông Hồng, nhưng không hiểu sao lại cứ được giao đóng vai phụ triền miên. Lúc đó đã 2 lần tôi định bỏ nghề, về phụ giúp mẹ bán bún thịt nướng ở chợ An Đông. Nhưng rồi nghề không bỏ tôi nên tôi không thể phụ nghề” – nghệ sĩ Phương Dung nhớ lại.
NSND Kim Cương cho biết: “Phương Dung tham gia đoàn kịch của tôi nhiều năm, thời đó phải nói Đoàn Kịch nói Kim Cương khi chọn vở dựng có rất ít vai phụ nhàn nhạt, đều là vai “nặng ký”. Có vai nào thì Tú Trinh, Anh Thư, Diễm Kiều đã nhận hết, lấy đâu tới đàn em Phương Dung. Nhưng Dung chăm chút cho vai diễn lắm. Dù là vai quần chúng, cô ấy cũng sắm tuồng, hóa trang, ủi đồ thật kỹ. Khi không diễn, Dung chăm chỉ ngồi bên cánh gà để xem cô chú, anh chị diễn.
Đó là cách học nghề nhanh nhất để ngày nay Dung tiến bộ vượt bậc. Khuyết điểm của Dung là nói đớt, phát âm một vài chữ không tròn vành. Tôi khuyên em nên đọc sách, mỗi ngày đọc vài trang, tự đọc lớn, rồi đọc nhỏ, rồi diễn cảm trong lúc đọc để khắc phục. Đến một ngày gặp tôi, Dung khoe: “Chị Hai ơi, em đã tự hạn chế được cố tật của mình”. Ngày Dung nhận giải Diễn viên phụ Giải thưởng HTV, tôi vui lắm, hoa nở cuối mùa bao giờ cũng đẹp”.
Với nghệ sĩ Phương Dung, chị được khán giả biết đến kể từ sau vai Tào Thị trong bộ phim Phạm Công – Cúc Hoa. Nhưng rồi sau đó vẫn bám vào tấu hài để sống. Chị kể: “Một đêm diễn lĩnh 20.000 đồng, trả tiền xe ôm hết 15.000 đồng. Nhiều đêm tôi khóc vì không biết ngày mai lấy tiền đâu mà ăn. May mà Sân khấu Kịch Sài Gòn ra đời vào năm 2000, nghệ sĩ Phước Sang mời tôi về diễn. Tiếp tục đóng vai phụ cho đến khi nhận được vai chính. Rồi bước sang phim truyền hình, được khán giả thương qua các phim: Rồi tụi mình có tên, Lặng lẽ yêu em, Giấc mộng giàu sang, Ở rể…”.
Đạo diễn - NSƯT Ca Lê Hồng nói: “Vai phụ của Phương Dung không lặp lại. Mỗi tính cách một số phận riêng. Trên Sân khấu Kịch Sài Gòn hồi trước và nay là Sân khấu IDECAF, Phương Dung làm khán giả hài lòng vì biết cách đo độ nóng của vai diễn. Các tình huống kịch cũng được Dung nắm bắt nhanh để làm sáng thêm cho vai kịch”.
Cũng như nghệ sĩ Phi Phụng, cùng bước qua tuổi 50, hôn nhân của Phương Dung đã hai lần gãy đổ vì “không thể tìm được sự chia sẻ ở chồng khi bản thân mình quá bận rộn với công việc làm nghề” – chị tâm sự.
Hạnh phúc về chiều
Nói đến các nghệ sĩ không “sao” không thể không kể đến nghệ sĩ Minh Hạnh. Con đường chị đến với nghề khá bằng phẳng: Tốt nghiệp lớp diễn viên Trường Nghệ thuật Sân khấu II năm 1978, sau đó chị học đại học đạo diễn và tốt nghiệp loại giỏi năm 1998. Yêu nghề và cần mẫn, chị được NSND Kim Cương tuyển về Đoàn Kịch nói Kim Cương, lăng-xê với nhiều vai diễn chính trong: Huyền thoại mẹ, Bông hồng cài áo, Người mua hạnh phúc…
|
Thế nhưng, đang ở thời xuân sắc nhất, khi khán giả bắt đầu chú ý đến cái tên Minh Hạnh thì Đoàn Kịch nói Kim Cương ngưng hoạt động. Chị lại lông bông nuôi dưỡng niềm đam mê với phong trào kịch học đường, kịch quần chúng. Và cũng không khác gì nghệ sĩ Phương Dung, chị đã 2 lần định giã từ sàn diễn, khi áp lực cuộc sống đã có lúc làm chị ngã quỵ.
Nghệ sĩ Minh Hạnh may mắn hơn là vừa diễn vừa làm công tác quản lý. Nhưng vì sức khỏe nên chị chuyển công tác từ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang về Nhà hát Kịch TPHCM. Nghề đạo diễn mở ra cho chị thêm nhiều hướng đi, nhưng rồi vẫn chưa thực hiện được tác phẩm như ý. Chị lại lui về với nghề diễn, lấy nước mắt khán giả qua nhiều thân phận phụ nữ hẩm hiu trong các vở: Quỷ, Hồn ma báo oán, Áo chờ người, Hồn trinh nữ, Biệt thự ma… và trong các phim: Linh đan trắng, Pha lê không dễ vỡ, Giã từ dĩ vãng, Hạnh phúc mong manh…
NSND Kim Cương nói: “Ngày trước, Minh Hạnh là học trò cưng, có nhiều vai của tôi lúc trẻ, Minh Hạnh đều diễn qua. Thương nhất là trong vở Huyền thoại mẹ và Bông hồng cái áo, dù là vai phụ nhưng khán giả nhớ đến Minh Hạnh nhiều vì chất giọng Nam Bộ truyền cảm và trên hết là thần sắc của vai diễn rất thật, không dùng kỹ thuật. Đó chính là chìa khóa thành công của Hạnh”.
Ở phim truyền hình, nghệ sĩ Hữu Luân, một bạn diễn của nghệ sĩ Minh Hạnh trong rất nhiều phim, nhận xét: “Phim cần sự chân thật và Minh Hạnh có được ưu điểm đó. Nổi bật nhất là dù đóng cận cảnh hay trung cảnh, chị đều thể hiện tốt tâm lý và hỗ trợ hết mình cho bạn diễn”.
Cũng như nghệ sĩ Phương Dung, hôn nhân của chị tan vỡ do chị không tìm được sự đồng cảm của chồng nên đành sống độc thân nuôi dạy hai con và để được làm nghề.
Hiện nay, chị đang chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. “Cố gắng sống và diễn cho thật tốt, để lo cho hai con, thế là đủ” - chị nói. Và tin vui đã đến với nghệ sĩ Minh Hạnh khi trong danh sách nghệ sĩ nhận danh hiệu NSƯT đợt này có tên chị. Chị nói trong niềm xúc động vô bờ: “Có lẽ đây là phần thưởng cuối cùng cho sự phấn đấu không ngừng của tôi”.
Kỳ tới: “Ngọn đèn” không tắt
Theo Người Lao Động
>> Bạc tóc làm áo dài bằng tóc
>> Ấn tượng trắng tinh khôi của nghệ sĩ
>> MC Phan Anh: Không ôm mộng thành sao
>> Queen Latifah từng bị xâm hại tình dục
>> Nhớ mãi một Hiền "cá sấu
>> Hải Yến học sản xuất phim
>> Uyên Linh 22 tuổi đã muộn?
Bình luận (0)