Những nghi thức lễ tết xưa trong cung đình và dành cho vua khác gì người thường

22/01/2023 15:26 GMT+7

Lễ tết cung đình xưa nhất được ghi chép tỉ mỉ trong tập An Nam Chí Lược của Lê Tắc, soạn vào nửa đầu thế kỷ 14, dưới thời Trần. Điều này cho thấy cổ nhân quý trọng tính cách thiêng liêng của ngày tết như thế nào.

Ngày nay, trong không khí nao nức của người người chuẩn bị đón tết, chúng ta thử ôn lại một vài nghi thức lễ tết xưa được các triều vua trước áp dụng như thế nào:

LỄ TIẾN XUÂN NGƯU - Lễ này diễn ra phổ biến dưới triều Lê - Trịnh. Hàng năm, vào tháng 11 âm lịch, Tư thiên giám (cơ quan coi về ngày tháng, thời tiết) xem lịch để biết tiết Lập xuân rơi vào ngày nào hầu thông báo bộ Công làm con trâu bằng đất để tiến hành lễ tiến Xuân ngưu.

Hình ảnh liên quan đến lễ 'Tiến Xuân ngưu'

bvhttdl.gov.vn

Con trâu đất nặn xong trước ngày Lập xuân được đưa đến một đàn lập sẵn trong phạm vi kinh thành Thăng Long, quan Phủ Doãn và hai quan huyện Thọ Xương và Quảng Đức dùng cành dâu đánh vào con trâu đất rồi cho đem vào sân cung điện nhà vua để làm lễ tiến xuân ngưu. Vâng chỉ chúa Trịnh, bá quan văn võ mặc phẩm phục vào triều làm lễ. Mục đích của lễ tiến Xuân ngưu nhằm tống khí lạnh, vì tháng 11 âm lịch là tháng Sửu, nên làm con trâu bằng đất, vì đất có công dụng ngăn nước (Phan Huy Chú - Lịch triều hiến chương loại chí - tập 2 - Lễ nghi chí - NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1992, trang 70).

LỄ HẠP ẤN - Lễ này diễn ra vào ngày 25 tháng chạp, quan giữ ấn của triều đình và ở các công đường cho lau rửa ấn thật sạch sẽ rồi bọc vải lụa cất kỹ, đợi sang năm mới sẽ mở ra sử dụng (khai ấn). Làm như thế không có nghĩa là mọi việc ở triều đình và các công sở đều bị đình chỉ hoàn toàn. Những nơi trên vẫn giải quyết các việc khẩn cấp và bất thường, có điều quyết định phải chờ đến sang năm mới đóng dấu.

Ngày lễ chính đán, Tư Thiên giám chọn thời điểm tốt, khải lên chúa (với vua, dùng chữ “tấu”, với chúa, dùng chữ “khải”) để định ngày khai ấn, và sau đó yết lệnh cho mọi người biết.

LỄ HẠ ĐIỀN - Ngày mùng ba Tết, bách quan tề tựu tại cung điện để tháp tùng vua Lê và chúa Trịnh đi hành lễ ở một địa điểm ngoại thành. Vua ngồi trên ngai vàng do binh lính khiêng trên vai, còn chúa thì ngồi trên xe thếp vàng, theo sau là các Tiến sĩ, Cử nhân tại địa phương.

Tái hiện lễ hạ điền tại xã Đọi Nam, Hà Nam

dantri.com.vn

Khi đám rước dừng lại trên một cánh đồng ở ngoại thành, nơi nhiều người dân đã có mặt từ sớm để chờ giờ hành lễ, nhà vua bước xuống ngai, làm lễ tế Trời Đất, rồi đi xuống ruộng, tay cầm cày, mở một luống cày trên cánh đồng nhằm khuyến khích dân chúng siêng năng cày cấy để mùa màng tươi tốt, lúa gạo đầy sân.

LỄ TẾ GIAO - Ở nước ta, lễ tế Trời Đất gọi là tế giao bắt đầu vào thời vua Lý Anh Tông (1138-1175). Nhà vua cho lập đàn Viên khâu ở thành Thăng Long, cứ ba năm một lễ lớn, hai năm một lễ trung, mỗi năm một lễ nhỏ. Nhà Trần kế tục nhà Lý bỏ hẳn lệ Tế giao trong gần 200 năm (1225-1400). Năm 1428, Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, định lễ Tế giao vào mùa xuân, trong ba ngày xuân đán, chọn một ngày tốt để làm lễ.

Lễ tiến Xuân ngưu được tái hiện tại hoàng thành Thăng Long xưa

bvhttdl.gov.vn

Đến thời Lê Trung hưng, nhà vua chỉ ngồi làm vì cho chúa Trịnh giật dây: trong lễ Tế giao, bên cạnh nhà vua làm chủ tế trên nền điện chiêu sự, còn có chúa Trịnh và quan tiết chế (thường là một thế tử con chúa Trịnh giữ chức này) làm bồi tế.

Lễ tế trong nghi thức lễ tết thời đó rất giản lược, chỉ có lễ thượng hương rồi đọc tờ tấu, trước sau chỉ lạy tám lạy. Đến thời Nguyễn, phần lớn lễ tế giao không còn diễn ra vào những ngày tết nữa, Khâm thiên giám được lệnh chọn những ngày tốt trong tháng 2 âm lịch để tiến hành lễ tế giao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.