Những ngộ nhận về Tả quân Lê Văn Duyệt: Bí ẩn cái chết Nguyễn Văn Thành

14/10/2022 07:08 GMT+7

Khi vụ án Nguyễn Văn Thuyên nổ ra, trong lúc vua Gia Long còn giữ thái độ cân nhắc, bình tĩnh, thì nhiều quan lại lại nóng lòng đẩy sự việc lên cao trào và ngày càng gia tăng áp lực, buộc vua Gia Long giải quyết vấn đề theo ý họ. Và ý họ là loại bỏ Nguyễn Văn Thành ra khỏi triều đình.

Xét về công lao trong cuộc nội chiến với nhà Tây Sơn, Nguyễn Văn Thành lấn át cả Lê Văn Duyệt, Lê Chất, Trương Tấn Bửu… Ông là một võ tướng nhưng lại có một trình độ chữ nghĩa đáng ca ngợi, Lê Văn Duyệt và nhiều người khác không sánh nổi. Năm 1811, ông được sung làm Tổng tài, trông coi việc soạn thảo bộ sử chính thức của triều Nguyễn có tên là Hoàng Việt luật lệ, đến năm 1813 thì xong.

Trong quan hệ giữa Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt, chỉ thấy sử nói đến câu nói làm mất lòng ông Thành của Lê Văn Duyệt, trong cuộc hành quân vào năm 1800. Những sự kiện quan trọng khác của hoàng tộc triều Nguyễn như chuyện tế tự Thừa Thiên Cao hoàng hậu, chuyện phong Thái tử, ông Duyệt vẫn giữ thái độ bình thường như bao quan lại khác, chỉ có một mình Nguyễn Văn Thành chủ trương theo câu “đích tôn thừa trọng”, muốn đưa con hoàng tử Cảnh là Mỹ Đàng lên ngôi Thái tử. Vậy mà nhiều bài viết trên báo chí hay trên mạng vẫn liên kết hai ông Thành và Duyệt cùng chung một thái độ, một quan điểm, với nhiều mục tiêu khác nhau, song chủ yếu muốn mượn sự kiện không có thật này để giải thích cho điều mà họ gọi là sự bất đồng giữa Tả quân Lê Văn Duyệt và vua Minh Mạng.

Tượng trung quân Nguyễn Văn Thành được thờ vào tháng 5 năm Gia Long thứ 16 (1817) tại một ngôi miếu thuộc Đại Nội Huế

Khi vụ án Nguyễn Văn Thuyên nổ ra, trong lúc vua Gia Long còn giữ thái độ cân nhắc, bình tĩnh, thì nhiều quan lại lại nóng lòng đẩy sự việc lên cao trào và ngày càng gia tăng áp lực, buộc vua Gia Long giải quyết vấn đề theo ý họ là loại bỏ Nguyễn Văn Thành ra khỏi triều đình.

Như đã thấy trong bài trước, trong những quan lại muốn mượn chuyện Nguyễn Văn Thuyên để truy bức Nguyễn Văn Thành, trước tiên là Ký lục Quảng Trị Nguyễn Duy Hòa. Tháng 2 âm lịch (AL) 1816, trước ngày tế Nam giao, bộ Lễ tâu rằng Nam giao là đại lễ mà Nguyễn Văn Thành là người có tội nên xin không cho tham dự. Nhà vua không đồng tình với bộ này vì vụ Văn Thuyên chưa rõ ràng, lẽ nào bỏ qua một công thần (Đại Nam thực lục Tập 1 - NXB Giáo dục 2002, trang 919 - 920). Thêm một chi tiết cho thấy vua Gia Long không hề có ác ý muốn nhân vụ Nguyễn Văn Thuyên mà xử tệ Nguyễn Văn Thành. Cũng thêm một lần chúng ta thấy Tả quân Lê Văn Duyệt không hề “mượn gió bẻ măng”, nhân lúc ông Thành gặp nguy khốn mà ra tay hạ thủ.

Tuy nhiên, ngoài áp lực của Nguyễn Duy Hòa, của bộ Lễ, đình thần tiếp tục nêu trường hợp hai cha con Nguyễn Văn Thành lên để thúc đẩy nhà vua giải quyết rốt ráo vụ việc. Tháng 4 AL 1816, sau khi Phạm Đăng Hưng và Lê Văn Duyệt tra xét và Thuyên nhận tội, vua Gia Long cho giam Thuyên vào ngục. Đình thần xin hạ ngục Nguyễn Văn Thành song nhà vua vẫn còn lưu tình, ông nói: “Văn Thành vốn là kẻ có tội, nhưng thể thống đối với đại thần, cũng nên có cách xử trí”, bèn sai thu ấn (chưởng Trung quân - LN) và khiến về ở nhà riêng” (Đại Nam thực lục - sđd, trang 924 - 925).

Đấy là khoảng thời gian có lần Michel Đức Chaigneau, con trai Jean Baptiste Chaigneau (tên Việt là Nguyễn Văn Thắng), nhân tháp tùng vua Gia Long viếng lăng mộ tổ tiên của nhà Nguyễn, đã lên bờ giữa chừng chuyến đi và vào ngôi nhà riêng của Nguyễn Văn Thành ở phường Thợ Đúc, thăm vị công thần bị thất sủng của triều Nguyễn (Michel Đức Chaigneau - Souvenirs de Hue - Paris 1867).

Michel Đức Chaigneau, người đã đến thăm Nguyễn Văn Thành khi ông bị cách chức

Nguồn: vi.wikipedia.org

Tháng 6 nhuận AL 1816, vua Gia Long sai đình thần bàn lại án phản nghịch của Nguyễn Văn Thuyên và sự liên đới của Nguyễn Văn Thành. Một lần nữa, họ kết tội ông Thành là “che giấu cho con, lấy yêu ngôn tâu bậy, sửa mộ quá phép, tiến cử người xằng, nhiều điều bất pháp như thế, xin xử tội chết”. Vua Gia Long lại ban lệnh bàn lại (Đại Nam thực lục, sđd, trang 930).

Tháng 11 AL 1816, một sự kiện bất ngờ xảy ra: một hậu duệ của nhà Lê là Lê Duy Hoán, từng được vua Gia Long phong tước Diên Tự công, bị phát giác về việc mưu phản và bị tống giam. Hơn nửa năm sau, vào tháng 6 AL 1817, kết quả điều tra của bộ Hình cho thấy là trong các cuộc hỏi cung, Lê Duy Hoán khai rằng Nguyễn Văn Thuyên từng gửi thư xúi ông ta làm phản. Vua Gia Long vẫn một mực chở che cho ông Thành, vặn lại là Văn Thuyên đã bị bỏ ngục từ lâu, sao lại nói rằng từng gửi thư cho Lê Duy Hoán? Đình thần trả lời rằng việc này xảy ra từ khi Nguyễn Văn Thành còn làm Tổng trấn Bắc Thành.

Lần này nhà vua không còn lý lẽ để bênh vực người trung quân từng vào sinh ra tử với mình nhiều năm trời, trước đề nghị khẩn thiết của đình thần, ông sai bắt Nguyễn Văn Thành giam lại. Khi lệnh vua chưa kịp thi hành, ông Thành từ một buổi xét hỏi của đình thần trở về nhà, gặp và nói với Tả Thống chế Thị trung là Huỳnh Công Lý (sách Đại Nam thực lục dẫn trên chép là Hoàng Công Lý) rằng: “Án đã xong rồi, vua bắt bề tôi chết, bầy tôi không chết không phải là trung”. Nói xong, ông đi nằm rồi uống thuốc độc mà chết (Đại Nam thực lục, sđd, trang 948 -949).

Đó là cái chết oan khuất của một trung thần, từng lập được công trạng hiển hách trong một thời gian dài. Theo dõi suốt câu chuyện về ông Thành cho đến khi chết được miêu tả rõ trong chính sử, không hề thấy bàn tay của Tả quân Lê Văn Duyệt nhúng vào, vậy mà không ít người dựng chuyện về ông Duyệt với những tình tiết không có thật. (còn tiếp)

Những ngộ nhận về Tả quân Lê Văn Duyệt

Việc chọn thái tử kế vị vua Gia Long

Vụ án Nguyễn Văn Thuyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.