Về mối quan hệ giữa Tả quân Lê Văn Duyệt và vua Minh Mạng, điều đáng tiếc là nhiều cây bút đã cố vẽ ra những tình huống không có thật để tạo nên sự xúc động cho người đọc. Họ vin vào ít nhất 3 sự kiện, một là chuyện trao ngôi thái tử cho hoàng tử Đảm (sau là vua Minh Mạng) vào năm 1816, hai là chuyện xử tử Phó tổng trấn Gia Định thành Huỳnh Công Lý mà họ nhấn mạnh là “cha vợ vua Minh Mạng” và ba là chuyện vua Minh Mạng và triều thần kết án Lê Văn Duyệt về 9 tội chết sau sự biến ở thành Phiên An (1833 - 1835), sau khi vị cố Tả quân họ Lê đã mồ yên mả đẹp được 3 năm rồi.
Một chân dung khác của Tả quân Lê Văn Duyệt |
TL |
Về sự kiện một, trong một bài trước, chúng ta đã thấy rằng căn cứ vào chính sử (hai bộ Đại Nam thực lục và Đại Nam liệt truyện), không hề có chuyện Lê Văn Duyệt ngăn cản việc vua Gia Long tấn phong thái tử cho hoàng tử Đảm; về sự kiện hai, cũng không hề có chuyện ông Duyệt “tiền trảm hậu tấu”, chém đầu Huỳnh Công Lý trước khi có lệnh triều đình cho giải về kinh; về sự kiện ba, đó là điều có thật, nhưng đã xảy ra 3 năm sau cái chết của ông Duyệt.
Những cây bút dựng lên sự bất đồng sâu sắc giữa hai nhân vật lịch sử này đã bỏ quên gần như hoàn toàn những gì đã diễn ra trong 12 năm, từ khi vua Minh Mạng lên ngôi (1820) đến khi Tả quân Lê Văn Duyệt qua đời (1832).
Chân dung vua Minh Mạng (1791 - 1841) - Tranh John Crawfurd 1828 |
Theo chính sử, vào tháng 12 âm lịch (AL) năm Kỷ Mão, nhằm vào tháng 1.1820, biết mình không qua khỏi, vua Gia Long đã triệu tập hoàng thái tử, các hoàng tử tước công và hai đại thần Lê Văn Duyệt, Phạm Đăng Hưng vào hầu để nhận di chiếu.
Dù sử không nêu rõ hai đại thần trên có là cố mệnh lương thần không, song với việc chỉ họ có mặt trong giờ phút lâm chung của vua Gia Long cũng nói lên tầm quan trọng của họ, ít nhất là uy tín đối với tân quân. Vì thế ngay khi vừa lên ngôi, vua Minh Mạng đã viết thư khen, đóng ấn ngọc tỷ ban cho ông Duyệt, đến tháng 4 AL 1820 lại cử ông làm Tổng hộ sứ, điều khiển chung lễ an táng vua Gia Long tại lăng Thiên Thọ (Đại Nam liệt truyện, tập 2, quyển 22, mục XIX, NXB Thuận Hóa, Huế 2006).
Tháng 5 AL, nhà vua “lấy Chưởng Tả quân Lê Văn Duyệt lãnh Tổng trấn thành Gia Định (đúng ra phải là Gia Định thành - LN). Phàm truất thăng quan lại, hưng lợi, trừ hại, tất cả việc thành và việc biên cương đều cho tùy nghi mà làm”. (Đại Nam thực lục, tập 2, NXB Giáo dục, 2004, trang 62). Như vậy, hầu như nhà vua đã giao cho Tả quân trọn quyền đối với mảnh đất Gia Định thành bao gồm 5 trấn, từ Bình Thuận vào đến Hà Tiên.
Trong suốt 12 năm miệt mài gìn giữ trật tự trị an và phát triển kinh tế vùng đất Gia Định thành rộng lớn, Tả quân Lê Văn Duyệt luôn giữ đạo quân thần, dù được nhà vua dành cho nhiều quyền hạn, song từng chuyển biến nhỏ trong địa hạt của mình, ông đều tâu về triều. Qua lịch sử, chúng ta thấy rằng vua Minh Mạng nhiều lần ban thưởng chẳng những cho bản thân ông Duyệt mà còn cho cả thân phụ và thân mẫu ông nữa.
Tháng 8 AL năm 1820, nhà vua truy thăng cha ông Duyệt là cố Chưởng cơ Lê Văn Toại (tòng nhị phẩm) lên chức thống chế (chánh nhị phẩm). Tám năm sau, tháng 12 AL 1828, một lần nữa, nhà vua truy thăng ông Toại lên chức đô thống (tòng nhất phẩm), mẹ ông Duyệt là Nguyễn thị được phong nhất phẩm phu nhân (Đại Nam thực lục, tập 2, sđd, trang 90 và 690).
Về phần Tả quân Lê Văn Duyệt, ngoài việc dành cho một quyền hạn rộng rãi trong việc cai trị Gia Định thành, nhà vua không bỏ sót một lần ân thưởng nào mỗi khi vị công thần và thuộc hạ làm được những điều ích quốc lợi dân. Tháng 4 AL 1822, nhà vua gửi vào Gia Định thành cho Tả quân một cái ống điếu bằng pha lê bịt vàng, một chén ngọc liệu màu xuân thanh bịt vàng, một chén ngọc liệu màu mỡ cắt bịt vàng, một cái chậu pha lê, với lời dụ đầy cảm mến.
Tháng 6 AL 1824, sau khi về kinh bệ kiến, tâu trình một số việc, Tả quân Lê Văn Duyệt quay về Gia Định thành, vua Minh Mạng cử binh đi theo, và: “Duyệt đương trên đường, vua sai trung sứ mang một cái ống điếu bằng pha lê màu biếc bịt vàng là đồ thượng phương và dụ bảo rằng: “Từ sau khi khanh bệ từ, lòng trẫm băn khoăn chẳng lúc nào quên, khanh nên giữ gìn khi đi lúc nghỉ, chớ để nắng gió cảm nhiễm mà làm lo cho trẫm” (Đại Nam thực lục, tập 2, sđd, trang 363). Sự ưu ái của bậc quân vương đối với một lão thần đến mức đó là cùng.
Ngoài những việc như thế, tháng 1 AL 1824, nhà vua còn gả em gái là công chúa Ngọc Ngôn cho con thừa tự của Tả quân là Kiêu kỵ Đô úy Lê Văn Yến, vốn là con của Lê Văn Phong, em ruột ông Duyệt, được ông nhận làm con thừa tự. Với sự kiện này, Tả quân Lê Văn Duyệt trở thành thông gia với vua Gia Long! Bản thân Lê Văn Phong lúc ấy cũng đang là Phó tổng trấn Bắc thành. (còn tiếp)
Những ngộ nhận về Tả quân Lê Văn Duyệt
Bình luận (0)