Các vụ việc chấn động liên tiếp đã phơi bày những hệ lụy từ dịch vụ mang thai hộ, vốn âm thầm phát triển tràn lan ở Thái Lan.
>> Thái Lan điều tra vụ đẻ thuê cho người nước ngoài
>> Thái Lan xử đường dây đẻ thuê
>> 3 cô gái sang Thái Lan đẻ thuê đã về nhà
|
Ngày 24.8, tờ The Guardian dẫn lời tân Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cam kết chính quyền quân sự sẽ xem xét khoan hồng cho các phụ nữ đẻ thuê. “Chúng tôi lo ngại những phụ nữ đang mang thai hộ sẽ không đi khám đàng hoàng vì sợ bị bắt và xét xử.
Điều này sẽ gây nguy hiểm cho bà mẹ và em bé. Tôi đã chỉ thị xem xét khoan hồng cho từng trường hợp cụ thể”, ông Prayuth nói. Tuyên bố trên được đưa ra giữa lúc giới chức đang xem xét siết chặt các quy định về mang thai hộ, trong đó có đề xuất phạt tù đến 10 năm những người liên quan đến mang thai hộ với mục đích thương mại. Từ đầu tháng 8 đến nay, cảnh sát Thái mở chiến dịch truy quét các cơ sở cung cấp dịch vụ đẻ thuê, đóng cửa nhiều phòng khám và thẩm vấn nhiều người.
Luật pháp Thái Lan cấm đẻ thuê và chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa những người thân trong gia tộc. Tuy nhiên, theo báo chí Thái Lan, giới chức lâu nay vẫn “mắt nhắm mắt mở” và đẻ thuê đã âm thầm phát triển trở thành một dịch vụ cực kỳ ăn nên làm ra. Khách hàng chủ yếu là người nước ngoài đến từ Úc, Mỹ và cả Trung Đông.
“Nông trại trẻ em”
Huyện Lomsak thuộc tỉnh Phetchabun, miền bắc Thái Lan rất nổi tiếng với đặc sản me ngọt được cả nước ưa thích. Thế nhưng khoảng một tháng nay, nơi này lại trở thành tâm điểm chú ý của dư luận vì một lý do khác mà không ai mong muốn: trong đợt truy quét đang diễn ra, cảnh sát phát hiện phần lớn các phụ nữ đẻ thuê đều đến từ Lomsak để rồi huyện phải mang một biệt danh đáng buồn: “nông trại trẻ em”.
Theo phóng sự của tờ Bangkok Post đăng ngày 24.8, thời gian này không khí ở Lomsak khá ảm đạm. Người dân tỏ ra cảnh giác, ngần ngại khi được hỏi chuyện và đặc biệt là rất hiếm thấy phụ nữ có thai. “Tất cả những người mang thai hộ đều đã rời địa phương. Có người đến Bangkok chờ sinh, có người trốn vì sợ bị phạt”, một quan chức địa phương cho hay. Theo chính quyền Phetchabun, họ “rất bất ngờ” khi giới truyền thông phanh phui rằng có đến 5 làng ở Lomsak chuyên nghề “cho thuê tử cung”. Tuy nhiên, một số cư dân địa phương khẳng định chuyện đẻ thuê đã tồn tại nhiều năm nay ở Lomsak.
Một người dân tên Prasop Saenpuka kể với báo mạng Post Today rằng người dân ở đây rất nghèo, trồng me không đủ ăn và đẻ thuê là cách kiếm tiền dễ hơn nhiều. Hầu hết các phụ nữ mang thai hộ đã có gia đình và đã qua ít nhất một lần sinh nở. Họ được các cò mồi xuống tận làng để đặt hàng và mỗi lần mang thai, họ được trả 350.000 - 500.000 baht (250 - 350 triệu đồng), sinh đôi được gấp đôi. Các bà mẹ đẻ thuê được đưa lên Bangkok để cấy trứng đã thụ tinh sau đó về làng dưỡng thai rồi quay lại Bangkok để sinh. Một người khác ở Lomsak thì nói sở dĩ người làng đổ xô mang thai hộ vì ngoài chuyện tiền nong, họ còn tin rằng đây là một cách làm phước cho những người hiếm muộn.
Từ lúc chính quyền bắt đầu mạnh tay với đẻ thuê, nhiều gia đình ở Lomsak mới giật mình nhận ra đây là hành vi trái pháp luật. “Cháu tôi đã kiểm tra sức khỏe hết rồi nhưng nghe tin có thể bị bắt thì nó không chịu ký hợp đồng, cả nhà nó ai cũng lo sợ”, một phụ nữ giấu tên kể với Bangkok Post. Bà này nói thêm là gia đình cô cháu gái rất nghèo với 11 người chen chúc trong căn nhà rách nát.
Hệ lụy quốc tế
Chuyện đẻ thuê ở Thái Lan trở nên xôn xao sau vụ một cặp vợ chồng người Úc bị cáo buộc bỏ rơi đứa con trai mắc bệnh Down và nhiều hội chứng nguy hiểm khác. Theo AFP, 2 người này thuê một cô gái 21 tuổi tên Pattharamon Janbua ở Thái mang thai hộ với giá khoảng 15.000 USD nhưng rồi chỉ mang em gái song sinh khỏe mạnh của bé trai nói trên về nước. Hồi đầu tháng 8, Pattharamon cầu cứu giới truyền thông và vụ việc bị phanh phui. Sau rất nhiều tranh cãi và đe dọa kiện tụng, cuối cùng cha mẹ bé đã đồng ý nhận con về. Tuy nhiên, do rắc rối về pháp lý và thủ tục nên đến nay bé trai, hiện đã 7 tháng tuổi và được đặt tên là Gammy, vẫn đang do Pattharamon nuôi dưỡng. Từ vụ này, các chuyên gia đã chỉ ra những lỗ hổng lớn trong luật về mang thai hộ của Thái, đặc biệt là liên quan tới quyền lợi của em bé và người mang thai hộ.
Vụ Gammy còn dẫn đến hậu quả là có ít nhất 10 cặp vợ chồng người Úc cùng một số gia đình mang quốc tịch khác đang kẹt ở Thái Lan, theo trang tin News.com.au. Họ đều sử dụng dịch vụ đẻ thuê và nay không thể mang con về nước. Nhiều người đã ra đến sân bay nhưng bị cảnh sát buộc quay về khách sạn và chỉ có thể xuất cảnh khi được tòa án Thái công nhận quyền làm cha mẹ cùng nhiều thủ tục khác, một quá trình có thể mất đến vài tháng. Trước tình trạng này, chính phủ Úc đã kêu gọi Thái Lan nhanh chóng có những động thái hỗ trợ công dân nước mình. Các gia đình Úc được cho là khách hàng lớn nhất của dịch vụ đẻ thuê ở Thái. News.com.au dẫn lời đại diện Đại sứ quán Úc ở Bangkok cho hay từ năm 2013 đến nay, đã có khoảng 200 đứa trẻ ra đời theo dạng này.
Kỳ quái vụ thuê đẻ 16 đứa con Cảnh sát Thái và Interpol cũng đang phối hợp điều tra vụ doanh nhân người Nhật Mitsutoki Shigeta, 24 tuổi, thuê nhiều phụ nữ Thái sinh cho mình tổng cộng 16 đứa con, theo AFP. Hiện người này đã mang về Nhật 4 bé và số còn lại vẫn đang ở Thái. Giới chức cho hay họ đang điều tra theo hướng buôn người hoặc lạm dụng trẻ em. “Trước giờ tôi chưa thấy vụ nào như vụ này”, Giám đốc Interpol Thái Lan Apichart Suribunya nói với tờ The Guardian. Trong khi đó, luật sư của Shigeta khẳng định thân chủ mình không có động cơ xấu xa nào. Dù vậy, những tuyên bố và hành động của Shigeta khiến nhiều người nghi ngờ anh ta có vấn đề về tâm thần. Người này tuyên bố muốn có 1.000 đứa con và “chuyện tốt nhất tôi có thể làm cho thế giới này là mang đến càng nhiều trẻ em càng tốt”. Thậm chí Shigeta còn đang tìm cách đông lạnh tinh trùng nhằm để dành sử dụng khi lớn tuổi. Theo một số nguồn tin, Shigeta nói với cơ sở đẻ thuê ở Thái là anh ta “sau này sẽ ra tranh cử và nhiều con cháu thì sẽ có nhiều phiếu bầu”. Một số ý kiến khác thì cho rằng có thể Shigeta muốn giành quyền thừa kế phần lớn tài sản của người cha, vốn được cho là một triệu phú trong ngành công nghệ thông tin ở Nhật. |
Vinh Sơn
Bình luận (0)