Họ là những ngôi sao sáng âm thầm chiếu rọi giữa bầu trời khuya, xua tan đi cái lạnh lẽo, u tối của màn đêm bằng trái tim tràn đầy yêu thương và lý tưởng sống cao đẹp.
23 giờ, tôi lái xe về nhà sau ca làm việc muộn. Những con đường nhựa thường ồn ào, tấp nập giờ trở nên vắng đến lạ. Xa xa âm thanh gầm rú của vài tay đua tốc độ tiến sát lại gần rồi lướt xẹt qua như tia chớp làm tôi sởn da gà. "Cọc cạch" tiếng xe đạp xen lẫn vào tiếng "phình phịch" của chiếc xe máy sắp "hết thời" nhưng vẫn oằn mình chở các túi đồ chất cao, nặng trĩu của cô chú bán hàng rong, tựa như những lời bộc bạch sau một ngày mưu sinh vất vả...
Miên man trong dòng suy nghĩ bỗng tiếng còi vang lên inh ỏi cùng âm thanh "stop" liên tục phát lên khiến tôi giật bắn mình thắng xe cái két. Chưa kịp hoàn hồn thì mắt tôi trố lên kinh ngạc khi thấy một nhóm rất đông các thanh niên tụm năm, tụm bảy hì hục trộn, lắp cái gì đó trên suốt đoạn đường dài.
"Dạ, xin lỗi đã phiền chị. Chị có thể đi vào lối đằng kia giúp em? Tụi em đang tranh thủ vá lại những ổ gà, ổ voi để đảm bảo an toàn cho người đi đường. Em cảm ơn chị nhiều ạ", giọng nói đậm chất Sài thành của một bạn nữ vang lên. Đứng lọt thỏm giữa hàng, bạn ấy cùng 10 thanh niên nắm tay nhau tạo thành rào chắn để bảo vệ đồng đội yên tâm làm việc bên trong.
Nghe "vá ổ gà" khiến tôi trở nên tò mò, thích thú. Chuẩn bị lui xe rẽ hướng kia nhưng trong lòng như có sợi dây vô hình níu lại, tôi dắt xe vào lề rồi quyết định xin phụ với các bạn. Tiến đến gần một bạn nam đang chạy tới chạy lui điều động các thanh niên làm việc, tôi đoán chắc đây là đội trưởng và hồi hộp mở lời:
Chào bạn, mình vừa tan làm về, nhìn các bạn đang vá đường mình thấy hay quá! Bạn có thể cho mình phụ với được không? Dựa trên kinh nghiệm nhiều lần vá, tụi em đã chia thành các khâu thế này để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Chị muốn phụ khâu nào ạ? Khâu trộn vật liệu, thấy các bạn làm mà mồ hôi thấm ướt hết cả áo. Bạn cho mình vào phụ với các bạn ấy nhé! À mà bạn tên gì nhỉ? Dạ, em tên Thái Minh Thành (sinh viên năm 4, ĐH Bách Khoa TP.HCM). Khâu chị chọn hơi bị nặng í. Nhưng chị cứ thử xem sao. Nếu mệt chị cứ nói nhé, em và các bạn sẽ đổi chị sang khâu khác nhẹ hơn.
Đang quan sát nhóm thanh niên đổ vật liệu vào ổ gà, bạn nam lên tiếng: "Ổ gà này hơi to, Thái và Luôn đổ thêm một lớp dày 5 cm nữa rồi lấy bay tráng lại vật liệu cho bằng với mặt đường nhé!".
Nhắc việc xong cậu hướng về phía tôi lau vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán rồi nở nụ cười tươi: "Dạ xin lỗi, giờ em mới nói chuyện với chị được. Tụi em rất vui khi được chị phụ giúp. Ở đây cũng có những anh chị đã đi làm tham gia. Em chỉ hơi ngại bộ đồ chị đang mặc sẽ bị bẩn thôi ạ".
"À, không sao", tôi trả lời rồi xắn liền ống quần, tay áo lên để bạn biết mình đã sẵn sàng và không sợ gì hết. Bạn đội trưởng nhìn tôi đứng hình vài nốt nhạc rồi giơ ngón tay cái lên cười đồng ý. Dắt tôi đi một vòng, bạn giới thiệu các khâu vá đường, từ bồi dưỡng, hướng dẫn, đào lỗ, vệ sinh ổ gà, trộn xi măng, đổ tráng vật liệu đến bảo quản ổ gà sau khi vá đều được các bạn sắp xếp, tính toán rất kỹ và bài bản.
Dẫn tôi đến nhóm có 5 bạn nam, 2 bạn nữ đang thay phiên trộn vật liệu, Thành nói với Bảo – nhóm trưởng khâu này hướng dẫn tôi làm. Vừa nhận dụng cụ từ tay các bạn, xúc cát đá lên trộn vài xẻng là tôi đã bắt đầu toát hết cả mồ hôi. Nhìn sang một bạn nữ cũng đang dồn sức trộn, áo quần lấm lem hết vậy mà trên khuôn mặt vẫn rạng ngời, tươi tỉnh. Làm được một lúc, bạn chuyền xẻng cho bạn nam đứng nghỉ gần đó trộn tiếp rồi tiến về phía tôi, rủ tôi đi nghỉ.
Khoảnh khắc rời tay khỏi cây xẻng, tôi cảm thấy như vừa buông xuống một tảng đá to. Hóng gió trời được vài giây tôi liền được các bạn thanh niên nhiệt tình mời nước. Đang khát tôi uống liền một hơi cạn sạch ly, chưa kịp mở lời khen ngon thì những nụ cười đùa tươi roi rói cùng cử chỉ quan tâm chăm sóc lẫn nhau của các bạn khiến tôi kinh ngạc, vì trước đó ai cũng đã mệt đến lả cả người. Các bạn "đào" đâu ra nguồn năng lượng tràn trề, tích cực thế nhỉ?
Như đọc được suy nghĩ của tôi, Bích Huệ (sinh viên năm 4, ĐH Kinh tế TP.HCM) - bạn nữ vừa kêu tôi nghỉ, tâm sự: "Trước đây, tầm giờ này là em đã lăn lên giường ngủ. Hoặc lâu lâu "lên cơn" rủ đám bạn đi "quẩy" tận khuya mới về. Nhưng kể từ lúc biết đến Thượng tọa Thích Chân Quang (trụ trì Thiền Tôn Phật Quang ở núi Dinh, Vũng Tàu), được nghe những lời dạy tâm huyết của thầy thì tinh thần cống hiến, phụng sự hết mình vì mọi người như thấm sâu vào máu của chúng em. Với việc vá đường, chúng em hy vọng sẽ góp phần bảo vệ an toàn cho người đi đường, giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông, để ai ai cũng có được nụ cười an vui. Niềm vui của mọi người là niềm vui của mình. Đó cũng là lý do mà tụi em không thấy mệt. Dù khó khăn, vất vả đến đâu miễn là đóng góp được chút gì đó cho mọi người, cho cuộc đời thì chúng em đều đoàn kết, quyết tâm làm bằng được".
Nghe những lời Huệ nói, phút chốc lòng tôi chợt có gì đó vỡ ra. Ngước nhìn lên bầu trời về khuya lúc này không thấy một vì sao. Nhưng ở đây, tại nơi mà tôi đang đứng lại có hàng chục ngôi sao đang lặng thầm tỏa sáng, mang đến biết bao niềm tin yêu và hạnh phúc cho cuộc đời.
San lắp xong mười mấy ổ gà cũng hơn 1 giờ sáng, chúng tôi cùng nhau dọn dẹp rồi chia tay ra về. Và trên suốt chặng đường về, khác với mọi khi, tôi như thấy được "lối đi". Lần đầu tiên niềm hạnh phúc thật sự dâng tràn trong trái tim tôi.
Trước khi nhắm mắt đi vào giấc ngủ, lòng tôi cứ khấp khởi mong chờ mau đến khuya thứ bảy tuần sau, tôi sẽ được cùng các bạn chạy khắp các nẻo đường TP.HCM để tặng thức ăn, vật dụng cần thiết cho những người vô gia cư. Vậy là một hành trình mới, một chương mới đầy tươi vui, hạnh phúc đã mở ra. "Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/Ta được thêm ngày nữa để yêu thương", lẩm nhẩm câu thơ của Kahlil Gibran rồi tôi ngủ quên tự lúc nào không biết…
Cuộc thi viết Hào khí miền Đông do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổ chức là cơ hội để độc giả chia sẻ tình cảm sâu đậm của bản thân về đất và người các tỉnh thành Đông Nam bộ (bao gồm Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, TP.HCM), đồng thời đóng góp những cách làm hay, mô hình mới, tư duy sáng tạo, năng động của người miền Đông. Tác giả có thể gửi bài tham dự theo hình thức tản văn, tùy bút, ghi chép, phóng sự báo chí... để có cơ hội nhận các giải thưởng hấp dẫn với tổng trị giá đến 120 triệu đồng.
Bài dự thi vui lòng gửi về địa chỉ email haokhimiendong@
Thể lệ chi tiết vui lòng xem tại đây.
Bình luận (0)