Như Thanh Niên đã đưa tin, chủ nhân của Giải thưởng chính giải VinFuture (trị giá 3 triệu đô la Mỹ) mùa đầu tiên đã được trao cho 3 nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman (Mỹ) và Pieter Cullis (Canada) với công nghệ mRNA mở đường tạo ra các loại vắc xin ngăn ngừa Covid-19 hiệu quả.
Mong chờ được sang Việt Nam
Cả 3 nhà khoa học trên đã có mặt ở Hà Nội từ 17.1. Với riêng GS Kariko, chuyến đi này còn là một sự mong chờ có tính cá nhân, không chỉ là một hoạt động liên quan tới khoa học.
GS Kariko cho biết: “Trong những năm 1970, khi còn học ở ĐH Szeged, tôi có 2 người bạn Việt Nam sang Hungari du học. Họ rất thân thiết với tôi, đã đến nhà tôi chơi, thăm bố mẹ tôi, làm một số món ăn Việt Nam (như nem chẳng hạn) cho chúng tôi thưởng thức. Các bạn ấy không có điều kiện để mời cả gia đình chúng tôi đến Việt Nam nên việc tôi có cơ hội sang đây khiến chúng tôi rất vui. Qua những người bạn ấy tôi hiểu thêm nhiều về Việt Nam. Họ sang Hungari thì phải học tiếng 1 năm và sau là học chuyên ngành. Họ khiến tôi rất khâm phục vì nghĩ nếu là mình, mình phải học 1 năm tiếng nước ngoài rồi mới được học ĐH thì không biết sẽ phải làm thế nào!”.
Bà Lê Lan Hương (thứ 2 từ trái sang), một người bạn học cũ của GS Kariko từ hồi 2 người còn học ĐH ở Hungary, tham gia cuộc giao lưu với GS Kariko tại ĐH VinUni sáng 21.1 |
Quý Hiên |
Cũng bằng cách chia sẻ chân thành đó, GS Kariko trả lời khi được nhận xét là “người hùng”: “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là người hùng, mà tất cả đồng nghiệp của tôi - những người đang cố gắng chống Covid-19 mọi nơi mới là những người hùng thực sự. Trong quá trình quyết tâm làm vắc xin, thứ duy nhất tôi nghĩ là làm vắc xin cho những con người đó - những người hùng thực sự”.
Trong câu chuyện sau đó bà Kariko lại nhấn mạnh: “Tôi lớn lên trong căn phòng chật hẹp, không có nước sạch và cũng không có điều kiện tốt như nhiều người. Nhưng quan điểm của tôi không quan trọng điểm xuất phát ở đâu, miễn là các bạn cố gắng tốt. Các bạn không nhất thiết sinh ra đã con của một vị giáo sư. Các bạn chỉ cần cố gắng thì có thể phát triển được. Như tôi, tôi chẳng khác biệt, chẳng thần thánh, hay có kỹ năng gì hơn người. Đơn thuần là sự cố gắng và phấn đấu”.
"Tôi muốn nhắc lại, đừng từ bỏ!"
Trong hơn 2 năm qua, công chúng toàn cầu, những người quan tâm tới vắc xin phòng Covid-19 đã được đọc rất nhiều thông về hành trình tìm vắc xin chống Covid-19 của các nhà khoa học. Câu chuyện thành công với vắc xin Covid-19 thoạt nghe có vẻ đến khá nhanh so với vắc xin chống các loại bệnh dịch khác trước đó. Nhưng thực ra cả 3 nhà khoa học nói trên đều âm thầm tìm tòi nghiên cứu, say mê theo đuổi mối quan tâm của mình trong hàng chục năm trời.
Chia sẻ với các nhà báo Việt Nam, GS Kariko cho biết, thành công trong việc giúp nhân loại chống lại đại dịch Covid-19 là một diễn biến tất yếu trong hành trình làm khoa học bằng đam mê. Thực tình bà và các bạn đồng nghiệp không có dự định làm vắc xin, mà chỉ là muốn giải quyết các vấn đề khác của cuộc sống. Nhưng nghiên cứu khoa học bao đời nay vẫn vậy, khi anh giải quyết được vấn đề này thì vô tình thành quả của nó là chìa khoá để giải quyết một vấn đề khác. Đó cũng là lý do khiến khoa học luôn luôn phát triển.
“Công việc của khoa học là giải quyết các vấn đề thực tế cuộc sống hiện tại, vì làm sao mà các bạn sẽ biết là ngày mai thế giới sẽ đi về đâu! Ta cứ tìm các vấn đề cuộc sống để giải quyết thì khoa học sẽ phát triển thôi”, GS Kariko nói.
GS Cullis cũng đã từng chia sẻ khi được hỏi về việc ông có hy vọng được giải thưởng triệu đô khi được mời sang Việt Nam: “Tôi chẳng mong đợi gì cả. Với tôi, được làm khoa học thì đó đã là điều may mắn, là một đặc ân rồi. Chúng tôi được nghiên cứu mọi vấn đề chúng tôi quan tâm, về tim mạch, gan mật… Đó là việc tôi tìm thấy niềm vui và hạnh phúc hàng ngày”.
Từ trái sang: GS Drew Weissman, GS Katalin Kariko và GS Pieter Cullis |
Thanh Lâm |
GS Drew Weissman cũng tâm sự: “Khi tôi bắt đầu làm công nghệ mRNA thì đó là giai đoạn rất khó khăn vì không ai quan tâm đến vấn đề này, không ai cho kinh phí, không nơi nào đăng công trình mà chúng tôi muốn công bố. Nhưng chúng tôi thấy tương lai và hiểu tầm quan trọng của công nghệ và không bao giờ từ bỏ. Tôi muốn nhắc lại, đừng từ bỏ! Mình phải kiên trì, nỗ lực, thất bại vẫn kiên trì”.
Bình luận (0)