Trường siêu nhỏ (microschool) thường hoạt động 4-5 ngày/tuần, chương trình được thiết kế riêng. Sĩ số học sinh toàn trường dao động từ 5 đến 16 học sinh.
Tổ chức National Microschooling Center (NMC, Trung tâm về trường siêu nhỏ quốc gia) ước tính có 95.000 trường siêu nhỏ và nhóm học tập tại nhà ở Mỹ, phục vụ cho hơn 1 triệu học sinh.
Xuất phát từ xu hướng phụ huynh chuộng dạy con tại nhà
Trường siêu nhỏ đáp ứng nhu cầu của phụ huynh có con bị khuyết tật, tự kỷ hay không muốn con học tại trường công lập, theo tờ The Hill.
Những ngôi trường siêu nhỏ này xuất phát từ xu hướng phụ huynh chuộng "home schooling" (dạy con tại nhà) sau khi dịch Covid-19 bùng phát làm ảnh hưởng đến hoạt động học tập trực tiếp tại trường. Những phụ huynh này cởi mở với những loại hình giáo dục phi truyền thống.
Một số phụ huynh khác chọn trường siêu nhỏ vì có con bị bệnh tự kỷ hoặc khuyết tật, khó có thể hòa nhập với bạn bè trong môi trường lớp học 25 học sinh tại các trường công lập.
Trong một trường hợp cụ thể, bà Diana Lopez cho biết con trai Nathanael (7 tuổi) bị bệnh tự kỷ trở nên vui vẻ hơn kể từ khi vào học tại trường siêu nhỏ Kingdom Seed (TP.Snellville, bang Georgia). Toàn trường chỉ có 7 học sinh, theo tờ The New York Times.
“Trước đây, con từng nói với mẹ rằng con không muốn quay lại trường nữa. Mỗi khi đến trường đón con, tôi thường thấy bé bắt đầu khóc ngay lập tức. Từ khi vào microcshool, con cảm thấy thoải mái, vui vẻ đến trường và hạnh phúc hơn hẳn”, bà Diana chia sẻ.
Bà Diana cho rằng trong lớp học 25 học sinh thông thường, giáo viên khó có thể chăm sóc chu đáo cho đứa con trai bị bệnh tự kỷ.
Giáo viên của Nathanael là bà Desiree McGee-Greene đã sáng lập Kingdom Seed vào tháng 8.2023 ngay tại nhà riêng của bà. Phòng khách của gia đình giờ đây trở thành một lớp học, với bức tường được trang trí bằng chữ cái, con số và tranh vẽ. Bà McGee-Greene cùng chồng, từng là giáo viên, thay phiên dạy học sinh.
Trong một buổi sáng đầy nắng, Nathanael cùng các bạn (5 đến 7 tuổi) ngồi học trên tấm thảm. Một ngày bắt đầu với lịch sử Kinh Thánh và sau đó học sinh học các phép toán cơ bản. Tiếp đó, học sinh ra vườn vẽ và viết về côn trùng, những loài hoa vào nhật ký học tập.
Bên cạnh việc giảng dạy, bà McGee-Greene còn hướng dẫn cho những giáo viên muốn thành lập trường siêu nhỏ và làm podcast chia sẻ bí quyết của mình. Bà còn bán chương trình về trường siêu nhỏ của mình.
Lo ngại về chất lượng giáo dục
Tại một số bang ở Mỹ, các tổ chức xã hội ủng hộ trường siêu nhỏ và chính quyền hỗ trợ tài chính cho phụ huynh chọn loại hình trường này.
Theo khảo sát của NMC, 40% học sinh tiểu học đang học tại trường siêu nhỏ từng học ở trường công lập và 1/3 được học tại nhà (home schooling).
Hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về quản lý loại hình trường siêu nhỏ, theo The New York Times. Bất cứ ai cũng có thể mở loại hình trường này và hơn 2/3 nhà sáng lập vốn là giáo viên. Những trường này có thể dạy bất cứ chương trình gì.
Cơ sở vật chất tổ chức trường siêu nhỏ có thể là một căn hộ, mặt bằng thuê hoặc trong khuôn viên nhà thờ. Các trường này không bị thanh tra và việc kiểm tra lý lịch nhân viên, giáo viên đôi khi không cần thiết.
Bà Marisa Chambers, chủ một trường siêu nhỏ ở TP.Atlanta, cho hay bà từ bỏ công việc quản lý trường học công lập hồi năm 2019, một phần vì thất vọng trước thực trạng giáo dục dành cho học sinh khuyết tật tại trường công lập. Trường của bà Chambers chỉ nhận 6 học sinh tuổi từ 8-15.
Một trong số học sinh của bà là Alan (12 tuổi) bị câm nín chọn lọc (selective mutism). Đây là một dạng rối loạn, trẻ có thể nói và hiểu ngôn ngữ trong một số trường hợp nhưng lại không nói trong một số hoàn cảnh xác định khác. Trước đây, khi đón con tại trường tiểu học công lập, phụ huynh thường thấy Alan bị tách biệt khỏi các bạn cùng lứa. Từ đó, Alan được đưa đến trường của bà Chambers.
Nhìn chung, trường siêu nhỏ được cho là chỉ phục vụ những học sinh không thể hòa nhập tốt với môi trường học tập tại các trường công lập. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục bày tỏ mối lo ngại về chất lượng giáo dục của loại hình trường này.
Bà Lisa Morgan, chủ tịch Hiệp hội các nhà giáo dục bang Georgia, cảnh báo, bên cạnh dạy tại nhà (homeschooling) thì trường siêu nhỏ (microschool) chỉ là “một phương pháp khác để phụ huynh tách con em mình ra khỏi các trường công lập, nơi trẻ được trải nghiệm sự đa dạng”.
Bình luận (0)