Có lẽ do hình thế núi cao, dáng đẹp, sừng sững giữa quần sơn mà khi vào định đô ở Phú Xuân, các chúa Nguyễn đã chọn Duệ Sơn là chủ sơn tụ khí cho vùng long mạch xứ Huế.
Duệ Sơn, tức núi Duệ (người dân địa phương thường gọi là núi Rệ), được chạm ở Tuyên đỉnh trong Cửu đỉnh. Núi còn có tên núi Lễ, thuộc dãy núi phía tây nam kinh thành Huế, nay thuộc xã Dương Hòa, TX.Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế).
Duệ Sơn là ngọn núi cao nhất trong dãy núi nằm ở thượng nguồn nhánh Tả Trạch của sông Hương. Từ kinh thành Huế những ngày trời quang mây tạnh, nhìn lên phía tây nam có thể thấy Duệ Sơn vươn cao. Duệ Sơn là ngọn núi nằm trong quần thể núi non xuất phát từ dãy Trường Sơn kéo dài đến Bạch Mã, Hải Vân, tạo nên cánh Bạch Hổ bề thế bao bọc bên tay phải của kinh thành Huế.
Từ đỉnh Duệ Sơn đã phát tích một dòng suối chảy uốn lượn giữa vùng núi đồi và tách ra thành nhiều nhánh, trong đó có nhánh chảy về núi Thiên Thọ, nơi có lăng vua Gia Long, tạo nên những vùng sơn thủy hữu tình, trước khi nhập vào suối Kim Ngọc chảy ra sông Hương. Một số nhánh khác chảy về bổ sung nguồn nước cho ruộng, đồng của người dân các xã Dương Hòa (TX.Hương Thủy) và Hương Thọ (nay thuộc TP.Huế) trước khi nhập vào dòng chính của dòng Tả Trạch.
Trên những con suối này, trước đây có nhiều cây thạch xương bồ mọc trên những ghềnh đá hai bên bờ. Thân, rễ và lá loại thảo mộc này có mùi thơm dịu nhẹ, tương truyền chính là chất liệu làm cho dòng nước thơm tho nên mới có tên sông Hương.
Núi Duệ như vị thần canh giữ, đứng trấn trị phía đầu nguồn sông Hương, làm án che chở cho vùng đất yên nghỉ của các chúa Nguyễn, lăng vua Gia Long và cả các công trình di tích quan trọng như Văn miếu, Võ miếu và kinh thành Huế, cho nên đã được khắc vào Tuyên đỉnh.
Chính sử triều Nguyễn ghi chép, năm Minh Mạng thứ 16 (1835), vua cho đúc Cửu đỉnh gồm Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh và Huyền đỉnh. Vua muốn phỏng theo đời xưa, đúc chín cái đỉnh đặt ở trước sân nhà Thế miếu, để tỏ ý mong rằng muôn năm bền vững, dõi truyền đời sau. Đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Cửu đỉnh đúc xong. Vua sai chọn thợ khéo chạm khắc hình tượng vào đỉnh và ban thưởng cho thợ đúc Cửu đỉnh.
Ngày Cốc đán 25 tháng giêng năm Minh Mạng thứ 18 (1837), Cửu đỉnh được đặt ở trước sân Thế miếu (dưới chân đỉnh được kê tảng đá bằng). Vua thân đến tế cáo miếu, lễ xong lại thân ra xem xét, thấy chín cái đỉnh sừng sững, nguy nga, cao lớn kiên cố, không chút tì vết, có thể làm của báu truyền đời để lại cho con cháu. Đến năm Minh Mạng thứ 20, nhà vua lại ban sắc lệnh cho việc tế thần núi Duệ hằng năm.
THẮNG CẢNH DU LỊCH TIỀM NĂNG
Dù đỉnh núi Duệ Sơn từng được đưa vào Tuyên đỉnh và triều Nguyễn đã sắc lệnh tổ chức tế lễ thần núi hằng năm, nhưng ngày nay thắng cảnh này vẫn chưa được nhiều người du khảo khám phá.
Mới đây, một nhóm nhiếp ảnh gia và nhà du khảo ở Huế với sự hỗ trợ của người dân địa phương ở xã Dương Hòa đã chinh phục đỉnh Duệ Sơn và bất ngờ ghi lại được những hình ảnh tuyệt đẹp khi đứng trên đỉnh núi nhìn về vùng hạ du.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Phúc Bảo Minh cho biết, từ đỉnh Duệ Sơn nhìn về toàn cảnh lăng vua Gia Long ẩn mình trong vùng sơn thanh cẩm tú và xa xa là kinh thành Huế tráng lệ phía hạ lưu, mới hiểu vì sao triều Nguyễn lại chọn ngọn núi này làm chủ sơn để khắc lên Tuyên đỉnh. Thắng cảnh Duệ Sơn là điểm đến tuyệt vời cho bất cứ ai muốn khám phá, trải nghiệm cảm giác chinh phục những ngọn núi cao của vùng sông núi linh thiêng xứ Huế.
Ngược lại, đứng từ lăng Thoại Thánh, lăng của bà Nguyễn Thị Hoàn, mẹ vua Gia Long (thụy hiệu là Ý Tĩnh Huệ Cung An Trinh Từ Hiến Hiếu Khang Hoàng hậu) thuộc quần thể lăng Gia Long, làng Định Môn, xã Hương Thọ (TP.Huế) nhìn về hướng chính nam, Duệ Sơn sừng sững nằm ngay tiền án, uy nghi.
Trong hệ cảnh quan của Duệ Sơn còn nhiều địa điểm du lịch tiềm năng chưa được khai thác như thác Đá Dăm, thác Chín Chàng, khe Đầy (xã Dương Hòa), hồ Thọ Sơn (xã Hương Thọ)… Đây là những điểm du lịch cảnh quan tuyệt vời, thời gian qua bắt đầu được người dân địa phương khai thác dịch vụ, tuy nhiên vẫn còn sơ sài, chưa được đầu tư bài bản, chất lượng nên tiềm năng du lịch vẫn còn bỏ ngỏ. (còn tiếp)
Bình luận (0)