Thần giúp vua thắng giặc
Núi Tam Thai (hay còn gọi là núi Khả Lao, núi Đan Nê - gọi theo tên làng qua các thời kỳ) là dãy núi gắn liền với nhiều điển tích ở nước ta, kể từ đời vua Hùng thứ nhất cho đến các đời vua sau này, như Lê Đại Hành, Lý Thái Tông… Tương truyền núi Tam Thai là nơi ngự trị của thần Trống Đồng (hay còn gọi là thần Đồng Cổ) - vị thần đã giúp nhiều đời vua đánh thắng giặc ngoại xâm, bảo hộ giang sơn xã tắc.
Tương truyền, đời vua Hùng thứ nhất, khi nhà vua dẫn quân chinh phạt giặc Hồ Tôn ở phương nam đã cho quân dừng lại ở chân núi Tam Thai. Đêm đến, nhà vua được một vị thần tự xưng là thần miếu Khả Lao ở núi Tam Thai báo mộng, xin được mượn trống đồng và dùi đồng để giúp nhà vua đánh giặc. Khi tỉnh giấc, nhà vua sai quân lính mang trống đồng và dùi đồng ra trận. Quả thực, khi đang xung trận, tiếng trống đồng từ không trung vang lên văng vẳng và đầy khí thế khiến cho quân giặc hoảng loạn, hồn xiêu phách lạc. Thắng trận trở về, vua Hùng tìm lại núi Tam Thai tạ lễ và ban phong cho thần là Đồng Cổ Đại vương (tức thần Trống Đồng), và là vua của các thần. Sau đó, nhà vua cho đúc trống đồng, dùi đồng để thờ tại miếu ở chân núi.
Sử còn ghi chép, năm 986, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn đem quân đi đánh giặc Chiêm Thành ở phương nam, khi đi đến sông Ba Hòa (nay là khu vực TX.Nghi Sơn, Thanh Hóa) thì gặp trời mưa to, gió lớn, thuyền bè không thể đi được. Lúc này, thần Đồng Cổ đã báo mộng và giúp sức, Lê Hoàn chắp tay tế lạy, trời liền quang mây, gió liền ngưng thổi. Đoàn quân của Lê Hoàn tiếp tục hướng về phương nam và đánh thắng giặc. Khi trở về, Lê Hoàn đã đến núi Tam Thai vào đền tạ lễ và ghi câu đối: Long Đình hiển tích Tam Thai lĩnh/Mã Thủy thanh lai bán nguyệt hồ.
Đến năm 1020, thái tử Lý Phật Mã (sau này là vua Lý Thái Tông) phụng mệnh vua cha Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) đem quân đi đánh giặc Chiêm Thành. Tương truyền, khi đến bến Trường Châu (nằm ở chân núi Tam Thai) thì thái tử Lý Phật Mã cho quân sĩ dừng chân nghỉ qua đêm. Canh ba đêm ấy, đang trong giấc ngủ, thái tử được một người thân cao 8 thước, mắt sáng, râu rậm, mặc chiến bào, tay cầm kim khí, đến trước cúi đầu tâu rằng: "Tôi là thần Đồng Cổ, nghe tin thái tử đi đánh giặc phương nam, tôi xin theo giúp để phá giặc lập công".
Thái tử Lý Phật Mã vỗ tay khen ngợi rồi tỉnh giấc. Quả nhiên, theo lời thần, vua cho quân tiến đánh giặc Chiêm Thành và giành thắng lợi. Khải hoàn, về qua bến Trường Châu, thái tử sai quân sĩ sửa sang miếu thần thành đền thần, rồi tạ lễ và rước bài vị về kinh đô để dựng đền thờ cầu cho quốc thái dân an. Đền Đồng Cổ chính thức có từ đây - nay là Di tích lịch sử và văn hóa cấp quốc gia núi và đền Đồng Cổ (được xếp hạng năm 2001). Thần Đồng Cổ không chỉ giúp các vị vua đánh thắng giặc ngoại xâm, còn báo mộng giúp thái tử Lý Phật Mã dẹp loạn Tam Vương…
Sơn thủy hữu tình
Di tích núi và đền Đồng Cổ hiện nay có diện tích khoảng 11 ha, bao gồm: núi Tam Thai - tên gọi theo dáng núi có 3 ngọn (núi Xuân, núi Nghễ, núi Đổng) nối liền nhau thành hình cánh cung, ở giữa là hồ bán nguyệt và đền Đồng Cổ. Cảnh đẹp núi Tam Thai từng được Nguyễn Quang Bàn (con trai vua Quang Trung) khắc ghi qua bài văn bia, ca ngợi nơi này là sơn thủy hữu tình.
Đứng từ trên đỉnh núi Tam Thai trông xuống là dòng sông Mã và sông Chu - nơi hai con sông này hợp lưu trước khi đổ về biển, tạo nên cảnh đẹp hiếm nơi nào có được. Vẻ đẹp thiên nhiên cùng với những giá trị văn hóa - lịch sử to lớn của núi và đền Đồng Cổ là nguồn thi hứng để các bậc tao nhân mặc khách sáng tác hàng trăm bài thơ.
Ông Lê Trương Vân, thành viên Ban Quản lý di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia núi và đền Đồng Cổ, cho biết ở lưng chừng núi Tam Thai có Quán Triều Thiên (Quán Chầu trời). Xưa kia, mỗi khi dân làng Đan Nê bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, nhất là mất mùa thì các vị cao niên trong làng lại sắm sửa lễ vật lên Quán Triều Thiên để tế lễ. Cũng theo ông Vân, người dân địa phương luôn xem núi Tam Thai rất linh thiêng, nên không bao giờ xâm phạm đến núi. "Lịch sử hình thành làng Đan Nê và xã Yên Thọ ngày nay gắn liền với núi, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân cũng gắn liền với núi, vì thế, chúng tôi luôn mong muốn giữ gìn thắng cảnh núi Tam Thai như báu vật cho muôn đời sau", ông Vân cho hay.
Tiến sĩ sử học Phạm Văn Tuấn, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thanh Hóa, cho biết trong hàng trăm ngọn núi ở tỉnh Thanh Hóa thì núi Tam Thai là một trong ba núi thiêng ở địa phương (gồm núi Tam Thai, núi Nưa, và núi Xuân Đài). Trong đó, núi Tam Thai có vị trí, địa thế rất đẹp và linh thiêng. "Trên núi Tam Thai có Quán Triều Thiên, chùa Thanh Nguyên, và đền Đồng Cổ. Vị trí núi nằm trên tuyến đường thiên lý nối đồng bằng sông Hồng với đồng bằng sông Mã, đây là con đường hành binh về phương nam của các đời vua trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Ngoài thắng cảnh, núi Tam Thai còn là nơi dung hòa giữa các tôn giáo lớn, nơi thờ các vị thần linh có công giúp nước, nên trở thành nơi linh thiêng. Đặc biệt, đền Đồng Cổ - nơi thờ thần Trống Đồng, vị quốc thần trong hệ thống bách thần Việt Nam", TS Tuấn cho hay. (còn tiếp)
Bình luận (0)