Những ngọn núi thiêng: Thưởng trà trên đỉnh Kim Phụng

11/09/2024 06:00 GMT+7

Đối với người dân xứ Huế, núi Kim Phụng thuộc vùng tây nam kinh thành Huế cũng là ngọn núi thiêng mà bất cứ ai đều mong muốn chinh phục, ít nhất một lần trong đời.

Từ TP.Huế đi tuyến đường QL49 ngược theo sông Hương lên phía đầu nguồn, khi ngang qua khu vực lăng Cơ Thánh, nhìn thẳng sang phía bắc sông Hương là thấy núi Kim Phụng sừng sững giữa một vùng quần sơn trập trùng. Lăng Cơ Thánh còn gọi Lăng Sọ, lăng của ông Nguyễn Phúc Luân (1733 - 1765), thân phụ vua Gia Long, tọa lạc ở làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, nay thuộc TP.Huế. Từ kinh thành Huế nhìn lên phía tây, cũng thấy núi Kim Phụng sừng sững với hình thế uy nghi giữa đất trời.

Những ngọn núi thiêng: Thưởng trà trên đỉnh Kim Phụng- Ảnh 1.

Núi Kim Phụng nhìn từ sông Hương, khu vực lăng Cơ Thánh

ẢNH: BÙI NGỌC LONG

Núi Kim Phụng còn có tên là Thương Sơn, hay tên khác là Thiên Dữu, ở phía tây nam kinh thành Huế, thuộc địa phận xã Hương Thọ (nay thuộc TP.Huế). Núi có hình thế khum khum cao lớn, trông như vựa thóc tròn. Đối với người dân tuyến biển, Kim Phụng là ngọn "hải đăng" định hướng ra khơi đánh bắt trở về. Từ vùng biển xa bờ của tỉnh Thừa Thiên-Huế nhìn vào đã thấy núi Kim Phụng sừng sững vươn cao, để ngư dân định hướng vào bờ khi thuyền đã đầy ắp cá, mực.

Những ngọn núi thiêng: Thưởng trà trên đỉnh Kim Phụng- Ảnh 2.

Núi Kim Phụng nhìn từ sông Hương

ẢNH: NGUYỄN T.A PHONG

Cũng như Duệ Sơn, Thương Sơn được triều Nguyễn chạm vào Chương đỉnh, như một thắng cảnh tiêu biểu của giang sơn nước Việt. Kim Phụng hay Thương Sơn là ngọn núi đẹp khác thường, được nhiều nhà phong thủy xem là ngọn núi chủ thứ nhất của hệ sơn mạch xứ Huế. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), Thương Sơn còn được xếp vào hàng danh sơn, chép trong điển thờ, hằng năm sai quan viên sắm lễ vật tế lễ sơn thần.

Những ngọn núi thiêng: Thưởng trà trên đỉnh Kim Phụng- Ảnh 3.

Núi Kim Phụng hay Thương Sơn khắc trên Chương đỉnh

ẢNH: T.L

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Kim Phụng là vùng núi thuộc kiểm soát của dân quân cách mạng. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư, trong đêm tưởng niệm nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ tại TP.Huế hồi tháng 7.2023, đã chia sẻ: "Những ngày hoạt động cách mạng trên rừng, chiều chiều, tôi và Hoàng Phủ Ngọc Tường thường lên ngồi trên đỉnh núi Kim Phụng nhìn về TP.Huế và mong nước đến ngày hòa bình để được về với Huế". Và ông cũng đã có những dòng thơ viết vào sổ tang:

Nhớ ngày kháng chiến
Cùng ngồi trên núi Kim Phụng
Nhìn về Huế
Chúng ta nói với nhau
Mong ngày đất nước thanh bình lại về với Huế
Hơn 50 năm, cứ thế đi mãi…

Núi Kim Phụng chỉ cách TP.Huế chừng 10 km đường chim bay, nhưng trong chiến tranh nơi đây vẫn là vùng ngăn cách không thể về nhà của những người làm cách mạng.

n núi thƯỞNG trà

Ngày nay, với giới trẻ Huế, niềm đam mê chinh phục Kim Phụng vẫn là một trải nghiệm thú vị khi đi bộ, leo núi, qua đêm trên đỉnh núi và thưởng trà vào lúc bình minh.

Những ngọn núi thiêng: Thưởng trà trên đỉnh Kim Phụng- Ảnh 4.

Từ đỉnh Kim Phụng nhìn về sông Hương, vùng Văn Thánh, Võ Thánh

ẢNH: V.T

Từ TP.Huế, hành trình chinh phục đỉnh Kim Phụng của chúng tôi thường bắt đầu vào khoảng đầu giờ chiều. Hành trang mang theo là lều trại, túi ngủ, một ít thức ăn, nước uống và không thể thiếu ấm trà ướp hương sen hồ Tịnh Tâm.

Những ngọn núi thiêng: Thưởng trà trên đỉnh Kim Phụng- Ảnh 5.

Tượng Phật được tôn trí trên đỉnh Kim Phụng

ẢNH: V.T

Sau khi gửi xe máy dưới chân núi ở làng Hải Cát (xã Hương Thọ, TP.Huế), chúng tôi bắt đầu đi bộ lên núi theo đường mòn lâm sinh của người dân địa phương. Đi bộ chừng 2 giờ đồng hồ, lên đến đỉnh núi cũng là lúc hoàng hôn buông xuống. Sương lạnh bắt đầu thấm mát. Chúng tôi chọn điểm nghỉ qua đêm trên những tảng đá bằng phẳng, trải bạt và dựng lều. Một bếp lửa được nhóm lên từ cành khô thu gom được. Cả nhóm bắt đầu chuẩn bị bữa tối và nhìn về thành phố đang lên đèn. Huế về đêm lấp lánh xa xa như thảm hoa đăng lung linh huyền hoặc.

Trên đỉnh núi có rất nhiều tảng đá hình thù khác nhau được sắp đặt tự nhiên tuyệt đẹp như những hòn non bộ. Ở vị trí trung tâm của đỉnh núi, có một tượng Phật bằng đá được đặt trên một phiến đá nhìn về phía TP.Huế. Tìm hiểu từ người dân địa phương, được biết tượng Phật này được một nhóm phật tử tại TP.Huế phát tâm dựng lên để cầu nguyện âm siêu dương thái sau trận lũ lịch sử năm 1999.

Những ngọn núi thiêng: Thưởng trà trên đỉnh Kim Phụng- Ảnh 6.

Những bạn trẻ du khảo trên đỉnh núi Kim Phụng

ẢNH: V.T

Chúng tôi cũng đã cố gắng tìm dấu tích giếng nước cổ ngày trước trên đỉnh núi tương truyền là nơi để tiên xuống tắm, từng nghe nước rất trong mát, trong giếng có cá. Thế nhưng, ngày nay đỉnh núi đã phai mờ dấu tích, giếng nước cũng khuất dấu cùng thời gian. Chỉ có dưới chân núi một giếng nước từ những khe đá chảy ra ngưng tụ, nhưng lâu ngày cũng đã bị cây bụi bao phủ.

Ngồi trên đỉnh núi ca hát, cảm nhận được lý do vì sao "ông hoàng thơ" xứ Huế - thi sĩ Tùng Thiện vương - chọn Thương Sơn làm bút hiệu. Với những nhà sáng tác văn chương, mỗi khi ngồi trên đỉnh Kim Phụng quả là dạt dào thi hứng.

Tinh mơ trên núi cũng đến sớm hơn dưới thị thành, khi từ canh ba trời đã bắt đầu ửng sáng. Mặt trời mọc lên từ biển ửng đỏ cả vùng trời. Những tia nắng đầu tiên soi vào chén trà sen được nấu từ bếp lửa dã chiến là những viên đá xếp lại với cành khô làm củi, tỏa ra hương thơm thanh khiết. Khung cảnh nên thơ rất hợp với những tâm hồn thanh khiết, khát khao tìm kiếm cảm giác bồng lai tiên cảnh.

Ngồi trên đỉnh, chúng tôi chợt suy nghĩ: Tại sao núi Phú Sĩ của Nhật Bản đã trở thành biểu tượng và được du khách toàn thế giới biết đến, trong khi Kim Phụng, một ngọn núi khó tìm nơi chốn trần gian, một ngọn chủ sơn của Huế lại không được nhiều người biết tới? Câu trả lời có lẽ dành cho ngành văn hóa và du lịch của tỉnh Thừa Thiên-Huế. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.