Những ngọn núi thiêng: Thúy Vân sơn, nơi 'hải môn lữ thứ'

14/09/2024 07:30 GMT+7

Núi Thúy Vân, còn gọi là Túy Vân, nhô lên giữa cửa biển Tư Dung xưa, nay thuộc đầm Cầu Hai, như thế một đầu rồng ngoảnh lại. Ngọn núi đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử bi hùng của dân tộc trên hành trình mở cõi.

Từ cửa biển Thuận An (Thừa Thiên-Huế), theo QL49 đi qua các làng quê vùng biển định cư trên một dải cát vàng như một con rồng uốn lượn ôm trọn vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và bên ngoài là Biển Đông, xuôi về phương Nam đến cửa biển Tư Hiền (thuộc xã Vinh Hiền, H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) thế đất đã nhô lên 2 ngọn núi. Ngọn núi có hình dáng tròn trịa như mai của một con rùa quay đầu ra biển là núi Linh Thái (dân gian quen gọi là núi Rùa, đón xem chi tiết ở bài sau). Còn núi Thúy Vân lại có dáng đầu rồng hướng lên ngọn Bạch Mã của dãy Trường Sơn.

Dấu mốc lịch sử trong hành trình mở cõi về phương Nam của nước Việt được ghi nhận đầu tiên ở núi Thúy Vân là sự kiện vào năm 1471, vua Lê Thánh Tông trong lần ngự giá bình Chiêm đã nghỉ chân tại cửa biển này và làm bài thơ Tư Dung hải môn lữ thứ được đời sau truyền tụng. Trong bài thơ, khi ngồi trên đỉnh núi Thúy Vân, trước cơ đồ hùng tráng nơi biên cương Đại Việt, vua Lê Thánh Tông đã cảm tác những câu thơ đầy tự hào (dịch): "Cả mối cơ đồ một cõi chung/Về Nam địa giới Hải Vân giăng/Ba canh trăng tĩnh Đồng Long rạng/Năm tiếng trống lành Lộ Hạc rung". Về sau, cửa Tư Dung cạn dần, vì thế nguy cơ ngoại địch theo cửa biển vào đánh úp kinh thành Huế khó xảy ra nên triều Nguyễn đặt lại tên là Tư Hiền.

Những ngọn núi thiêng: Thúy Vân sơn, nơi 'hải môn lữ thứ'- Ảnh 1.

Toàn cảnh núi Thúy Vân

ẢNH: NGUYỄN T.A PHONG

Theo Dư địa chí Thừa Thiên-Huế, cửa biển Tư Hiền vốn trước kia thuộc về vương quốc Champa, đời Lý gọi là Ô Long. Đến đời Trần, vua Nhân Tông năm 1306 gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Chế Mân. Khi xuất giá sang Chiêm Thành, công chúa Huyền Trân ghé lên đây bái vọng tổ tiên. Từ đó, cửa biển này có tên Tư Dung, nhằm ghi lại sự kiện hôn nhân giữa vua Chiêm và công chúa Việt, đồng thời tưởng nhớ công ơn người con gái Việt đã hy sinh hạnh phúc riêng tư cho việc mở mang bờ cõi.

Trên núi Thúy Vân có chùa Thánh Duyên cổ kính. Chùa nguyên thủy có tên là Mỹ Am Sơn Tự. Năm 1644, chúa Nguyễn Phúc Tần cho đặt nền móng xây dựng điện Đại Hùng và đặt tên chùa là Thánh Duyên. Năm 1836, vua Minh Mạng cho trùng kiến chùa và cho khắc bài minh vào bia đá dựng ở sân.

Từ chân núi, trên một tảng đá hình tròn cạnh bậc cấp lên cổng tam quan của chùa Thánh Duyên, chúng tôi thấy tấm bia khắc 3 chữ Hán: Thúy Vân Sơn. Phía bên phải dưới rừng dương liễu là một nhà bia cổ rêu phong khắc bài Vân sơn thắng tích của vua Thiệu Trị, tả: "Thúy Vân sơn, túng thúy sầm khâm, hư thanh phân úc, ngoại lâm Minh Bột, nội hám tiểu hải nhi..." (Núi Thúy Vân, non cao xanh biếc, cây xanh ngát hương, ngoài ngắm đại dương, trong nhìn biển nhỏ…).

Những ngọn núi thiêng: Thúy Vân sơn, nơi 'hải môn lữ thứ'- Ảnh 2.

Tháp Điều Ngự trên núi Thúy Vân

ẢNH: BÙI NGỌC LONG

Bước lên những bậc cấp bằng đá rêu phủ xanh là cảnh quan thiền môn cổ kính với chánh điện Đại Hùng theo kiến trúc nhà rường cổ. Nội điện ba gian, gian chính thờ Phật, hai bên thờ những vị bồ tát, các bậc thánh hiền của đạo Phật và có cả bài vị của vua Minh Mạng. Bên phải điện Đại Hùng là một công trình được xây dựng lại bằng kết cấu bê tông, bên trong có thờ 3 pho tượng cổ Phật Dược sư, Bồ tát Quán Thế âm và Bồ tát Văn Thù. Chùa nằm trên một ngọn núi nên cảnh quan sinh thái nơi đây còn rất hoang sơ với nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

LƯU GIỮ NHIỀU CỔ VẬT QUÝ

Đại đức Thích Minh Chính, giám tự chùa Thánh Duyên, cho biết tuy trải qua thời gian hoang phế, nhưng hiện tại chùa vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật pháp tự, pháp khí có giá trị như chuông đồng, bia đá và đặc biệt là những pho tượng cổ đặc biệt quý hiếm.

Theo sử liệu, trước đây chùa có 71 pho tượng cổ, nhưng do không ai bảo quản nên đã có nhiều pho tượng bị mất. Sau khi trùng tu, chùa còn lại 59 tượng cổ.

Những ngọn núi thiêng: Thúy Vân sơn, nơi 'hải môn lữ thứ'- Ảnh 3.

Núi Thúy Vân nhìn ra đầm phá Cầu Hai với nò sáo giăng mắc như trận đồ nơi "hải môn lữ thứ"

ẢNH: NGUYỄN T.A PHONG

Trong số những pho tượng cổ tại chùa, có những bộ tượng đặc biệt quý hiếm như bộ Thập bát La Hán (18 vị La Hán) bằng đồng sơn son thếp vàng, được Trung tâm Sách kỷ lục VN công nhận kỷ lục là Thập bát La Hán bằng đồng xưa và lớn nhất VN (năm 2008); có 10 vị thập điện Minh vương, Tam thế Phật… Đặc biệt là bộ tượng cổ Thập bát La Hán bằng tre độc nhất vô nhị ở VN hiện nay. Để tránh hư hỏng và bị mất trộm, đại đức Thích Minh Chính đã đưa bộ tượng quý vào cất giữ cẩn mật trong chùa.

Vào những thập niên đầu thế kỷ 20, quốc tự Thánh Duyên đã từng là đạo tràng lớn của giáo hội.

Ngồi dưới chân tháp Điều Ngự nhìn ra cửa biển Tư Hiền dập dềnh sóng vỗ, lòng chợt xao xuyến xúc động khi nghĩ về bước chân của người con gái Việt trên hành trình mở cõi về phương Nam. Hiện nay, qua nhiều đợt trùng tu, chùa Thánh Duyên đang dần khôi phục vóc dáng của ngôi cổ tự với bi đình khắc bài Vân sơn thắng tích của vua Thiệu Trị dựng ở chân núi. Bên phải sân trước chùa còn bia đá khắc 4 bài thơ của vua Minh Mạng chế ngự về núi Thúy Vân và chùa Thánh Duyên. Đặc biệt, giữa điện thờ chính là long vị bằng đồng đúc dòng chữ "Đương kim Minh Mạng hoàng đế vạn thọ vô cương". Đi dần lên đỉnh núi là Đại Từ các 2 tầng có nghi môn và la thành bao bọc. Trên đỉnh núi là tháp Điều Ngự 3 tầng, cao khoảng 15 m và đình Tiến Sảng ở sau tháp nhìn ra Biển Đông. Quanh chùa còn khá nhiều cây thông cổ thụ hàng trăm năm tuổi. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.