Có lẽ do tiếng vọng từ lòng đất nên dân trong vùng bao đời nay gọi đó là núi Thình Thình. Trên núi còn có ngôi chùa cổ, cũng được gọi là chùa Thình Thình, nằm tĩnh lặng giữa vùng núi rừng bao la của vùng đồng bằng phía đông H.Bình Sơn và H.Sơn Tịnh (Quảng Ngãi).
VỌNG NHƯ TIẾNG TRỐNG CỦA RỪNG
Không hiểu sao giữa đồng bằng hai huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) lại mọc lên dãy núi gọi là Phượng Hoàng. Trong dãy núi rừng xanh thẳm ấy có núi Thình Thình. Núi cao khoảng
168 m so với mặt biển, có độ nghiêng khoảng từ 32 - 42 độ, nằm giữa màu xanh của những cánh đồng, làng quê yên ả. Hình thù của núi nhìn từ xa như hình con cá sấu ẩn hiện giữa dãy núi Phượng Hoàng. Thật ra, núi Thình Thình là tên gọi của dân gian, còn trong các tài liệu, núi có tên gọi là Thanh Thanh Sơn, Cổ Sơn…
Vì sao gọi là "Cổ Sơn"? Có lẽ từ việc lên núi, giậm chân xuống đất sẽ nghe tiếng thình thình vọng ra trong lòng đất như tiếng trống nên người xưa gọi là Cổ Sơn (núi trống). Nói về núi này, ca dao bản xứ lưu truyền rằng: "Núi Thình Thình, chùa cũng Thình Thình/ Ai đi lên đó cho mình hỏi thăm/ Vì đâu nên tiếng nên tăm/ Để cho mảnh đất ngàn năm thình thình".
Ông Trần Văn Đức (56 tuổi), phật tử của chùa Thình Thình, cho biết đến nay không phải nơi nào ở núi Thình Thình và chùa Thình Thình giậm chân cũng nghe tiếng thình thình vọng ra như trước nữa, mà chỉ còn 7 - 8 chỗ giậm xuống vẫn nghe tiếng thình thình, như trước chánh điện chùa, quanh ngôi giếng cổ sát cây bồ đề, bên phải cổng chính (tam quan) đi vào…
Để biết vì sao có tiếng thình thình đó, nhiều người đi tìm hiểu, nghiên cứu và cho rằng âm thanh ấy phát ra là do trong lòng núi đá ong có nhiều lỗ hổng bên trong. Trải qua thời gian, mưa làm cho đất bị rửa trôi, đằm dần xuống nên khi giậm chân thì phát ra âm thanh kỳ lạ đó.
Liên quan đến tiếng kêu ấy, chúng tôi lên chùa Thình Thình nghe kể lại chuyện, một vị sư lập am tu hành trên núi Thình Thình. Khi nhà sư viên tịch thì được chôn vào lòng núi. An nghỉ giữa núi rừng nơi mình từng tu hành, nhà sư ấy đã dùng thần thông diệu pháp để ngày ngày phát hiện người lành, kẻ dữ. Theo đó, những ai lên chùa là người hiền thì tiếng vọng ra từ lòng núi sẽ êm ả; còn là người dữ, có âm mưu xấu, núi sẽ nộ khí phát ra âm thanh như ác thú gầm gừ.
Theo lời kể của ông Đức, núi Thình Thình xưa có nhiều gỗ quý như lim, trâm, chò chỉ… nhưng qua thời gian bị khai thác nên rừng cây cổ thụ không còn nữa, mà thay bằng rừng cây keo nhiều năm tuổi cũng bạt ngàn. Trong núi rừng này từng có nhiều thú: cò trắng, cò đen, tê tê, trăn, rắn, khỉ, nhím... và các loại chim quý khác, đặc biệt là hàng đàn khỉ trú ngụ.
VƯỜN MÍT TRĂM NĂM VÀ ĐÀN KHỈ ĂN LỘC CHÙA
Núi Thình Thình ở dãy Phượng Hoàng đã độc đáo, còn nhà sư phát hiện ra núi này để lập am, xây chùa tu hành lại càng độc đáo hơn. Bởi dãy núi mênh mông, miên man rừng xanh, cây thẳm nối tiếp chạy dài ấy, làm sao phát hiện núi có tiếng thình thình để xây chùa. Đáng nói nữa là, trên đỉnh núi lại còn có khoảnh đất chừng 4 ha bằng phẳng, rất tiện cho xây chùa, sinh hoạt. Nhà sư ấy là Tăng Can Diệu Quang và khi xây chùa thì có tên Viên Giác tự, núi Thanh Thanh Sơn. Ngôi chùa có diện tích khoảng 500 m².
Theo Quảng Ngãi - Giai thoại và truyền thuyết (Thế Kỷ - Hà Thanh, xuất bản năm 1994), núi Thình Thình xưa có một cái am nhỏ, lợp tranh, không biết do ai làm. Về sau, nhà sư Diệu Quang đến trụ trì. Do thiên tai, hỏa hoạn, chùa phải 3 lần trùng tu, trong đó năm 1990 là đợt trùng tu lớn nhất.
Dạo quanh chùa, đáng kinh ngạc nhất là giếng sâu thăm thẳm, nước vẫn ngọt trong giữa đồi núi cao 168 m. Ông Trần Văn Đức cho biết, giếng rất sâu, phải dùng dây dài 34 m mới đến múc nước được. Còn trước sân chùa có chuông đồng nặng 120 kg, được cho là đúc vào thập niên 1940. Trên chuông có 4 chữ "xuân - hạ - thu - đông".
Giai thoại kể rằng, nhà chùa cứ theo mùa nào thì đánh chuông vào chữ ấy, nếu đánh sai thì xuất hiện những kỳ quái như muôn loài từ đâu xuất hiện, quấy phá sự yên lành. Cũng theo giai thoại, có vài người lên chùa, cầm dùi đánh không đúng tên mùa, nên xuất hiện muôn loài ngày một nhiều, vây quanh chùa, quanh núi. Khách thập phương hoảng hốt bỏ chạy. Trụ trì hay tin chạy đến giữ khách lại và đánh lại đúng chữ theo mùa, muôn loài bỏ đi dần.
Xung quanh chùa Thình Thình còn có vườn mít bạt ngàn. Theo các phật tử ở đây, vườn mít này đã có từ hàng trăm năm, khi xây chùa cũng là thời gian trồng mít. Đến khoảng năm 1978 - 1979, do đời sống khó khăn, dân ở đây đã chặt bán cây mít, phần khác để trùng tu chùa, nên vườn mít bị phá khá nhiều. Tuy nhiên vài mươi năm sau, vườn mít được phục hồi, xanh tốt, làm nên màu xanh bao bọc chùa Thình Thình. Ngoài ra, còn có rừng chè xanh được trồng trước năm 1975 đến nay. Chè giờ vẫn xanh um, vươn lộc lên cho nhà chùa hái lá, đãi khách thập phương đến đây viếng cảnh.
Một lần gần đây đến chùa Thình Thình, chúng tôi được ông Bảy Nguyệt (74 tuổi) kể, cứ khoảng 15 giờ, bầy khỉ cả trăm con thường xuất hiện trong vườn mít. Chúng đi sâu vào chùa ăn mít, trái cây và lộc của chùa. Bầy khỉ ngày càng dạn dĩ với người hơn, do không ai đánh đuổi, nay chúng phát triển thành nhiều đàn. Lũ khỉ phá phách nhưng chúng cũng biết trả ơn. Khoảng tháng 5.2010, ông Hai (một người làm công quả ở chùa) thường cho khỉ ăn. Khi con bò của ông Hai đi lạc vào núi mà tìm mãi không ra, ông được lũ khỉ dẫn lối, chỉ đường. Ông Hai đi theo thì tìm thấy được con bò bị chết trong rừng.
Núi Thình Thình có chùa Thình Thình, nhờ những huyền thoại lưu truyền cũng như sự tĩnh mịch, thoát tục nên du khách khắp nơi về đây ngày càng nhiều. Núi chỉ u tịch khi đêm về, hòa với tiếng khỉ kêu, tiếng vạn vật là tiếng chuông chùa vang vọng, nghe lòng mình bớt chuyện sân si. (còn tiếp)
Bình luận (0)