Kỳ bí "lời nguyền cổ đại"
Núi Ngọc Linh tiếp giáp 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, độ cao khoảng 2.600 m so với mực nước biển. Vẻ đẹp hoang sơ, cảnh sắc non nước hữu tình, những bản làng Xê Đăng sương mù phủ kín quanh năm và bảo vật sâm Ngọc Linh đã khiến Ngọc Linh ngày càng hấp dẫn. Và trên hết là vẻ đẹp của xứ sở thần tiên và rất nhiều câu chuyện kỳ bí.
Dễ hiểu vì sao đỉnh núi thiêng này luôn được bảo vệ tuyệt đối. Người của làng cũng hiếm hoi lắm mới lên được, chứ đừng nói là người lạ bên ngoài. Các già làng thường kể cho con cháu nghe chuyện những tốp người tìm trầm, tìm sâm đều một đi không trở lại. Họ lạc lối vì rừng sâu huyền bí, hoặc mắc phải nhiều căn bệnh vô phương cứu chữa do "ma rừng" hoặc bị Yàng trừng phạt. Rồi những câu chuyện về thung lũng kỳ bí Ngọc Rêu - nơi không thể xác định tọa độ, người ta có muốn vượt qua thì lại lòng vòng trở lại chỗ cũ…
Đồng bào Xê Đăng vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện lạ. Trước đây, có già làng từng một mình đi vào rừng tìm đường lên đỉnh Ngọc Linh, nhưng ông bị lạc 5 ngày trong rừng. Kể từ đó, vị già làng này không dám quay lại nơi này nữa… Nhiều người Xê Đăng cũng lắc đầu, lè lưỡi mỗi khi nhắc đến những câu chuyện đầy huyễn hoặc ở ngọn núi quanh năm mây phủ trắng. Anh Hồ Văn Thức (35 tuổi, ở xã Trà Linh, H.Nam Trà My, Quảng Nam) cho hay đã từng có rất nhiều đoàn thám hiểm (kể cả người nước ngoài) đến đây để chinh phục Ngọc Linh, nhưng vẫn chưa ai lên được đỉnh núi. Hàng trăm năm nay, ngay đến người dân địa phương dù tìm mọi cách mà vẫn thất bại. Nếu ai đó nói mình "đã lên được đỉnh núi", chẳng qua đấy chỉ là ven rìa núi thôi.
Đồng bào Xê Đăng sống quanh đây vẫn tin rằng đỉnh núi có yểm một "lời nguyền cổ đại" cấm người lạ xâm phạm. Cũng có những câu chuyện nửa hư nửa thực đang tồn tại trong cộng đồng Xê Đăng. Thi thoảng, vùng đất này cũng tìm thấy những di vật lạ. Như hồi năm 1979, người dân làng Đăk Đoát (xã Đăk Pek, H.Đăk Glei, Kon Tum) phát hiện một bức tượng cổ. Thời điểm phát hiện, bức tượng nằm sâu trong dãy núi Ngọc Linh ở phía bắc của tỉnh Kon Tum, phía tây giáp với biên giới Lào, phía bắc giáp H.Phước Sơn (Quảng Nam). Tương truyền, người dân địa phương gọi tượng này là "người anh hùng A Đriếp". Năm 1993, bức tượng được bàn giao lại cho Bảo tàng tỉnh Kon Tum lưu giữ.
Mùa thu hoạch loại hạt ‘tiền tỉ’ trên đỉnh Ngọc Linh
Báu vật của núi thiêng
Không chỉ chứa đựng nhiều điều huyền bí, núi Ngọc Linh sở hữu loại sâm được cho là số 1 thế giới. Chính ngọn núi này đã giúp người dân Xê Đăng đổi đời, nhiều tỉ phú cũng dần xuất hiện ngay dưới chân núi khi sở hữu vườn sâm Ngọc Linh rộng lớn. Nhiều người cho rằng chính những điển tích xưa cũ nhuốm màu huyền hoặc khiến loài cây cao quý như sâm Ngọc Linh "chọn" nơi đây để bám rễ sinh sôi và trở thành viên ngọc của đại ngàn. Vòng đời của một cây sâm gửi gắm trọn vẹn dưới tán rừng như sinh mệnh không thể tách rời.
Người dân dưới chân núi Ngọc Linh cũng lưu truyền câu chuyện: Loài sâm trên đỉnh Ngọc Linh là hiện thân của một cô gái. Cha bệnh nặng, cô gái muốn giúp cha khỏi bệnh mà không biết làm sao. Một đêm, cô nằm mơ thấy vị thần truyền lời nếu muốn cứu cha thì hãy thoát xác vào một loài cây trên đỉnh núi, rồi người nhà lấy cây này về cho cha ăn sẽ khỏe lại… Cô gái nghe vậy, làm theo. Nhưng cây chưa kịp lớn thì cha cô đã mất. Sau đó, loài cây này bị nhiều người lên lấy, có nguy cơ tận diệt, nên cô gái đã cầu xin thần linh bảo vệ. Chính vì thế, không ai có thể lên được đỉnh Ngọc Linh.
Theo các chuyên gia, phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 52 hợp chất saponin, trong đó phát hiện 26 hợp chất saponin có cấu trúc mới chưa từng xuất hiện trong các loại sâm khác. Ngoài ra sâm Ngọc Linh còn chứa các polyacetilen, axit béo, axit amin, gluxit, tinh dầu và cả các yếu tố vi lượng. Cũng vì sự quý hiếm, bổ dưỡng của mà loài cây này được mệnh danh là quốc bảo và có giá dao động từ 160 - 250 triệu đồng/kg.
Dưới tán rừng già, ở độ cao hơn 2.000 m so với mực nước biển, người dân địa phương đã và đang gieo trồng, chăm sóc hàng ngàn héc ta sâm Ngọc Linh. Cũng đã từ lâu, nơi đây được mệnh danh là "xứ sở triệu USD" với nền tảng chính là phát triển dược liệu. Đến nay, chỉ ở H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã phát triển được 2.937 ha cây dược liệu, trong đó, sâm Ngọc Linh là 1.715 ha, còn lại là các cây khác.
Ngoài phát triển vùng dược liệu, dựa vào lợi thế địa hình đồi núi, thác ghềnh và đặc biệt là khí hậu mát mẻ, địa phương này đã và đang hướng đến phát triển du lịch.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông, cho biết địa phương đang triển khai nhiều hoạt động nhằm quảng bá danh lam thắng cảnh trên địa bàn nhằm thu hút du lịch. Ngoài ra dựa vào lợi thế loài sâm quốc bảo, địa phương mong muốn tạo ra sản phẩm du lịch đặc biệt để thu hút doanh nghiệp, du khách tới trải nghiệm, nhận biết, phân biệt cây sâm Ngọc Linh. Trong thời gian tới, huyện xác định phương châm quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, trồng dược liệu, chăn nuôi dưới tán rừng gắn với du lịch là định hướng phát triển xóa đói giảm nghèo bền vững. (còn tiếp)
Bình luận (0)