Những người cố bám trụ kinh doanh trong chiến dịch lấy lại vỉa hè của Hà Nội

05/03/2023 08:20 GMT+7

Những ngày qua, dù lực lượng chức năng ra quân quyết liệt, xử phạt những vi phạm trên vỉa hè nhưng một số người dân vẫn cố gắng bám trụ để bán hàng kiếm tiền mưu sinh.

Mới đây, Ban Chỉ đạo 197 TP.Hà Nội (Ban Chỉ đạo) đã ban hành Kế hoạch số 1/KH-BCĐ197 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng (TTATGT, TTĐT, TTCC) trên địa bàn thành phố năm 2023.

Những người cố bám trụ kinh doanh trong chiến dịch lấy lại vỉa hè của Hà Nội - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về TTATGT

TRẦN KIÊN

Trong kế hoạch, Ban Chỉ đạo yêu cầu triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về vấn đề này, nhất là tại 12 quận nội thành; yêu cầu xử lý 100% các hành vi vi phạm trong lĩnh vực TTATGT, TTĐT, TTCC để tạo tính răn đe; trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm lấy lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ, tránh tình trạng "đánh trống bỏ dùi".

Ở giai đoạn 1, kể từ khi triển khai kế hoạch đến hết ngày 28.2, thành phố yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định; ký cam kết tự nguyện chấm dứt vi phạm, khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng hè phố, lòng đường. Giai đoạn 2, từ ngày 1 - 31.3, các thành viên Ban Chỉ đạo đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực phụ trách.

Vỉa hè trong mắt khách Tây: 'Xe máy quá nhiều, chỗ đâu đi bộ?

Không bán hàng trên vỉa hè thì không biết làm gì

Việc kiên quyết xử lý vi phạm về TTATGT, TTĐT, TTCC lấy lại vỉa hè cho người đi bộ đang được người dân hết sức ủng hộ.

Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó, một bộ phận người lao động sẽ chịu tác động về kinh tế bởi chủ trương này, đó là những người kinh doanh trên vỉa hè. Những ngày qua, cho dù lực lượng chức năng ra quân quyết liệt, xử phạt "nặng tay" nhưng họ vẫn cố gắng bám trụ vào vỉa hè để bán hàng kiếm tiền mưu sinh.

Theo ghi nhận của Thanh Niên tại một số tuyến phố như Hàng Bông, Hàng Gai, Tràng Thi, Lê Thái Tổ…. vẫn còn tình trạng người dân bán hàng trên vỉa hè, dù lực lượng chức năng thường xuyên đi tuần.

Những người cố bám trụ kinh doanh trong chiến dịch lấy lại vỉa hè của Hà Nội - Ảnh 2.

Một số tuyến phố ở Q.Hoàn Kiếm vẫn còn tình trạng người dân bán hàng trên vỉa hè

ĐÌNH HUY

Đang bán trà đá trên vỉa hè phố Lê Thái Tổ (P.Hàng Trống, Q.Hoàn Kiếm), vợ chồng bà Trần Thị Lan (tên đã thay đổi) người thì tranh thủ bán hàng, người thì quan sát xem có xe đi tuần của lực lượng chức năng hay không. Họ luôn trong tư thế sẵn sàng để chạy, dù đồ đạc mang đi đã rất tối giản gồm vài cái ghế và vài chiếc cốc uống nước.

Bà Lan tâm sự, từ ngày Q.Hoàn Kiếm ra quân xử lý vi phạm về TTATGT, TTĐT, thu nhập của hai vợ chồng bị ảnh hưởng rất nhiều. Trước đây, trung bình mỗi ngày vợ chồng bà bán được từ 100.000 - 200.000 đồng tiền nước nhưng giờ chỉ bán được vài chục nghìn đồng. Số tiền này chỉ đủ tiền ăn trong ngày.

"Chúng tôi bán trà đá quanh bờ hồ Gươm mấy chục năm nay rồi, kinh tế của hai vợ chồng chủ yếu phụ thuộc vào nó; nếu giờ bị cấm, chúng tôi chẳng biết làm gì", bà Lan nói và cho hay dù ông bà có 3 người con gái nhưng các con đã lấy chồng, đang gặp khó khăn nên chẳng nhờ vả được ai.

Bà Lan tiết lộ, có những hôm phải chạy hàng chục lần vì công an đi tuần rất nhiều. Thế nhưng, cả hai vẫn phải bán "vụng trộm" vì không còn con đường nào khác.

"Có những lần không chạy kịp đồ đạc, chúng tôi đành phải chịu mất đồ bởi số tiền nộp phạt rất cao, rồi lại ra chợ mua đồ mới về bán hàng tiếp. Không phải chỉ riêng mình chúng tôi, những người bán hoa quả hay bán hàng rong trên vỉa hè cũng vậy", bà Lan tiết lộ.

Những người cố bám trụ kinh doanh trong chiến dịch lấy lại vỉa hè của Hà Nội - Ảnh 3.

Quán trà đá trên phố Lê Thái Tổ chỉ có một số đồ dùng sơ sài để dễ chạy công an

ĐÌNH HUY

Giống như vợ chồng bà Lan, chị Hằng (tên đã thay đổi) bán trà đá trên phố Hàng Gai - con phố đang được Q.Hoàn Kiếm xử lý quyết liệt để trả lại vỉa hè cho người đi bộ cho hay, gần đây, chị chỉ dám tranh thủ buổi trưa lực lượng chức năng nghỉ ngơi để bán cốc trà kiếm thêm thu nhập.

Theo chị Hằng, từ ngày quận ra quân xử lý, lượng người bán trà đá và những người kinh doanh trên vỉa hè giảm hẳn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm buôn bán nhiều năm, chị Hằng tin rằng những người dân có nguồn thu nhập chính dựa vào buôn bán trên vỉa hè sẽ hoạt động trở lại, bởi họ không còn công việc nào khác để kiếm sống.

Thấy công an phường, người bán hàng dọn sạch vỉa hè Hà Nội trong tích tắc

Xử lý vỉa hè nhưng phải đảm bảo cuộc sống của người dân

Trong khi đó, tại khu vực hồ Tây (Q.Tây Hồ), các chủ quán nước cũng nhanh chóng dọn dẹp đồ đạc mỗi khi nghe thấy tiếng loa từ xe thùng của lực lượng công an phường. Bà M.T, chủ quán nước trên phố Nguyễn Đình Thi (Q.Tây Hồ), chia sẻ trước đây bà bán ở vỉa hè cạnh hồ Tây nhưng do lực lượng chức năng làm quyết liệt nên chuyển qua vỉa hè đối diện.

"Tôi không có lương hưu nên phải bán nước trên vỉa hè để trang trải cuộc sống. Ngày nào tôi cũng bán hàng từ 6 giờ đến 22 giờ. Gần đây, có ngày bị thu bàn, ghế mấy lần nhưng tôi vẫn phải cố bán hàng", bà T. nói.

Bà T. cho rằng, việc lấy lại vỉa hè cho người đi bộ là cần thiết nhưng cũng cần quan tâm, giúp đỡ cho những người dân đang sống dựa vào vỉa hè. Làm sao để hài hòa được lợi ích của người dân khi vừa đảm bảo cuộc sống, vừa đảm bảo không gian cho người đi bộ thì tình trạng lấn chiếm vỉa hè sẽ không tái diễn.

Những người cố bám trụ kinh doanh trong chiến dịch lấy lại vỉa hè của Hà Nội - Ảnh 4.

Người dân vẫn tranh thủ kinh doanh trên vỉa hè để kiếm thêm thu nhập

ĐÌNH HUY

Trước đó, ngày 3.3, Hà Nội phát động lễ ra quân tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về TTATGT, TTĐT, TTCC trên địa bàn năm 2023.

Ông Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo 197 TP.Hà Nội, đề nghị chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã đánh giá thực trạng TTĐT trên địa bàn, nguyên nhân và giải pháp; phân tích mối tương quan giữa duy trì TTĐT và phát triển kinh tế, đặc biệt là "kinh tế đêm".

Trên cơ sở đó phải nghiên cứu, làm rõ để kịp thời tham mưu cho thành phố chính sách vừa đảm bảo được mỹ quan, vừa đảm bảo TTATGT, TTĐT nhưng vẫn bảo đảm quyền kinh doanh, quyền mưu sinh, cuộc sống của người dân; dưới sự quản lý một cách trật tự, bảo đảm, công bằng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.