Những người con xa xứ phập phồng, cầu mong mọi người được bình yên sau bão Noru

27/09/2022 15:50 GMT+7

Nhiều người trẻ xa quê đang phập phồng, lo lắng và tất cả đều cầu mong cho những người thân yêu của mình nơi dải đất miền Trung ruột thịt được bình yên cũng như sớm vượt qua khó khăn trước cơn bão Noru sắp ập vào.

Hình ảnh nhìn từ vệ tinh mắt bão Noru trên Biển Đông

TRUNG TÂM DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN QUỐC GIA

Là một người con học tập sống xa nhà, Võ Thị Ngọc Linh (quê xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), sinh viên năm 2 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Mấy hôm nay khi hay tin có cơn bão Noru rất mạnh sắp đổ vào các tỉnh miền Trung của nước ta, lòng em như lửa đốt. Bản thân em vô cùng lo lắng cho gia đình ở quê nhà cũng như đồng bào miền Trung đang phải gồng mình, đối phó với cơn bão có cường độ rất mạnh”.

“Em cập nhật thông tin liên tục về đường đi của cơn bão này trên các phương tiện thông tin đại chúng và thường xuyên gọi điện về nhà hỏi thăm tình hình cũng như động viên mọi người trong gia đình hãy bình tĩnh để ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Và em hy vọng khi cơn bão đổ vào sẽ không gây thiệt hại quá lớn để gia đình em vơi bớt nỗi nhọc nhằn”, Linh nói.

Mái tôn bị hư hỏng sau khi cơn bão số 9 đi qua ở Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi năm 2020

Văn Châu

Tương tự, Nguyễn Sơn Trà, ngụ tại phường Phổ Quang, Thị trấn Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi), hiện là sinh viên của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, tâm sự: “Năm nào thì miền Trung, cụ thể là ở Quảng Ngãi đều đón những cơn bão dù lớn hay nhỏ. Và tất cả đều để lại những thiệt hại nặng nề (cơ sở vật chất: tài sản người dân bị hư hại, cây cối đổ ngã…Về tinh thần: bất an, lo lắng, đau buồn…)”.

Chính vì vậy, Trà cho biết: “Khi nghe tin cơn bão Noru rất mạnh đang di chuyển từ biển Đông hướng vào miền Trung, bản mình thật sự rất lo lắng. Nếu như những năm trước mình sợ khi đối mặt với cơn bão, thì bây giờ mình lại lo cho người thân ở quê nhà. Dù đi học xa, nhưng tâm trạng vẫn như những mùa bão, lũ ở các năm trước: hoảng sợ, lo lắng, cầu nguyện cho tất cả mọi người sẽ được bình an vô sự”.

Rồi Trà nói: “Mấy ngày nay, mình liên tục gọi điện về nhà để hỏi thăm tình hình người thân cũng như biết được gia đình đã có những cách phòng tránh bão để yên tâm hơn phần nào. Mặc dù biết được gia đình đã có sự chuẩn bị nhưng nỗi lo vẫn rất lớn. Mà hiện tại mình đang học ở xa nên cũng không thể giúp đỡ được gì cho gia đình, ngoài việc quan tâm thường xuyên và cầu mong mọi người sẽ được yên bình sau bão Noru”.

Cây cối của một nhà dân tại huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi bị tiêu điều sau bão số 9 năm 2020

văn Minh

Nguyễn Yến Trang (xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), hiện là sinh viên năm 2 của Học viện Báo chí và tuyên truyền Hà Nội, bày tỏ lo lắng: “Trước những thông tin dự báo về cơn bão Noru đang tiến vào miền Trung với cường độ ngày một mạnh hơn, mình vô cùng lo lắng cho quê nhà khi sắp phải đối diện với lũ lụt. Như chúng ta đã biết hậu quả của đợt lũ lịch sử năm 2021 đã làm thiệt hại đáng kể về người và của của bà con nơi đây. Vì ở xa nên mình cũng chỉ có thể thường xuyên theo dõi dự báo tình hình của cơn bão, gọi điện thường xuyên cho gia đình ở quê nhà để có cách đối phó”.

Siêu bão lịch sử Noru sẽ quần thảo 10 - 12 tiếng trên đất liền Việt Nam

Nguyễn Nhật Trung (quê tỉnh Quảng Ngãi), hiện ngụ tại Khu B, Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng cho rằng: “Qua những tin tức cập nhật được, mình cảm thấy rất lo cho cả miền Trung lúc này khi sắp trải qua cơn bão có sức gió kỷ lục tiếp cận đất liền. Bản thân mình từng trải qua cơn bão số 9 năm 2020, mình không dám nghĩ tới cảnh người nông dân gom góp, gầy dựng lại trong 2 năm qua lại bị cuốn bay đi lần nữa”.

Rồi Trung nói: “Mấy ngày nay, mình liên tục gọi điện cho ba mẹ để dặn dò gia đình về thời gian cần tránh trú và chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống và cả tình huống có thể mất điện diện rộng, kéo dài sau bão. Mình hy vọng tất cả mọi người dân cũng như chính quyền địa phương và các lực lượng vũ trang thực hiện nghiêm các nguyên tắc ứng phó với bão để tránh thiệt hại một cách thấp nhất có thể.

Cũng với tâm trạng bồn chồn và lo lắng, Lê Quang Huy (tỉnh Thừa Thiên-Huế), sinh viên của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nói: “17 năm ở với Huế, gồng gánh và vượt qua những cơn bão với Huế. Nhưng năm nay thì không thể cùng gia đình để chống bão vì bản thân đã vào TP.HCM học. Vì vậy, bản thân cảm thấy thương Huế và miền Trung vô cùng khi phải đối diện với cơn bão quá mạnh đang đổ vào quê nhà”.

Mái nhà của người dân tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị bão số 9 (năm 2020) thổi tung

phạm anh

Huy cũng chia sẻ: “Mình đã gọi về nhà, nhắc người thân che chắn nhà cửa, dự trữ đồ ăn. Nghe đây là cơn bão mạnh nhất 20 năm qua, mình cũng đã động viên và trấn an tinh thần của mọi người chứ không biết làm gì khác hơn”.

Với Phan Thị Hương (quê huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), hiện ngụ tại Khu B, Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM cũng trong tâm trạng lo lắng trước cơn bão Noru. “Nhà em cách biển chưa tới 1 km nên em rất lo lắng khi cơn bão Noru ập tới. Mỗi lần có bão thì gia đình em phải đi sơ tán và cơn bão đi qua thì hoa màu và vật nuôi đều bị ảnh hưởng rất nhiều. Trước khi biết thông tin cơn bão Noru ập vào, em có gọi điện về cho gia đình để động viên và tìm cách di chuyển vật nuôi cũng như các phương án kiên cố lại nhà cửa, chặt bớt cây cối trong vườn...”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.